Có một bảo tàng của hồn quê nước Việt

(PLO) - Đó là Bảo tàng Đồng Quê (tọa lạc tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) do nhà giáo Ngô Thị Khiếu đầu tư xây dựng. Đồng sáng lập Bảo tàng là người bạn đời của bà Khiếu - Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh.
Toàn cảnh bảo tàng đồng quê
Toàn cảnh bảo tàng đồng quê

Xác lập Kỷ lục Bảo tàng Đồng quê đầu tiên

Đến thăm Bảo tàng đặc biệt này vào một ngày cuối xuân, đi trên con đường quê mà hai bên là cánh đồng lúa quê Giao Thịnh đương thì con gái xanh mướt mát, chúng tôi có cảm giác thư thái, bình yên như được trở về với tuổi thơ, với ký ức trong những hình ảnh xưa cũ của làng quê Bắc bộ. Bảo tàng Đồng quê chào đón chúng tôi bằng ngõ nhỏ quanh co với hàng rào râm bụt đỏ hoa, với ao cá, vườn rau, những hiện vật đơn sơ, gần gũi thân thương đưa ta trở về với quá khứ, với tuổi thơ nghèo khó thân thương với những bùn đất, rơm rạ qua mái nhà tranh, tường đất, những công cụ lao động thô sơ tre nứa… 

Tọa lạc trên diện tích 5.000m2, Bảo tàng Đồng Quê đã tái hiện các mô hình nhà ở của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ như nhà bần nông, nhà trung nông – hai mô hình lợp mái bổi, tường vách đất; là nơi trưng bày các dụng cụ lao động: cày, bừa, cuốc, cối xay gạo của gia đình nông dân nghèo xưa kia. Nhà địa chủ thì được làm từ gỗ lim, dưới mỗi chân cột là một tảng đá, các vật dụng sinh hoạt của gia đình địa chủ cũng có phần “sang trọng” hơn nhà bần cố nông với nhà gỗ khang trang, các vật dụng như sập gụ, đồ khảm trai, mâm đồng… Đây nữa là ngôi nhà và những vật dụng thời bao cấp đơn giản, cũ kỹ. Nhìn vào mà như gặp lại ký ức thân thương, như vẫn còn đó hình dáng mẹ ta, chị ta tảo tần khuya sớm vất vả nuôi khôn lớn, trưởng thành.

Bà Ngô Thị Khiếu giới thiệu nông cụ sản xuất của người nông dân xưa
Bà Ngô Thị Khiếu giới thiệu nông cụ sản xuất của người nông dân xưa

Nhà giáo Nguyễn Thị Khiếu chia sẻ: “Để dựng lại được một ngôi nhà cổ, tôi phải mua lại nhà của một gia đình đang ở. Tuy nhiên mái rạ lúc đó đã mòn nên lúc dựng lại nhà, bà quyết định thay nguyên liệu mái rạ bằng mái bổi – nguyên liệu bền đẹp hơn.”

Được biết, phần lớn các ngôi nhà trưng bày đều có tuổi đời hơn 70 năm, được chủ nhân của bảo tàng mua lại và đem về phục dựng nguyên bản. Đích thân bà giáo già là người đi thuê những người thợ mộc lớn tuổi của vùng đồng bằng Bắc bộ, vì theo bà chỉ họ mới có kinh nghiệm và am hiểu cách dựng nhà theo phong cách truyền thống.

Cũng đích thân bà Khiếu đã lặn lội đi qua nhiều địa phương để tìm mua những hiện vật cũ, những đồ dùng sinh hoạt cũ không còn được người dân trọng dụng nữa mang về sưu tầm trong bảo tàng. Hiện bảo tàng có khoảng 700 chiếc nồi, mâm, chậu, sanh đồng; hơn 100 chiếc đèn dầu; hơn một tạ tiền xu các loại, 2kg tiền giấy Đông Dương… trưng bày cho khách tham quan. Ngoài ra còn có hàng nghìn hiện vật đặc trưng cho vùng Bắc bộ bao gồm công cụ lao động trong sản xuất nông nghiệp, nghề biển, nghề muối; dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng.v.v.

