Có luật vẫn khó xử nạn chăn dắt, hành hạ trẻ bán vé số, ăn xin

Các đối tượng chăn dắt bắt trẻ bán vé số thâu đêm, đánh đòn không thương tiếc và vét sạch từng đồng tiền do chính các em kiếm được. Đó là một thực trạng đau xót, diễn ra ở TP.HCM nói riêng và các địa phương khác nói chung. Hành vi đó được xem là vi phạm pháp luật hình sự.

Các đối tượng chăn dắt bắt trẻ bán vé số thâu đêm, đánh đòn không thương tiếc và vét sạch từng đồng tiền do chính các em kiếm được. Đó là một thực trạng đau xót, diễn ra ở TP.HCM nói riêng và các địa phương khác nói chung. Hành vi đó được xem là vi phạm pháp luật hình sự.

Hình minh họa
Hình minh họa

Chăn dắt, bắt trẻ đi ăn xin

Ở một số quận tại TP.HCM, cứ vào buổi chiều là các “ông bà chủ” chăn dắt mấy đứa trẻ xuống khắp các ngả đường, phát cho mỗi bé một xấp vé số dày cộp rồi xua tản đi bán. Giao việc xong, hai “chủ chăn” ngồi ở góc đường chờ các em ra nộp tiền.

Nhẫn tâm hơn, có “ông bà chủ”  chuyên dùng trẻ em khuyết tật để dụ dỗ tiền của người đi đường.

Không chỉ lừa gạt lòng nhân đạo của người qua đường, những kẻ hành nghề “chăn dắt cái bang” này còn có hành vi tra tấn, hành hạ những “quân cờ” của mình để thu được tiền một cách nhiều nhất.

Thực trạng nhãn tiền này không chỉ khiến dư luận bức xúc, mà dưới lăng kính pháp luật, đây là một loại hành vi phạm tội cần phải nghiêm trị.

“Hành hạ người khác”

Luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Tôi khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý thích đáng nhằm răn đe, giáo dục người phạm tội; để những người khác, đặc biệt là trẻ em thoát khỏi tệ nạn bị chăn dắt để kiếm tiền  cho kẻ bất lương một cách vô nhân đạo, trái pháp luật.

Hành vi của những người chăn dắt trẻ em kể cả người già cấu thành tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự (BLHS). Theo đó: “Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ một tháng đến hai năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật.

Trẻ em là nạn nhân hay phạm nhân đều có lỗi của người lớn

Dưới góc độ đạo lý, tôi cho rằng người lớn chúng ta còn lơ đễnh trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ em. Trẻ em dù là nạn nhân hay phạm nhân đều có phần lỗi của người lớn. Bởi vì trẻ em do người lớn sinh ra. Người lớn thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc giáo dục trẻ em; đã vậy, người lớn còn có những hành vi sai trái trước mặt trẻ em như: Cờ bạc, hút thuốc, uống rượu nên trẻ em bắt chước làm theo người lớn. Muốn việc chăm lo cho trẻ em mang lại hiệu quả tốt đẹp thì cần sớm hình thành các tổ chức nuôi dạy trẻ em, nghiêm khắc phê phán các hành động xấu của người lớn phơi bày trước trẻ em; nghiêm khắc xử lý bọn chăn dắt trẻ em, người già, người tàn tật – Luật sư Trần Công Ly Tao  

Theo Luật sư Tao, đối với hành vi chăn dắt trẻ em là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt được quy định tại khoản 2 Điều 110 BLHS vừa nêu. Về nguyên tắc, Nhà nước ta dành nhiều ưu ái đối với trẻ em như: Trẻ em được khám chữa bệnh miễn phí, giáo dục miễn phí…

Nước ta là nước thứ hai phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước được ghi nhận qua cụm từ “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Tuy nhiên, trên thực tế, trẻ em nước ta phải gánh chịu những rủi ro, thiệt thòi do chưa được người thân, các cơ quan hữu quan quan tâm chăm sóc đúng mức; bị những phần tử xấu lợi dụng, hành hạ, bóc lột sức lao động để mưu cầu lợi ích bất chính cho họ như tình trạng trẻ em bị chăn dắt đi bán vé số thâu đêm suốt sáng.

Có thể nói, bọn người bất lương không từ bỏ thủ đoạn gian ác nào, buộc trẻ em đi ăn xin, số tiền có được từ người đi đường rủ lòng thương bố thí, bọn chăn dắt thu gom kể cả trẻ em bị tàn tật, bị chủ chăn dắt bóc lột sức lao động đến kiệt sức, đánh đập và bỏ đói một cách tàn nhẫn.

Mặc dù Nhà nước ta hình thành những cơ quan tổ chức chăm sóc bảo vệ trẻ em như: Hội bảo vệ bà mẹ trẻ em, Trường nuôi dạy trẻ em mồ côi, Trường giáo dưỡng, Nhà mở tình thương nhưng trên thực tế các cơ quan tổ chức vừa đề cập chỉ hoạt động cầm chừng, ít hiệu quả, nhiều trẻ em có hoàn cảnh éo le không được chăm sóc giáo dục tới nơi tới chốn.

Ngạn ngữ có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Trẻ em bị cộng đồng, xã hội bỏ rơi, đẩy các em vào chỗ “đói ăn vụng, túng làm càn”. Từ đó bị người lớn lợi dụng, khai thác sức lao động của trẻ em trái pháp luật.

Đã đến lúc Nhà nước cần quan tâm hơn nữa, hình thành những tổ chức bảo vệ chăm sóc trẻ em có hiệu quả, như thành lập các cơ sở nuôi dạy trẻ em tàn tật, cơ nhỡ, thành lập tòa án thiếu nhi để xử lý trẻ em vi phạm pháp luật hình sự

•    Trần Tố - Đăng Đạt

Đọc thêm