Cơ hội nghề nghiệp 2020 sẽ thế nào?

(PLVN) - Dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề phải chịu tác động trực tiếp, gián tiếp và cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải hoãn hoặc hủy những kế hoạch tuyển dụng của họ trước đó. 
Trong dịch bệnh, các vị trí nghề nghiệp liên quan đến thương mại điện tử có đất sống.

Tuy nhiên, theo các nhà tuyển dụng thì người lao động đừng vội bi quan, bởi tuy dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn có sự tăng trưởng nhất định ở một số ngành nghề. Thậm chí có nghề cơ hội lại rộng mở hơn…

Có nghề 2019 lên ngôi, 2020 lại thất nghiệp

Tháng 4/2020, VietnamWorks (trang web tuyển dụng trực tuyến tại Việt Nam, thuộc Tập đoàn Navigos Group) đã công bố Báo cáo thị trường tuyển dụng trực tuyến toàn năm 2019 tại Việt Nam. Theo đó, trong năm 2019, top 3 các nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất lần lượt là: Bán hàng, tài chính/đầu tư và hành chính/thư ký.

Các ngành này cũng dẫn đầu về số lượng hồ sơ ứng tuyển trong năm 2019. Bên cạnh đó, 3 ngành có tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu tuyển dụng là: Hoạch định/dự án, chăm sóc khách hàng, sản xuất với mức tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt là 17%, 13% và 13%. 

Cũng theo ghi nhận của VietnamWorks, TP HCM, Hà Nội luôn là hai thành phố dẫn đầu về số lượng công việc đăng tuyển trong nhiều năm liền. Nhưng cũng có sự thay đổi khi các khu vực kinh tế mới lại đang có xu hướng tăng trưởng đột biến về nhu cầu tuyển dụng trong 1 năm trở lại đây.

Tỉ lệ tăng trưởng của Bà Rịa – Vũng Tàu là 29%, Đồng Nai 20% và Bắc Ninh 14%. Điều này cho thấy mức độ lan tỏa việc làm ra các khu vực lân cận của TP HCM và Hà Nội ngày càng lớn.

Năm 2019 là vậy, nhưng năm 2020 dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, chưa ai có thể nói trước cơ hội nghề nghiệp sẽ như thế nào, khi mà các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí và thu hẹp hoạt động kinh doanh, thậm chí đóng cửa.

Theo Forbes Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường lao động suy giảm ở hầu hết các tỉnh, thành cũng như ở các ngành, nghề lao động. Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả trong nước quý I ước 55,3 triệu người, giảm 673.100 người so với quý trước và thấp hơn 144.200 người so với cùng kỳ năm 2019.

Trao đổi với truyền thông, bà Trần Lê Thanh Trúc - Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM thông tin: “Trung tâm chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại một số doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM.

Theo đó, vào thời điểm tháng 2 và 3, tình hình dịch Covid-19 với những diễn biến thay đổi thì đã có 73,6% doanh nghiệp được khảo sát nhận định gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ du lịch, giáo dục - đào tạo, kinh doanh bất động sản...”.

Căn cứ vào dữ liệu từ VietnamWorks.com, bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết: “Những ngành chịu tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 là sản xuất, du lịch/hàng không, nhà hàng/khách sạn, giáo dục/đào tạo và xuất/nhập khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp đã trì hoãn hoặc hủy luôn những kế hoạch tuyển dụng trước đó. Đối với các doanh nghiệp lớn thì dự đoán có khả năng sẽ duy trì bộ máy nhân sự trong vòng 6 tháng, tuy nhiên những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khả năng lớn sẽ phải tạm ngừng hoạt động”.

Bên cạnh đó, bà Phương Mai nhìn nhận một số ngành nghề cũng chịu tác động gián tiếp như dịch vụ chuyên nghiệp, vận tải, ngân hàng, chứng khoán. Vì thế, các ngành này cũng ngưng kế hoạch tuyển dụng và hiện đang trong giai đoạn thăm dò, chờ đợi đến lúc kiểm soát được tình hình dịch bệnh để tái khởi động lại kế hoạch tuyển dụng.

Vẫn có “cửa mở”

Tính đến nay, học sinh, sinh viên trên toàn quốc đã nghỉ học được hơn 3 tháng. Học sinh nghỉ học là đồng nghĩa với việc đội ngũ giáo viên gặp khó khăn về thu nhập do công việc gián đoạn vì dịch bệnh. Chị Hồng, giáo viên dạy nhạc Hà Nội xoay sang hướng chế biến đồ ăn tại nhà rồi rao bán trên các trang mạng.

