Có một cuộc hành trình của bản ngã

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên bản đồ châu Á, Việt Nam là một trong những quốc gia thân thiện nhất với cộng đồng LGBT, cả trên cơ sở pháp luật cũng như cái nhìn của xã hội. Không phải một đất nước đi sớm với các phong trào LGBTnếu so với phương Tây nhưng hơn một thập kỷ vừa qua, cộng đồng LGBT đã “ vỡ oà” trong niềm vui được “nhận ra nhau”...
Có một cuộc hành trình của bản ngã

Hai cột mốc xúc động: Hôn nhân đồng giới và quyền của người chuyển giới!

Lương Thế Huy, 34 tuổi, sinh ra ở TP. HCM, là một trong những cái tên tiêu biểu đằng sau các nỗ lực vận động chính sách cho cộng đồng LGBTQ+ và các nhóm yếu thế tại Việt Nam, đồng thời là Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE). Với những đóng góp cho công tác xã hội, Lương Thế Huy là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam do Forbes bình chọn vào năm 2016.

Năm 2021, Huy đã trở thành một trong ba người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Hà Nội, với mục tiêu đại diện nói lên tiếng nói của người trẻ và những cộng đồng thiểu số, đa dạng trong xã hội, tập trung vào các vấn đề bình đẳng giới, y tế cộng đồng, giáo dục thanh thiếu niên, môi trường cũng như công tác đối ngoại Quốc hội. Với anh Lương Thế Huy - có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ liên quan tới cộng đồng LGBT trong hành trình hơn 10 năm qua, hầu hết là những khoảnh khắc nho nhỏ, riêng tư, và vô cùng xúc động. Nhưng khi nói tới “cột mốc” của cộng đồng thì phải là những dấu ấn ai cũng thấy, ai cũng cảm nhận được. Đó là hai tiến trình vận động luật vô tiền khoáng hậu: hôn nhân cùng giới trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, và quyền của người chuyển giới trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, vào tháng 2/2012, một đám cưới của hai bạn nữ tại thị trấn Đầm Dơi, Cà Mau đã diễn ra. Đám cưới bị dừng lại, gia đình và hai bạn được gọi lên để giải thích rằng họ đã sai và cam kết không được sống chung với nhau. Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình. Tất cả xảy ra trong vài tháng, khởi phát nên cuộc vận động hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng kéo dài cho tới tháng 5/2014 khi Quốc hội chính thức thông qua Luật, bỏ cấm và không thừa nhận hôn nhân cùng giới. “Bỏ cấm, không thừa nhận” có nghĩa là không có gì thay đổi, nhưng cũng đồng thời là không có gì như cũ. Các cặp đôi cùng giới vẫn không được thừa nhận bất kỳ quyền pháp lý, sự bảo vệ nào từ pháp luật cho việc chung sống; nhưng đồng thời hiện trạng nhận thức xã hội cũng đã không còn như cũ, tức là “các cánh cửa đã được tháo chốt”.

Ngày 1/1/2015, Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực. Ký ức về một tiết học GDCD năm lớp 12 ùa về với Huy. Ngày đó thầy giáo giảng tới bài hôn nhân gia đình, đọc từ trong sách ra, “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. “Tôi hy vọng trong cuộc đời của mình, trang sách đó sẽ có một đáp án mới cho câu hỏi “Những người nào sau đây không được phép kết hôn với nhau?” để những người trẻ có thể cất lên tiếng nói từ trái tim của mình mà không sợ đó là một câu trả lời sai”.

Ngày 24/11/2015, Quốc hội khóa XIII thông qua Bộ luật Dân sự hợp pháp hóa vấn đề chuyển đổi giới tính, trong đó ghi nhận sẽ có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh, mở ra một chương mới trong phong trào vận động quyền của người chuyển giới.

Khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định cấm kết giữa những người cùng giới tính. Bên cạnh đó, theo điểm e khoản 1 Điều 8 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 quy định việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 500.000 đồng. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng tại Khoản 2 Điều 8 quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 thì những người đồng giới kết hôn với nhau không còn bị phạt. Như vậy, so với quy định trước đây, hiện nay, Nhà nước không còn cấm những người có cùng giới tính kết hôn mà chỉ “không thừa nhận” mối quan hệ hôn nhân này. Đồng nghĩa, những người đồng tính có thể tổ chức đám cưới, sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không được thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều quý giá nhất là được “nhận ra nhau”

Huỳnh Minh Thảo - tư vấn viên độc lập cho các dự án phát triển, đặc biệt cho các dự án liên quan tới cộng đồng LGBT chia sẻ: Tôi nhớ lần đầu tiên một triển lãm nghệ thuật công khai mang tên “Mở” và vở kịch “Được là chính mình” diễn ra vào năm 2009 và 2010 tại cả Hà Nội và Sài Gòn. Triển lãm và vở kịch đã phần nào khiến công chúng có thêm nhận thức về người LGBT khi trước đây, những sự kiện như vậy hiếm khi xuất hiện rộng rãi trong xã hội. Triển lãm đã diễn ra tại nhiều trường đại học, các địa điểm công cộng tại 2 thành phố lớn. Hai hoạt động nghệ thuật này như mở màn cho nhiều các sự kiện khác sau này, dẫn dắt cộng đồng LGBT trên cả nước.

