Thầy giáo Lê Hoàng Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thạnh 2 B (xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) nói với vẻ tự hào: “Đây là xã đặc biệt khó khăn của ốc đảo huyện này. Trường tôi có gần 50% học sinh là người dân tộc Khmer, đời sống bà con còn vất vả lắm. Cạnh đó là nếp nghĩ chuyện theo học là không cần thiết còn rất nặng nề trong một số người nên việc huy động học sinh đến trường, không bỏ học giữa chừng đặc biệt gian nan. Nhưng gần 20 cán bộ giáo viên trường đã khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn cấp quốc gia”.
Một trong những trường hợp giáo viên tiêu biểu mà thầy Hiệu trưởng giới thiệu là cô giáo Lý Thị Thanh Thúy (49 tuổi). Là giáo viên giỏi cấp huyện rất nhiều năm nhưng cô Thúy rất kiệm lời khi kể về mình: “Đã trên 30 năm đứng trên bục giảng vùng quê nghèo, bản thân tôi là người dân tộc Khmer nên rất hiểu nếp nghĩ của dân tộc mình. Từ đó, tôi luôn gần gũi vận động bà con cho con đến lớp đầy đủ. Ngoài ra tôi còn tuyên truyền đến người dân tộc những chủ trương, chính sách của đảng và Nhà nước có liên quan đến người Khmer. Từ đó bà con thay đổi nhận thức nhiều hơn”.
Điển hình như trường hợp em Thạch Thị Sa Ron, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học An Thạnh 2 B. Gia đình Ron nghèo khó nhưng nhờ cô giáo Thúy tới động viên rồi cho quần áo, tập sách nên Ron được tiếp tục đến lớp. Đây chỉ là một trong hàng chục trường hợp đã được cô giáo Thúy giúp đỡ tận tình từ những khoản tiết kiệm nhỏ nhoi từ lương của một cô giáo vùng sâu và những lúc cô tranh thủ trồng mía để có thêm thu nhập.
Có một câu chuyện rất xúc động hiện đang rất lan tỏa trên quê hương Cù Lao Dung là việc cô giáo Thúy đã xung phong đề nghị trực tiếp giảng dạy nữ học sinh Trần Thị Hiếu Thảo, 9 tuổi, hiện là học sinh lớp 3 của trường. Thảo khiếm khuyết tứ chi từ lúc mới sinh. Mỗi ngày cô Thúy và ông bà ngoại thay nhau đưa em tới trường cách nhà khoảng 2 km. Không phụ lòng mọi người, Thảo rất chăm chỉ học tập và viết chữ rất đẹp bằng cách áp gò má và khuỷu tay vào cây bút. Ngoài ra em còn tự ăn, uống và chủ động các sinh hoạt cá nhân rất đáng khâm phục.
Đường về nhà Trần Thị Hiếu Thảo (ngụ ấp Bà Kẹo, xã An Thạnh 2) vô cùng khó khăn. Hướng dẫn chúng tôi trong cơn mưa tầm tã, cô Thúy nói trong nước mắt: “Em bị cha bỏ rơi từ trong bụng mẹ và đã mất 7 năm rồi. Còn mẹ em khi phát hiện hình dạng bất thường của con đã bỏ rơi em để tìm hạnh phúc mới tại TP HCM, đến nay chưa một lần quay về thăm con. Từ đó tôi vừa đảm nhận vai trò là cô giáo, vừa là người mẹ giúp em đến trường để hòa nhập cộng đồng. Quan trọng hơn cả là giúp em lạc quan hơn trong cuộc sống hiện tại”.
Thầy Lê Hoàng Vinh chia sẻ thêm: “Em Thảo bị di chứng chất độc da cam, gia đình thuộc diện khó khăn. Phía nhà trường đã hỗ trợ cho em tối đa nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Rất mong nhiều tấm lòng đến cưu mang giúp đỡ em. Chúng tôi đã giới thiệu em sang trường khuyết tật Sóc Trăng để theo học nhưng hoàn cảnh em quá nghèo, ông bà ngoại đều là người Khmer và không biết chữ nên đành để em học tại trường. Em Thảo đến lớp thường xuyên chính là nhờ sự tận tụy rất đáng trân trọng của cô Thúy”.
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng Thảo rất lạc quan, em nói: “Con mong được lắp ghép chân tay giả để không làm khổ mọi người xung quanh. Lớn lên con sẽ học bác sỹ để chăm sóc người bệnh khó khăn, bất hạnh như con và để trả ơn cô Thúy đã giúp đỡ con”. Nhìn hình ảnh hai cô trò quấn quýt nhau trong tiếng cười hạnh phúc, chúng tôi quá nao lòng và luôn mong những điều kỳ diệu sẽ đến với em Thảo và cô giáo Lý Thị Thanh Thúy.