“Cô giáo” chuyển giới và chuyện tình 10 năm chưa gặp mặt

(PLO) -Tích cóp tiền tỉ sang Thái Lan chuyển giới, người đàn ông đầu tiên được cải chính giới tính trong hộ tịch đã mất không ít nước mắt để vượt qua kỳ thị.
Cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm (Hình nhân vật cung cấp)

Làm việc 20 tiếng/ngày kiếm tiền đi phẫu thuật

Hơn 30 năm sống khổ sở trong cảnh “thân sâu hồn bướm”, Phạm Văn Hiệp (SN 1974, quê tỉnh Bình Phước) đã chịu biết bao cay đắng khi bị người đời khinh miệt. Nước mắt đã cạn, anh quyết định bắt đầu hành trình gian nan tìm lại giới tính thật của mình. Nhiều đêm ròng thức trắng trong bụng không được hạt cơm, anh lăn lộn với công việc kiếm tiền, góp một số tiền lớn sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới.
Gặp Quỳnh Trâm khi “chị” vừa kết thúc buổi dạy ôn thi đại học. Váy áo nền nã duyên dáng, giọng nói nhẹ nhàng truyền cảm, Tram thổ lộ rằng mình đang sống những tháng ngày hạnh phúc nhất cuộc đời.
Trâm sinh ra tại Sài Gòn với cái tên cha mẹ đặt cho là Phạm Văn hiệp. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, lại không có công việc ổn định, cha mẹ đành dắt díu mấy người con di cư đến vùng kinh tế mới ở Bình Phước làm ăn sinh sống. Từ khi đứa bé lọt lòng đã mang ngoại hình con trai nên luôn bị gia đình mặc định như vậy. Thời ấy, Hiệp học rất giỏi, chỉ có điều lạ thường thích chơi với các bạn nữ, mặc váy, tô son giống như con gái.
Khi học tới lớp 7, “cậu bé” mới cảm nhận được những thay đổi trên cơ thể mình khiến em thắc mắc về giới tính thật.
“Tôi thấy cơ thể bắt đầu có những thay đổi như một người phụ nữ, ngực cứ từ từ lớn dần. Tôi lo sợ, bấn loạn không dám nói chuyện này với ai. Đêm nào tôi cũng thức trắng suy nghĩ, rồi lại buồn tủi khóc lóc một mình. Tôi sợ nhất là bị mọi người phát hiện, sẽ nhìn mình như “người ngoài hành tinh””, Trâm nhớ lại.
Mang trong mình nỗi mặc cảm “nam không ra nam, nữ không ra nữ” nên cậu học sinh chỉ thui thủi đi học rồi lại về nhà đóng cửa một mình. Học xong lớp 12, Hiệp thi đậu và học cùng lúc 2 trường đại học: Đại học Kinh tế TP.HCM và Học viện Ngân hàng.
Thời đó, “chàng sinh viên” đã bắt đầu lên mạng tìm hiểu về những người có hoàn cảnh như mình. Mang trong mình khát khao được làm con gái nên “chàng trai” lập một nick name với tên dễ thương và hình đại diện một cô gái xinh đẹp lấy trên mạng. Nhiều chàng trai “mắc câu” vào làm quen tán tỉnh. Cũng chính tại đây, tình yêu chớm nở.
Trâm “thầm yêu trộm nhớ” một chàng trai Việt kiều sống tại Mỹ. Hàng ngày, anh chính là nơi duy nhất Trâm có thể trút bầu tâm sự. Tình yêu này đã trở thành bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời. Mong muốn được gặp mặt người yêu cùng khao khát được sống với giới tính thật của mình đã thôi thúc “chàng trai” đi đến quyết định phẫu thuật chuyển giới.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, suốt những năm học đại học, Trâm phải tự bươn chải làm thuê kiếm tiền ăn học. Cuộc sống đã trầy trật  như vậy, thì nói gì đến chuyện kiếm tiền sang Thái Lan? Trâm lặn lộn ngày đêm với công việc dạy thêm cho học sinh khối A, B ở các trung tâm luyện thi tại Sài Gòn. Cao điểm có ngày phải tăng ca 20 tiếng, đạp xe gần 20km “chạy sô” dạy kèm. Cuối cùng công sức ấy cũng giúp Trâm có đủ số tiền tỉ, dốc toàn bộ vào những chuyến đi lại và phẫu thuật kéo dài 2 năm đằng đẵng.
Trâm vẫn nhớ như in: “Tôi không dám nói cho cha mẹ biết. Nhiều khi nghĩ nếu phẫu thuật không thành công mình có thể bỏ mạng nơi đất khách quê người. Nhưng thà một lần làm liều để được làm chính mình thì dù có chuyện gì xảy ra tôi cũng không hối tiếc.