Năm 2012 cũng đáng nhớ với sự kiện Flashmob đầu tiên của cộng đồng LGBT: “Yêu là yêu”. Nó thể hiện tính hiện diện của cộng đồng một cách mạnh mẽ. Nó diễn ra không chỉ tại các thành phố lớn mà ở cả địa phương, giúp người LGBT “bước ra khỏi bóng tối” và đi tìm tiếng nói cá nhân. Họ đã không còn là người đi xem triển lãm, xem kịch - họ là một phần của cộng đồng lớn. Lá cờ LGBT khổng lồ - “Đại kỳ” dài 20m, rộng 10m, xuất hiện tại Hà Nội và Sài Gòn đã trở thành một biểu tượng cho những sự khởi đầu. Tôi nhớ có nhiều người LGBT đã đứng dưới lá cờ và khóc khi lần đầu tiên, họ nhận ra được sự hiện diện và giá trị của mình trong cuộc sống này. 2012 cũng là năm Vietpride xuất hiện tại Việt Nam và kéo dài tới tận hiện tại.

Đến 2013, một bước tiến mới với người LGBT khi “Hành trình hiểu về con” của PFLAG - cộng đồng phụ huynh có con LGBT, đã diễn ra tại rất nhiều thành phố, kéo dài từ Cần Thơ đi dọc đất nước tới Hà Nội. Chuyến đi đã mang những câu chuyện, chia sẻ từ các bậc cha mẹ có con thuộc cộng đồng LGBT tới đông đảo phụ huynh trên toàn quốc.

Từ năm 2013 tới nay, những thay đổi về luật pháp đã mở đường cho cộng đồng LGBT trên nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe cho tới định danh cá nhân. Trước 2008, LGBT vẫn bị coi là bệnh, “lây lan”, “trào lưu” thì đến năm 2019, thái độ của mọi người đã thoáng và tích cực hơn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội. Các chương trình truyền hình, truyền thông cũng đã có các sản phẩm với nhìn nhận đúng với diễn ngôn chính xác, tự nhiên và phù hợp về cộng đồng LGBT.

Kể từ năm 2016 trở lại đây, các hoạt động của cộng đồng LGBT đã không chỉ bó hẹp cho bản thân người LGBT khi có sự giao thoa, mở rộng hơn cho cả người dị tính.

Theo anh Lương Thế Huy, trong hành trình ấy, việc “nhận ra nhau”, là thứ quý giá nhất sẽ giúp chúng ta cùng nhau đi hết con đường này. Một ngày nào không còn nhìn thấy nhau nữa, ngày đó cộng đồng không còn, những cố gắng, những mối quan hệ, những tình cảm sẽ tự động rã rời nhau ra. Khép lại một thập kỷ rồi, tôi thấy rất nhiều người đã nhìn thấy nhau, nó cho họ cảm giác an toàn, được yêu thương, được nhìn thấy, được nghe thấy, không phải vô hình hay ẩn giấu nữa. Cũng phải khẳng định rằng, dù khuôn khổ pháp lý chưa rõ ràng, thì những cặp đôi đồng giới vẫn chung sống với nhau như một gia đình. Họ vẫn ở chung, nấu ăn cùng nhau, trả những hóa đơn tiền điện và nuôi dạy con cái. Đấy là tình cảm thiêng liêng giữa người và người, không ai ngăn cấm được. Họ chỉ cần được pháp luật thừa nhận như những công dân khác mà thôi.

Anh Huỳnh Minh Thảo cũng bày tỏ, chính là sự thay đổi rõ rệt của xã hội về vấn đề LGBT, đã không còn quá nhiều máu, nước mắt và sinh mạng phải đánh đổi vì câu chuyện kỳ thị, định kỳ. 10 năm vừa rồi là 10 năm diệu kỳ với tôi và nhiều bạn bè trong cộng đồng. 10 năm tới, những vấn đề liên quan tới vận động chính sách sẽ bùng nổ, ví dụ như luật hôn nhân bình đẳng, luật chuyển đổi giới tính, luật dành cho các nhóm non-binary. Đặc biệt, các nhóm cộng đồng sẽ ngày càng tài năng, chuyên môn hóa với việc đi sâu hơn vào các nhóm nhỏ LGBT như người vô tính, người liên giới tính… Các nhóm thiểu số khác trong xã hội cũng sẽ được hưởng lợi với những phong trào mới. “Việt Nam là một đất nước khá cởi mở về LGBT nên tôi tin rằng, con đường 10 năm tới sẽ tiếp tục là một con đường đúng đắn”, Huỳnh Minh Thảo bày tỏ...

LGBT lồng ghép trong các chương trình giáo dục giới tính

Theo ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng - ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM thì trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại nhiều định kiến đối với người LGBT (đồng giới, chuyển giới, song tính) cho biết: Hiện nay, những vấn đề về LGBT được lồng ghép trong các chương trình giáo dục giới tính hiện nay. Một số trường cũng đã đưa các dự án “LGBT vào để nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh, học sinh”. Tại khoa Công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, môn Công tác Xã hội với người đồng tính, song tính và chuyển giới được đưa vào chương trình đào tạo cho cử nhân lẫn thạc sĩ. Qua đó, có thể thấy sự rộng mở trong lĩnh vực nghiên cứu về LGBT.

Đọc thêm