Hoa trong lòng phố
Nếu như nhắc đến Đà Lạt mộng mơ ta thường nghĩ ngay đến thành phố ngàn hoa. Thì khi nhắc đến Thủ đô, bài hát “Hà Nội 12 mùa hoa” tràn đầy nỗi nhớ: “Mùa hoa tháng năm cháy rực phượng đỏ. Hồ Tây ngát hương, mùa sen tháng sáu. Ngập tràn lối đi, hoa sấu tháng bảy. Trở về tuổi thơ, hoa xoan tháng tám…”.
Với khí hậu nhiệt đới đặc trưng của miền bắc Việt Nam, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt, Hà Nội mỗi mùa lại mang vẻ đẹp đặc trưng riêng có, mùa nào cũng đẹp, cũng nên thơ. Đặc biệt hơn cùng với sự thay đổi của thời tiết, mỗi lúc trời đất giao mùa, người Hà Nội lại xốn xang với những vẻ đẹp của các loài hoa chỉ nở một lần trong năm.
12 mùa hoa ứng với 12 tháng là một nét đẹp riêng của Hà Nội mà không nơi nào có được. Tháng giêng, hoa đào khoe những cánh hồng mỏng manh trong làn mưa bụi để đón xuân sang. Tháng 2 tới gọi mùa hoa ban, mang cả mùa xuân Tây Bắc về Thủ đô. Một loạt dãy phố Hà Nội bắt đầu bạc trắng hoa sưa, trắng như tuyết phủ khi tháng 3 về. Tháng 4, cuối xuân, chớm hạ, là đến mùa hoa loa kèn. Tháng 5, khi tiếng ve râm ran gọi hè, phượng hồng đỏ cháy giục giã mùa thi.
Mỗi độ tháng 6, hoa sen lại hé nụ khoe sắc mang hương thơm thoang thoảng mộc mạc, thanh bình. Hoa sấu tháng 7 rơi ngập lối đi trên đường Phan Đình Phùng. Tháng 8 với những cơn mưa rào đặc trưng của mùa hè cũng là lúc hoa xoan nở rộ. Tháng 9 là khi những cơn gió bất ngờ thoáng qua mang theo mùi thơm ngọt ngào của hoa sữa, nhắc nhở mùa thu đã đến.
Tháng 10, hoa cúc báo hiệu mùa đông sắp về. Trước những cơn gió lạnh giá của mùa đông tháng 11, những cánh hoa cúc họa mi mỏng manh bừng sáng tinh khôi trên những con đường quen. Cải vàng thì rực rỡ suốt dải đất phù sa ven sông, xua đi cái lạnh giá của tháng 12 cuối năm rét buốt. Cứ như vậy hình ảnh Hà Nội 12 mùa hoa tuyệt đẹp đã khắc sâu vào trong tiềm thức của mỗi người.
Và một hình ảnh hoài nhớ và quá đỗi thân thương đó là những chiếc xe đạp chở đầy hoa với vòng quay đều trên phố. Trước đó là những gánh hàng hoa đã trở nên quen thuộc và gần gũi với Hà Nội, với con người nơi dây. Ẩn trong hình ảnh vất vả của sự mưu sinh, vẫn thấy toát lên vẻ đẹp bình yên mà mộc mạc. Đó chính là nét duyên của Hà Nội.
Theo thời gian, từ những bông hoa trên đôi quang gánh đã được nâng cấp thành những vòng xe đạp tiện lợi và di chuyển nhanh hơn, phù hợp với sự vận động của xã hội. Dẫu có đổi thay nhưng những chiếc xe đạp bán hoa rong vẫn như một sự tiếp nối, giữ trọn vẹn nét đẹp của gánh hoa ngày cũ. Và những bông hoa vẫn mộc mạc, giản dị, hồn hậu dẫu bao năm tháng có qua đi, thì mùa nối mùa vẫn nối tiếp…
Hoa hàng rong hầu như chỉ dành cho người yêu hoa và chơi hoa, cho những người thích vẻ đẹp tự nhiên, bình dị chứ không dành cho việc tặng mang tính lễ nghi. Bởi hoa hàng rong không có vẻ đẹp chau chuốt như hoa ngoài tiệm, không được tạo dáng, uốn nắn chỉn chu như hoa bó, hoa lẵng bán sẵn. Và cũng bởi hoa nơi đây mộc mạc, không có giấy gói cầu kì hay ruy băng thắt nơ, chỉ có độc vài tờ giấy báo, dây lạt buộc hoa cho người mua. Thế nhưng, người Hà Nội, vẫn luôn chờ đón những mùa hoa như thế. Họ mua về trưng trong nhà, tặng nhau thân tình như món quà đầu mùa giản dị, thanh tao.
