Cô giáo dạy Văn trăn trở với giáo dục pháp luật

13 năm đứng lớp, với tâm hồn nhạy cảm của giáo viên văn cô đã chứng kiến nhiều mảnh đời của các học sinh mình. Cùng với đó là nỗi trăn trở của một nhà giáo về hành trình hình thành nhân cách của “những búp non trên cành”. Tất cả những điều đó đã được  cô  trải lòng trên trang viết...

13 năm đứng lớp, với tâm hồn nhạy cảm của giáo viên văn cô đã chứng kiến nhiều mảnh đời của các học sinh mình. Cùng với đó là nỗi trăn trở của một nhà giáo về hành trình hình thành nhân cách của “những búp non trên cành”. Tất cả những điều đó đã được  cô  trải lòng trên trang viết...

Cô giáo Thu Hằng tại lễ trao giải cuộc thi viết “Câu  chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” ngày 17/12/2011
Cô giáo Thu Hằng tại lễ trao giải cuộc thi viết “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” ngày 17/12/2011

Chuyện của Mai

... Cô giáo viết đề bài lên bảng: “Người em yêu thương nhất”. Đọc đề xong, cả lớp ồ lên vì đề cô ra là đề mở nên rất dễ chọn lựa để viết. Chung quanh Mai, các bạn đã cắm cúi làm bài, tiếng ngòi bút loạt xoạt đi trên giấy. Từ nãy đến giờ Mai vẫn chỉ nghĩ đến mẹ, đến việc không có bố, đầu óc cô bé nặng trịch...

Từ khi Mai lớn và ý thức được cuộc sống thì bên tai cô bé luôn là những lời bóng gió: Mai là đứa con mà mẹ cô kiếm được... Hằng ngày mẹ Mai đi hết làng này sang làng khác mua đồ phế liệu... Hình ảnh mẹ bước thấp bước cao dắt xe miệng rao đến khản tiếng dưới trời mưa trời nắng cứ nhoi nhói trong lòng.

Mai đã từng không muốn cho các bạn trong lớp nhìn thấy mẹ của mình, kể cả cô giáo chủ nhiệm, cho nên Mai đã giấu tờ giấy mời họp đi. Mai không muốn mẹ tới trường vì cô bé rất xấu hổ. Nhưng hôm nay, Mai đã viết ra những suy nghĩ đó với tất cả niềm yêu thương và nỗi ân hận... Rồi giờ trả bài cũng đến, Mai ngồi im hồi hộp khi cô nhận xét bài cho các bạn.

“Cô muốn giới thiệu cho các em một bài văn cảm động của bạn Mai viết về mẹ của bạn. Lời văn rất chân thực và đầy cảm xúc, nó thể hiện một tình yêu mãnh liệt của người con đối với người mẹ của mình. Mẹ Mai không có nước da trắng, mái tóc dài, đôi bàn tay búp măng như mẹ của các bạn trong lớp đã quen viết nhưng là một người mẹ rất đặc biệt. Bài văn này có cho 9 điểm...”.

... Buổi tối nằm bên mẹ, Mai kể lại chuyện tờ giấy mời họp phụ huynh và khoe bài văn điểm 9 của mình với mẹ. Mẹ ôm Mai vào lòng. Cô bé thủ thỉ: “Mẹ ơi, mai mẹ đi gặp cô giáo con nhé!”. Mẹ ôm chặt Mai vào lòng, nghẹn ngào nói: “Cảm ơn con! Con gái ngoan của mẹ!”

Hãy mang đến cho học sinh một tinh thần pháp luật

Là một cô giáo dạy Văn nhưng cô Nguyễn Thu Hằng - giáo viên trường THCS Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, tác giả bài dự thi “Chuyện của Mai” đạt giải nhì (không có giải nhất) của cuộc thi viết “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm mục đích có được những bài viết tốt để trợ giảng trong môn Đạo đức và Giáo dục công dân để tạo ra sự cảm hóa sâu sắc tới nhân cách, ý thức pháp luật của thế hệ trẻ - lại có rất nhiều trăn trở với câu chuyện giáo dục đạo đức và pháp luật trong nhà trường.

“Có lẽ vì môn Văn cũng giống như hai môn học kia, đều góp phần hình thành nhân cách hướng thiện của con người”, cô nói. Nhưng theo cô, rằng “không nên đặt cả lên vai giáo viên môn Đạo đức và Giáo dục công dân trách nhiệm giáo dục nhân cách học sinh, mà mỗi nhà giáo dù giảng dạy bất kỳ môn gì cũng phải tự nhận thấy trọng trách trồng người đó của mình”.

Tuy hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng môn học Đạo đức và Giáo dục công dân chưa đạt được như kỳ vọng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan như giáo trình nặng nề, giáo viên thiếu nhiệt tình, nhưng với cô Thu Hằng, tất cả không phải chỉ vậy. Bởi là cô giáo, cô biết học sinh của mình rất thích những bài học đạo đức và pháp luật.

Tuy nhiên, “món ăn” đó phải thật nhẹ nhàng, dễ trôi, dễ nuốt thì mới được các em hào hứng đón nhận và ngấm sâu, nhớ lâu. “Em nghĩ rằng, dạy đạo đức và pháp luật cho học sinh, mà nhất là pháp luật thì nên chú trọng vào việc dạy nhận thức chứ không phải kiến thức. Khi nhận thức đã “thành đường thành lối” trong suy nghĩ thì kiến thức sẽ khắc được thu nạp cập nhật nhanh hơn, dễ dàng hơn. Với pháp luật mang đến cho học sinh một tinh thần pháp luật, nhận thức pháp luật sẽ đạt hiệu quả hơn là dạy cụ thể vào luật này, điều nọ” - cô thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình với tôi như vậy.

Có lẽ bởi bản thân tác giả nhận thức được vấn đề nên “Chuyện của Mai” không chỉ đạt yêu cầu về giáo dục lòng nhân ái mà bản thân trong nó còn ẩn chứa một thông điệp về quyền làm mẹ của mỗi người phụ nữ - một thứ quyền được pháp luật trân trọng và bảo vệ. Thế nên không ngoa khi nói rằng “Chuyện của Mai” đã khơi mở cho người đọc một tinh thần, một nhận thức pháp luật.

Tin rằng tới đây, với những câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật đầy nhân văn và cảm động như “Chuyện của Mai”, ngành giáo dục sẽ xóa bỏ được trăn trở bao năm của mình về vấn đề giảng dạy môn Đạo đức và Giáo dục công dân trong nhà trường hiện nay.

Hồng Minh

Đọc thêm