Nhà bần cố nông
Nhà bần cố nông

Bảo tàng của tình yêu Tổ quốc, tình yêu con người

Tại “Bảo tàng Đồng quê” có một phần trang trọng dành để trưng bày những kỷ vật về đời binh nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Kiền đặt tên là Đời binh nghiệp. Thiếu tướng Hoàng Kiền chia sẻ: “Tôi yêu đời lính, cả đời tôi gắn với nghiệp binh. Tất cả xuất phát từ tình yêu Tổ quốc và tình yêu con người Việt Nam. Đấy là cái hành trang chính của người lính trong tôi.”

Những kỷ vật được Thiếu tướng Hoàng Kiền gom về bảo tàng ví như một chiếc mũ; một chiếc vỏ đạn; một viên đá trên đảo Trường Sa; một cây phong ba … Rồi cả những mô hình, những sa bàn trận mạc… Qua các hiện vật đã gắn bó máu thịt với người lính, giúp chúng ta hiểu được cuộc đời binh nghiệp của một vị tướng đáng kính. Ông Hoàng Kiền với 45 năm trong quân ngũ, trải qua 4 giai đoạn công tác và 4 Học viện trong quân đội. Gần sáu năm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Gần mười sáu năm ở Hải quân trong đó ba năm gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ, tám năm gắn bó với Trường Sa chỉ huy Trung đoàn Công binh 83 xây dựng các công trình trọng điểm trên các đảo. Ông có mười năm ở Binh chủng Công binh, cương vị cao nhất là Tư lệnh Công binh. Bảy năm làm giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng Đường tuần tra biên giới “Con đường mang dáng hình Tổ quốc”…

Được biết, trong khuôn khổ rất khiêm tốn về quy mô và năng lực để đưa mảng đề tài này vào một “Bảo tàng”, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã cố gắng và quyết định làm điều này âu cũng bởi vì tình yêu đối với nghiệp binh. Và có lẽ, ông cũng muốn lan tỏa tình yêu Tổ quốc, tình yêu con người Việt Nam đến mọi người…

Nhà địa chủ
Nhà địa chủ

Giữ gìn tinh hoa cuộc sống cho đời sau

Bên cạnh việc thăm thú không gian cổ xưa của làng quê Bắc Bộ, đến với Bảo tàng Đồng quê, khách tham quan còn được thưởng thức nhiều món quà, nhiều món ăn, đồ uống… được chính những người nông dân làm ra hoàn toàn thủ công ngay tại chỗ như miến dong, bánh gai, gói xôi, nấu rượu, làm tương… Du khách cũng có thể lựa chọn mua về làm quà những món quà dân dã được làm bằng nguyên liệu sạch, hoàn toàn tự nhiên này. 

Được biết, Bảo tàng có nhận phục vụ ăn uống đối với khách đoàn nhưng phải có đăng ký từ trước. Thực phẩm hầu hết là do “của nhà làm ra” vì trong khuôn viên bảo tàng trồng rất nhiều loại rau, nuôi cá, nuôi gà, nuôi lợn để có nguồn thực phẩm sạch, chế biến thành các món ăn dân dã, phục vụ du khách. Nếu muốn, du khách cũng có thể tham gia trực tiếp vào các công đoạn chế biến thực phẩm, khiến họ trân trọng hơn những sản phẩm nông nghiệp, những món ăn mà người nông dân phải rất kỳ công mới làm ra.

Được biết, vào những dịp lễ, Tết, tại Bảo tàng Đồng quê thường diễn ra nhiều hoạt động tương tự lễ hội ẩm thực thú vị, thu hút nhiều khách tham quan tham dự, đặc biệt là các em nhỏ. Bảo tàng Đồng quê giúp thế hệ trẻ có được những trải nghiệm tuyệt vời, giúp các em hiểu về cuộc sống của đồng bào mình ở những giai đoạn lịch sử trước, và sâu xa hơn, như câu thơ của cố Giáo sư Vũ Khiêu viết tặng Bảo tàng Đồng quê: “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước/ Để cho con cháu mãi sau này.” 

Khởi công xây dựng từ ngày 12/3/2011, đến tháng 4/2013 Bảo tàng Đồng quê đã được UBND tỉnh Nam Định cấp phép hoạt động. Đến ngày 10/12/2014, tức là chỉ sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Bảo tàng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng Xác lập Kỷ lục cho Bảo tàng Đồng quê đầu tiên tại Việt Nam.

Đọc thêm