“Tôi vừa nấu cho gia đình ăn, vừa bán nên đảm bảo chất lượng. Sau vài tuần bắt đầu có khách hàng quen đặt hàng thường xuyên. Chồng tôi là công nhân cũng đang phải nghỉ luân phiên vì dịch Covid-19 nên phụ tôi giao đồ ăn đến tận nhà cho khách. Với thu nhập kiếm thêm hiện nay, hai vợ chồng tôi có thể chi tiêu đủ cho gia đình qua mùa dịch”, chị Hồng cho biết. 

Cũng sống nhờ trực tuyến như chị Hồng là anh Trung, giáo viên tiếng Anh. Tạm nghỉ ở nhà do dịch, thấy nhiều học sinh có nhu cầu tiếp tục học trực tuyến, anh đã bắt tay ngay vào việc dạy trực tuyến để kiếm tiền chăm lo cho gia đình.

“Dạy trực tuyến thì lớp ít học sinh hơn nhưng bù lại tôi lại dạy được nhiều lớp hơn so với trước thời điểm dịch Covid-19 nên thu nhập vẫn đủ để gia đình có thể yên tâm sống qua mùa dịch. Được biết, mỗi ngày, anh Trung có thể dạy được từ 3-4 lớp, mỗi lớp khoảng 1-1,5 giờ, mang lại nguồn thu nhập từ 3-5 trăm nghìn đồng.

Nếu nhìn trên tổng thể về cơ hội việc làm trong dịch bệnh thì hai ví dụ về công việc mới của hai giáo viên trên đây có thể là so sánh khập khiễng. Nhưng dù sao điều đó cũng cho thấy, trong dịch bệnh, không phải “cửa” nào cũng đóng, mà trái lại vẫn có “cửa” mở.

Hay nói như bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search thì tuy dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực nhưng cho biết vẫn có sự tăng trưởng nhất định ở một số ngành nghề. Trong đó, thương mại điện tử lại có cơ hội rộng mở.

Cụ thể, theo phân tích của Giám đốc điều hành Navigos Search thì chính việc hạn chế những nơi đông người và tăng cường mua sắm trực tuyến khiến các doanh nghiệp chuyển đổi hành vi mua sắm tại điểm bán sang đẩy mạnh phát triển các nền tảng mua sắm online, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến phát triển thương mại điện tử tăng.

Ngành tiêu dùng và bán lẻ cũng tăng do người dân có xu hướng và tâm lý mua hàng dự trữ, đặc biệt sản phẩm vệ sinh cá nhân, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm đông lạnh..., dẫn đến nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng quan điểm, bà Trần Lê Thanh Trúc cũng đưa ra nhận định rằng dự kiến nhu cầu nhân lực trong thời gian tới sẽ tập trung ở các nhóm nghề kinh doanh - thương mại (chủ yếu thương mại điện tử), công nghệ thông tin (lập trình, thiết kế web, thiết kế game online), hành chính - văn phòng, y tế - chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tư vấn - chăm sóc khách hàng (tư vấn trực tuyến); marketing; chế biến lương thực - thực phẩm, dược phẩm, vận tải (dịch vụ giao hàng)...

Nhận định thêm về xu hướng tuyển dụng ngành công nghệ thông tin vẫn luôn “nóng” dù xảy ra dịch Covid-19, ông Khúc Trung Kiên - Giám đốc Chương trình đào tạo lập trình viên Fast Track SE khẳng định: “Thời điểm này, mọi doanh nghiệp, trường học, cá nhân bắt buộc phải chuyển sang sử dụng công nghệ để duy trì hoạt động. Chẳng hạn giáo dục thì phải học trực tuyến, kinh doanh, thương mại thì có mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp cũng cho nhân viên làm việc online...

Công nghệ thông tin không phải là xu hướng thời thượng nữa mà nó cần thiết ở ngay thực tại, nó thiết thực trong công việc hằng ngày ở mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Vì thế, nhu cầu của nó không bao giờ suy giảm”.

Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, riêng trong quý I đã có 153.000 người nộp hồ sơ hưởng chính sách thất nghiệp. Đời sống người lao động, nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và lực lượng lao động tự do rất là khó khăn; phần đông đã phải nghỉ việc.
Về xác định đối tượng lao động tự do nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ thì để xác định thế nào là đối tượng lao động tự do, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng dự thảo Thông tư hướng dẫn. Theo đó, dự kiến gồm có 7 nhóm lao động tự do bao gồm: Những người bán hàng rong quà vặt, những người làm xe ôm, những người thu rác, bốc vác, bán vé số, những lao động trong lĩnh vực như nhà hàng, dịch vụ, ăn uống, chăm sóc sức khỏe…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Thông tư sẽ rất chi tiết để cho các địa phương dựa vào đó để khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể.

Đọc thêm