Tội phạm… được chào đón như “sao” trên thảm đỏ
Nhiều người đặt câu hỏi những người trẻ hâm mộ Khá Bảnh vì anh ta “bảnh” và kiếm được nhiều tiền hay chỉ đơn giản là họ tò mò? Theo đó, 8 giờ sáng 11/3, Khá “bảnh” (tên thật: Ngô Bá Khá, 26 tuổi) vẻ mặt tươi cười, mặc áo khoác đen, quần bò ống rộng, bị cảnh sát áp giải vào phòng xét xử TAND thị xã Từ Sơn.
Đáng chú ý, người thân, bạn bè và nhiều thanh niên, học sinh đứng bên ngoài hàng rào lớn tiếng gọi, chụp ảnh, reo hò khi trông thấy bị cáo. Một cảnh tượng khiến nhiều người liên tưởng tới những người hâm mộ chào đón “nghệ sĩ, thần tượng”.
Giang hồ “online”, hiện tượng mạng, người nổi tiếng… là những gì mà người ta gọi Ngô Bá Khá (tức Khá Bảnh) khi đối tượng này sở hữu những kênh Facebook, Youtube với lượng người theo dõi lớn. Bắt đầu làm “video vui vẻ” trên YouTube từ năm 2017, thời gian đầu, Khá được trả 7.000-8.000 USD/tháng.
Khi video có lượng người xem cao, thu hút gần hai triệu người theo dõi, có tháng Khá kiếm được đến gần 20.000 USD (gần 400 triệu đồng). Cũng kể từ sau khi “giang hồ mạng” này bị bắt ngày 1/4, từ khóa Khá Bảnh được người dùng Internet trong nước quan tâm đặc biệt. Khá Bảnh từng đứng đầu xu hướng tìm kiếm trên Google Việt Nam với trên 500.000 lượt tra cứu thông tin.
Nhìn vào sự “nổi tiếng” của Khá đến từ những clip ngông cuồng như đốt xe, dàn hàng ngang trên cao tốc hay những clip đâm chém cho thấy sự nhận thức lệch chuẩn, không chỉ của những người theo dõi mà còn của chính Khá. Điều đó vô tình đã khiến gã thanh niên bắt đầu ảo tưởng vào sự “bá đạo” của mình. Và cái kết của việc đó chính là bản án gần 11 năm tù mà Khá Bảnh phải nhận.
Theo cáo trạng, Ngô Bá Khá là người có nhân thân xấu, quan hệ xã hội phức tạp, không có nghề nghiệp ổn định. Để có tiền chi tiêu, đối tượng đã tổ chức đánh bạc bằng hình thức chơi số lô, số đề.
Hàng ngày, người chơi lô đề và “thư ký đề” liên hệ qua điện thoại di động và tài khoản zalo “Khá Bảnh” để chuyển bảng cáp đề và mua số lô, đề với Khá.
Việc mua - bán số lô, số đề trong mỗi ngày phải kết thúc trước giờ mở thưởng kết quả xổ số kiến thiết Miền Bắc của ngày hôm đó. Nếu người chơi không trúng thưởng, Khá được hưởng số tiền người chơi đã mua số lô, số đề. Nếu người chơi trúng thưởng thì Khá sẽ trực tiếp hoặc thông qua “thư ký” đề của mình để trả tiền thưởng cho người chơi.
Ngoài ra, để trả công cho “thư ký đề” và thu hút nhiều người đánh bạc với mình, Khá đã bán số lô, đề với giá thấp hơn qui ước chung. Trong khoảng thời gian từ ngày 10/1/2019 đến ngày 1/4/2019, có 44 ngày Quang (một đàn em) chuyển số lô, đề bán được trong ngày cho Khá qua tin nhắn zalo.
Sau khi Hội đồng xét xử đọc các tài sản mà Cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ, Khá khai chiếc xe ô tô mình mua là xe trả góp và nợ lại ngân hàng là hơn 400 triệu đồng. Đến thời điểm bị bắt, Khá đã trả được hơn 100 triệu và hiện Khá đã bàn giao chiếc xe này lại cho chị gái.
