Nguyễn Thị Thanh Phương, sinh viên một trường đại học tại khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, suốt 3 năm học, cứ đến ngày lễ 8/3 và 20/10... là Phương lại được cả lớp giao cho nhiệm vụ đi mua hoa để tặng các cô giáo vì Phương có “nguồn” lấy hoa giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường.
Phương kể: Năm thứ nhất Phương xin được làm gia sư cho một em nhỏ học lớp hai có mẹ làm giảng viên một trường đại học ở Hà Nội. “Trước ngày 8/3 cả tuần lễ, hoa quà của các sinh viên đem đến tặng đã để chật kín cả nhà. Nhiều khi cô ấy còn bảo thích bó hoa nào thì cô cho đem về mà cắm, không thì cô bán cho mấy hàng hoa tươi gần nhà cũng chỉ được mấy đồng”.
|
Không biết trong những bó hoa này, bó nào đã được quay vòng từ cửa hàng đến nhà cô rồi lại ra cửa hàng?. |
Thấy cô nói thế, trong khi ở lớp lại đang cần mua một lượng lớn hoa để đi tặng các cô giáo trong trường nên Phương ngỏ ý hỏi mua lại tất cả chỗ hoa cô được tặng. “Cứ tưởng sẽ bị cô từ chối và giận, ai ngờ cô gật đầu đồng ý bán ngay với giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với giá ngoài thị trường. Cô còn bảo lúc nào đến lấy hoa cũng được. Thế là từ đó, năm nào mình cũng nhận trách nhiệm mua hoa cho cả lớp trong những ngày lễ”, Phương nói.
“Theo lời cô, hoa tươi để lâu cũng hỏng nên cô bán với giá rẻ để có thêm chút tiền chi tiêu sinh hoạt, còn sinh viên như Phương cũng đỡ được một khoản tiền đóng góp. Mình thấy cô nói cũng có lý, chứ nếu không bán, chỉ vài hôm sau lại phải vứt vào thùng rác”, Phương cho hay.
Không chỉ bán hoa, nhiều giáo viên còn tìm người để nhờ bán cả những món quà được phụ huynh học sinh tặng là đồ công nghệ như: iPad, laptop, điện thoại...
Anh Nguyễn Tuấn Anh có cậu con trai học lớp 4 và một cô con gái học lớp một tại một trường tiểu học ở khu vực Đống Đa (Hà Nội) cũng chia sẻ, sau dịp 8/3 năm ngoái, anh được cô chủ nhiệm của cậu con trai gọi điện nhờ bán hộ một chiếc Ipad mini và một chiếc điện thoại đi động S3 vì cô đã có một chiếc tương tự.
Một số giáo viên được nhận những món quà là đồ công nghệ cao nhưng không dùng đến nên nhờ người bán hộ
“Sở dĩ cô giáo nhờ tôi vì cô biết tôi là dân công nghệ, có cửa hàng sửa chữa và bán linh kiện điện tử, laptop, điện thoại cũ”, anh nói.
Tương tự, chị Trần Huyền Trang có cửa hàng mỹ phẩm trên đường Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội) còn kể rằng, sau ngày 8/3 và 20/11, chị lại nhận được rất nhiều loại mỹ phẩm là dầu gội, sữa tắm... của các cô giáo đem tới. Người thì bán với giá thanh lý, người thì nhờ bán hộ.
Cô còn than thở: “Nhiều quá, để lâu không dùng tới thì hết hạn mà đem cho thì chẳng biết người ta có thích không. Thôi thì đem ra đây nhờ em bán giúp”.
Sau lần đó, có thêm 5-6 cô giáo nữa cũng mang mỹ phẩm tới nhờ bán. “Thôi thì thời buổi kinh tế khó khăn, những thứ không dùng hết đem bán đi để có thêm đồng ra đồng vào cũng là một cách tránh lãng phí”, chị Huyền Trang nhận xét.
Riêng cô K. (giáo viên một trường tiểu học ở Ba Đình) cũng chỉ giữ lại vài lọ mỹ phẩm phù hợp, hay dùng đến, còn bao nhiêu cô chuyển hết về quê biếu họ hàng.