Nằm trên bàn phẫu thuật, đã được gây mê, nhưng tôi vẫn cảm nhận hết được nỗi đau đớn xé từng thớ thịt khi dao kéo lia đến những nơi nhạy cảm nhất trên cơ thể. Lúc đó, trên tay tôi vẫn cầm tấm hình của “người yêu”. Trong đầu chỉ suy nghĩ đến tương lai một ngày nào đó sẽ đứng trước mặt anh và nói lời yêu anh với tư cách một người phụ nữ thật sự. Đó chính là động lực giúp tôi quên đi nỗi đau xác thịt”.
Người đầu tiên Việt Nam được xác định lại giới tính
Đến giữa năm 2008, sau khi trải qua phẫu thuật phần dưới, “chàng trai” Hiệp chính thức trở thành một phụ nữ xinh đẹp. “Cô gái” gặp không ít chuyện dở khóc dở cười:
“Phẫu thuật ở Thái Lan, về nước tôi không làm được hồ sơ nhập cảnh vì ngoại hình khác với ảnh. Trình cả giấy tờ bệnh viện khẳng định mình thay đổi giới tính, an ninh sân bay vẫn chưa tin. Họ bắt làm khám nghiệm y khoa. Loay hoay làm nhiều thủ tục xác minh, họ mới đóng dấu cho phép tôi nhập cảnh về nước. Rồi thêm lần bị cảnh sát bắt yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân. Sau việc này, tôi đã tìm hiểu luật và quyết tâm phải làm lại giấy tờ xác định lại giới tính”.
Đến nay Trâm vẫn như in ngày đầu trở về thăm gia đình khi cơ thể hoàn toàn khác. Đó là vào ngày 26/4/2008. Người mẹ thấy con thành một phụ nữ, bỗng khóc nức nở không nói nên lời. Sợ ba đang bị bệnh sẽ đột quỵ nên Trâm không dám gặp. Rồi khốn khổ với cách nhìn của người trong làng. Có những ánh mắt cảm thông nhưng cũng có người ái ngại dè bỉu.
“Đêm ngủ, mấy thanh niên trong làng nghịch ngợm ném đá, giật cửa nhà tôi ầm ầm. Thậm chí ly nước tôi uống rồi không ai dám uống lại. Họ nói “thấy gớm”. Con nít thấy tôi ở đâu là chạy theo hò hét”, Trâm trào nước mắt.
Trâm gửi đơn đến các cơ quan chức năng để trình bày rõ hoàn cảnh của mình, tha thiết xin thay đổi giấy tờ. Vì chưa từng có tiền lệ nên cơ quan chức năng bối rối. Phải mất hơn 1 năm đi khắp nơi làm mọi thủ tục, Trâm được chính quyền cấp giấy quyết định: Thay đổi cải chính hộ tịch, xác minh lại dân tộc, xác định lại giới tính. Trâm cũng là người đầu tiên của Việt Nam được chính thức thay đổi giấy tờ tùy thân từ nam sang nữ. Ngày cầm tờ giấy trên tay, Trâm khóc như một đứa trẻ: “Từ đây được sống thật là mình”.
Niềm vui chưa được bao lâu thì năm 2013, cơ quan chức năng quyết định hủy giấy xác định lại giới tính. “Khi nghe thông tin trên báo chí, tôi bị sốc. Đêm đó tôi không ngủ được. Bốn năm nay từ ngày được thay tên đổi họ, tôi như chết đi sống lại. May mắn nhờ sự ủng hộ, lên tiếng của nhiều người, cơ quan chức năng đã giữ nguyên quyết định cho tôi”, Trâm cho hay.
Sau ngày trở thành phụ nữ thực thụ, Trâm quyết định dạy miễn phí 2 tháng cho học trò. Ban đầu chẳng có học sinh nào dám đến học. Phụ huynh thì kháo nhau, nhìn cô với ánh mắt kỳ thị.
Cô giáo Trâm trong lớp học
Một vài học sinh yếu kém tìm đến xin học. Trâm nén nỗi buồn, dồn nhiệt huyết chỉ dạy học sinh. Cô giáo quan tâm từng học trò, giảng dạy cặn kẽ từng công thức con số. Chỉ sau 2 tháng, học lực của các em này tiến bộ rõ rệt. Khóa học miễn phí kết thúc, nhiều phụ huynh tìm đến.
Định kiến đã qua. Nay lớp học của Trâm luôn nườm nượp học sinh đăng ký ôn thi. Họ không hề ái ngại, hay xét nét về giới tình thật của cô giáo. Sau khi nghe lời tâm sự của Trâm, các em học sinh càng trân trọng.
Hỏi đến chuyện tình cảm, Trâm cho hay, người đàn ông “trong mơ” của mình vẫn chưa về nước, dù anh chính là người thôi thúc Trâm tìm lại giới tính thật của mình. Suốt 10 năm qua, họ chưa lần gặp mặt: “Yêu nhau hơn 10 năm nhưng chúng tôi chưa gặp nhau lần nào. Chúng tôi dự định năm sau anh về nước tổ chức đám cưới”./.

Đọc thêm