Tất cả các bị cáo đều là những người có công ăn, việc làm thu nhập ổn định nhưng do lòng tham, muốn kiếm tiền bất chính nhanh nên đã thực hiện việc mua lô, đề.
Trước khi lên xe thùng trở về trại giam, Khá Bảnh vẫn cố nán lại để được ôm mẹ và không quên động viên, hỏi han sức khỏe của mẹ. Có thể nói, nhận thức hạn chế cùng sự nổi tiếng, được tung hô, chào đón của gã giang hồ “online” này chỉ là nhất thời, phù phiếm và sau gần 11 năm nữa khi ra tù, liệu bao nhiêu người còn nhớ đến Khá Bảnh.
Mẹ Khá cho biết, trước khi con trai bị Công an bắt giữ vì liên quan đến đánh bạc, có rất nhiều đơn vị đến thuê Khá đóng quảng cáo, làm các video trên Youtube. Trước đó, Khá cũng đã kiếm được tiền từ Youtube và từ làm mộc với chị gái nên quyết định xây nhà mới cho mẹ.
Phụ huynh ngưng… cổ súy
Ngỡ rằng khi Khá bị bắt, bộ phận này sẽ hiểu rõ bản chất và điều chỉnh nhận thức của mình. Tuy nhiên, diễn biến tại phiên tòa cho thấy dường như những người trẻ này không có sự thay đổi nào. Họ đang đến cổ súy và ngậm ngùi chia tay thần tượng vào… trại.
Trong suốt quá trình xét xử, dù có lúc trời đổ mưa nặng hạt nhưng số người bên ngoài trụ sở tòa án không hề giảm đi. Họ vẫn kiên trì ngồi ken đặc hai bên vỉa hè để nghe diễn biến phiên tòa.
Đau lòng học sinh đến tòa “chia tay” thần tượng Khá Bảnh… |
Kết thúc phiên tòa, Khá được cảnh sát đưa ra xe chở phạm. Vẫn với vẻ mặt tươi cười, Khá lại giơ cao tay vẫy chào bạn bè, người thân. Từ trong xe đặc chủng, Khá ngoái cổ ra, trấn an: “Không sao, không sao, em chỉ đi vài năm thôi, không sao đâu…”.
Những hành động này trái ngược với lời nói sau cùng trước đó ít phút của Khá, rằng bị cáo đã nhận ra sai trái, rất ăn năn hối hận, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm được trở về với gia đình, làm một công dân tốt. Xe chở phạm đi khuất, một số người nhà bị cáo bày tỏ thái độ bất bình, vì “chỉ đánh bạc mà phạt tới 10 năm tù, người ta đánh bạc đầy ra kia có sao đâu…”.
Bày tỏ về hiện tượng này, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ: “Khi Khá Bảnh ra toà và lĩnh mức án trên 10 năm tù, thứ khiến tôi ớn lạnh không phải là cái vẫy tay như một ngôi saos của Khá Bảnh hay những “quả đầu” bóng lộn của các bị can. Thứ tôi ớn lạnh là những đứa trẻ còn mặc đồng phục đang vẫy tay chào đón “người anh em Khá Bảnh”.
Càng ớn lạnh hơn khi nhiều bậc phụ huynh cho rằng “May quá, con mình không thần tượng Khá Bảnh” hay “Con của tôi chỉ thích điệu múa tay của Khá Bảnh, học theo điệu múa tay đó thôi” hoặc thậm chí là “Thực ra Khá Bảnh cũng có mặt tích cực đó chứ”…
Không ớn lạnh sao được khi mà trên mạng xã hội, trên youtube Khá Bảnh chỉ là một trong số hàng trăm, hàng ngàn những kiểu “giang hồ xăm trổ” như vậy, đang hút hàng triệu lượt xem của lũ trẻ con nhà chúng ta. Không ớn lạnh sao được khi mà “giang hồ xăm trổ chửi tục” đã và đang trở thành “hot trend câu like, câu views” trên mạng xã hội với 99% người theo dõi lại chính là những học sinh.
