Xếp hạng đặc biệt cao mà Việt Nam có được trong khu vực là nhờ chế độ nghỉ thai sản 180 ngày (nhiều hơn 60 ngày so với bất kỳ quốc gia khác), áp dụng chế độ đãi ngộ công bằng, có chính sách chống phân biệt đối xử trong tuyển dụng đối với phụ nữ.
Tuy nhiên, xếp hạng này bị ảnh hưởng do quy định về phòng chống hiếp dâm tại Việt Nam không giải quyết vấn đề cưỡng bức tình dục trong hôn nhân một cách cụ thể.
Nỗi niềm khó nói
Nguyễn Thị Oanh – người phụ nữ 50 tuổi đến từ huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình năm 2019 đã được Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVnet) vinh danh là Hiệp sỹ Công lý vì những đóng góp tích cực trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em năm 2018 - 2019. Ít người biết, phía sau niềm vui hiện tại của chị là những nỗi buồn tràn ngập trong quá khứ và sự dũng cảm đứng lên đối mặt.
Theo lời chị, không những trong cuộc sống đời thường mà trong quan hệ riêng tư của vợ chồng, chồng chị chưa bao giờ tôn trọng vợ. “Chồng tôi có thể đòi hỏi vợ bất kể thời gian nào trong ngày, hay trước mặt các con. Có lần tôi quá mệt vì công việc và vừa chịu đòn xong nên đã không đáp ứng, chồng tôi đã đánh không nương tay. Ngày đấy tôi không nghĩ đó là bạo lực tình dục, chỉ nghĩ đó là nghĩa vụ một người vợ phải đáp ứng chồng nên cũng không dám nói với ai. Nhiều hôm, tôi phải dậy sớm từ lúc trời tờ mờ 3-4 giờ sáng, xuống bếp ngồi để tránh sự va chạm vợ chồng” - chị nghẹn ngào.
Một trường hợp khác: Tháng 2/2020, Công an huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lý Văn Quang (35 tuổi, thường trú tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) về tội hiếp dâm theo Khoản 1, Điều 141 Bộ luật Hình sự. Nạn nhân chính là vợ của Quang - chị N.T.V.
Do mâu thuẫn gia đình, tháng 8/2019, chị V viết đơn ly hôn gửi tòa án huyện và về nhà bố mẹ đẻ. Để muốn vợ từ bỏ ý định ly hôn và quay về chung sống, Lý Văn Quang đã nhiều lần đến nhà vợ để níu kéo nhưng bất thành.
Ngày 5/2/2020, Quang điều khiển xe mô tô đến gặp vợ, thấy chị V ở nhà một mình, Quang đã dùng dao đe dọa và dùng vũ lực khống chế giao cấu trái ý muốn với chị V. Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình bị hại, Công an huyện Lộc Bình đã xác minh làm rõ và ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lý Văn Quang….
Bạo lực gia đình hay tội phạm hình sự?
Một trong những lý do khiến vị trí xếp hạng của Việt Nam bị ảnh hưởng trong Báo cáo toàn cầu về chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng 2020 (CRII) của Oxfam là do quy định về phòng chống hiếp dâm tại Việt Nam không giải quyết vấn đề cưỡng bức tình dục trong hôn nhân một cách cụ thể. Vậy cụm từ “Việt Nam không giải quyết vấn đề cưỡng bức tình dục trong hôn nhân một cách cụ thể” trong bản báo cáo cần được hiểu như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn vào thực tế tại một nước có nền văn hóa Á Đông truyền thống như Việt Nam, khi thực thi pháp luật, những quy định về tội danh hiếp dâm, cưỡng dâm ở nhiều trường hợp được “mặc nhiên” được hiểu là không bao giờ bao gồm trường hợp hiếp dâm hoặc cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân.
Thực tiễn một số địa phương cũng như phản ánh của các kênh thông tin, truyền thông cho thấy, tình trạng xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Có điều, nhiều người vẫn cho rằng nếu có xảy ra việc xâm hại tình dục trong hôn nhân thì đây là vấn đề của bạo lực gia đình chứ không phải tội phạm hình sự.
Nhưng cũng cần biết rằng, tại buổi hội thảo “Định kiến giới và tiếp cận công lý của phụ nữ trong những vụ án bạo lực trên cơ sở giới”, quan điểm của các diễn giả đều cho thấy, theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam thì pháp luật không loại trừ hành vi hiếp dâm hoặc cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân.
Cụ thể, từ khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985 đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn duy trì quan điểm là đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục để bảo vệ nhân phẩm con người, đặc biệt là phụ nữ. Bởi vậy, chưa bao giờ pháp luật Việt Nam quy định loại trừ trách nhiệm hình sự khi vợ và chồng giao cấu trái/ngoài ý muốn.
Quyền tự do, bình đẳng của phụ nữ luôn được pháp luật đề cao trong đó có quyền tự do tình dục. Hành vi xâm hại tình dục cấu thành tội danh nào (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu....) thì xử lý về tội danh đó, bất kể mối quan hệ giữa nạn nhân và đối tượng gây án là như thế nào.
Phân tích hành vi hiếp dâm vợ từ góc độ pháp luật về hôn nhân, gia đình và pháp luật về hình sự, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng, hành vi hiếp dâm theo quy định pháp luật là hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân”.
Tội danh này không quy định chủ thể đặc biệt, không loại trừ trường hợp chủ thể là vợ, chồng, bởi vậy cứ đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực hành vi dân sự mà thực hiện hành vi như trên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm, bất kể là điều đó xảy ra giữa vợ chồng hay giữa hai người nam/nữ không có mối quan hệ hôn nhân.
Trong gia đình ngày nay, vợ chồng đều bình đẳng trong mọi mối quan hệ vợ chồng. Thực tế cho thấy nhiều người chồng coi thường điều này. Nếu người chồng chỉ muốn thỏa mãn “cái tôi”, coi vợ phải phục tùng chồng, không cho vợ bày tỏ quan điểm, chính kiến, không lắng nghe và tôn trọng vợ thì người chồng không chỉ xúc phạm nhân cách của vợ mà còn tự phá hoại hạnh phúc của chính mình và gia đình.
Những số liệu về bạo lực gia đình gần đây ở Việt Nam cho thấy có tới 70% số vụ bạo lực gia đình có đối tượng gây ra là nam giới và thường nạn nhân là phụ nữ – người vợ. Vì thế, một trong những nội dung của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành đã nhấn mạnh việc người chồng/người vợ đừng bao giờ coi thường sự bất hòa trong quan hệ tình dục, bởi điều đó sẽ khiến cho tổ ấm có nguy cơ bị tan vỡ rất lớn. Khi có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến quan hệ tình dục của hai vợ chồng, cả hai cần cùng nói chuyện, chia sẻ những suy nghĩ và đưa ra các giải pháp để cải thiện, giải quyết.