Không ớn lạnh sao được khi chúng luôn bắt đầu bằng sự “trông có vẻ vô hại” để đến những thứ như lô đề, cờ bạc, đánh nhau, xưng hùng, chửi tục, chửi thề… Mà phụ huynh nhiều khi chỉ nhìn thấy cái trông có vẻ vô hại…
Nhà văn Hoàng Anh Tú lý giải: “Từ thực tế là một người cha, một người quan tâm đến sự phát triển của lũ trẻ, tôi thực sự ớn lạnh. Tôi không sợ con tôi bị ảnh hưởng bởi những thần tượng đó mà tôi sợ sự lệch lạc trong chuẩn mực thần tượng của lũ trẻ. Là sự thừa nhận những chửi bới trên mạng là bình thường.
Là sự ái mộ mù quáng của những đứa trẻ từ chính sự kiểm duyệt hời hợt, dễ dãi của cha mẹ. Khi mà cha mẹ quên rằng chúng ta cần phải làm gương cho con cái. Cha mẹ vẫn cười khoái trá với những clip của Khá Bảnh hay thậm chí tham gia vào những cuộc chửi bới trên mạng thì đương nhiên con cái của họ cũng thấy đó là chuyện bình thường. Từ hiếu kỳ sang ái mộ chỉ một vài bước”.
Và thứ giúp bạn bảo vệ con cái an toàn không chỉ là việc bạn dạy con mình thế nào mà còn là bạn bảo vệ môi trường sống của con bạn ra sao. Có hạt mưa nào nghĩ chính mình đã góp phần tạo ra cơn lũ? Chừng nào bạn còn nói: “May quá con mình không thần tượng Khá Bảnh” hay bất cứ sự thờ ơ nào của bạn trước những rác rến cuộc đời cũng góp phần khiến con bạn có nguy cơ kết bạn với bạn xấu trước khi thần tượng những người xấu…
Trước hiện tượng đau lòng này, nhiều ý kiến cũng đồng quan điểm cho rằng, gia đình là công sự đầu tiên bảo vệ những đứa trẻ, gia đình thất thủ thì không ai chống đỡ nổi. Tiếp đó mới là trường học, nhà trường giáo dục cho học sinh về thần tượng, bởi vì giới trẻ thích thần tượng, điều đó không xấu. Nhưng vấn đề là sự lựa chọn, đánh giá để không dẫn đến hậu quả cho chính cuộc đời của đứa trẻ sau này. Thần tượng Khá Bảnh thì sẽ trở thành bản sao Khá Bảnh.
Ngược lại, có trường hợp, một nữ sinh rất thần tượng Lê Bá Khánh Trình, sau này lấy chồng, sinh con trai và đặt tên Trình. Đứa bé lớn lên theo đuổi con đường toán học và rất thành công, thần tượng như vậy là quá nên.
Còn biết bao nhiêu chàng trai, cô gái xứng đáng để giới trẻ hâm mộ như kỳ thủ Lê Quang Liêm, cầu thủ Quang Hải, Tuấn Anh, thần đồng Đỗ Nhật Nam, Huy chương Vàng Olympic Vật Lý quốc tế Nguyễn Khánh Linh... Hãy cứ thần tượng những chân dung này để trở thành ngôi sao thể thao hay nhà khoa học, hay chí ít là những người bình thường tử tế…
Chẳng thể trách xã hội, cũng không thể đổ cho nhà trường, mà khi những người làm cha, làm mẹ không dạy dỗ con mình tốt thì chúng sẽ có mặt ở cổng tòa đón thần tượng Khá Bảnh là điều dễ hiểu. Bởi ở tuổi teen, bạn bè luôn là tất cả, luôn muốn “tự khẳng định mình” sẽ có những lối đi hoàn toàn khác, nếu cha mẹ không ở gần và thấu hiểu chính con mình…