Bởi thế, những hàng hoa ấy vẫn cứ đi khắp phố phường Hà Nội, len lỏi khắp các ngõ hẻm, từ phố nhỏ ra đường lớn, ngày nắng cũng như ngày mưa. Bốn mùa vẫn vậy, đem sắc, đem hương đến cho mọi nhà. Mùa nào, hoa ấy, những bông hoa cứ thi nhau khoe sắc khắp phố phường. Người dân Thủ đô không cần phải đi đâu xa mới được thưởng hoa, khi mà Hà Nội luôn có hoa trong lòng phố.
Và có lẽ những điều tạo nên nét riêng biệt của Hà Nội, mang đậm bản sắc của mảnh đất này không phải là những thứ nguy nga tráng lệ. Mà là những gì xưa cũ, bình dị, tự nhiên như hơi thở cuộc sống. Giống như hình ảnh gánh hàng hoa với những bông hoa buổi sáng còn ướt hạt sương, lấm đất vườn. Giản dị, mộc mạc là thế mà sao cứ khiến lòng người nhớ mãi không nguôi về vẻ đẹp tự nhiên mà chỉ hoa hàng rong mới có!
Làng hoa Nhật Tân khoe sắc đón xuân. |
Và còn đó những làng hoa Hà Nội
Trồng hoa là một nghề truyền thống và Hà Nội vốn có rất nhiều làng trồng hoa nổi tiếng như: Ngọc Hà, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá... Hầu hết những làng này đều nằm ở ven Hồ Tây, một thắng cảnh nổi tiếng của đất Hà Nội. Cứ mỗi nǎm vào dịp Tết, dưới làn mưa xuân lất phất, các ngả đường Hà Nội lại nườm nượp những gánh hàng hoa với trǎm ngàn màu sắc.
Đào Nhật Tân – một cái tên quen thuộc với người Hà Nội và cả những ai đã từng được thưởng thức dịp Tết của người Hà Thành. Làng Nhật Tân có kỹ thuật trồng hoa đào đạt đến trình độ điêu luyện, không đâu có thể làm được. Những cành đào được chăm sóc tỉ mỉ, uốn lượn đủ hình dáng, chùm “sai hoa”.
Ngoài hoa đào, người dân còn trồng nhiều loại hoa khác nên không gian ở nơi đây tràn ngập muôn ngàn màu sắc. Đặc biệt tới gần Tết, Nhật Tân tràn ngập màu đỏ hồng tươi tắn của hoa đào, một cảnh sắc mang đậm không khí Xuân về, rộn ràng ngày Tết đến. Bên cạnh hoa của mùa xuân, làng còn trồng nhiều thửa hoa cúc, hoa bướm, hoa bách nhật,…
Nhắc đến nơi trồng hoa, cung cấp hoa cho Hà Nội đầu tiên không thể không nhắc đến làng Ngọc Hà bởi làng hoa này đã hình thành từ rất lâu. Hoa ở đây không trồng đào như Nhật Tân mà là những thứ hoa quanh năm, suốt tháng như hoa hồng, hoa cúc, vi-ô-lét, lay-ơn, hoa păng-xê, hoa loa kèn, cẩm chướng...
Thời Pháp thuộc, làng hoa Ngọc Hà rất nổi tiếng. Mọi người thường ví nơi đây là “làng hoa của miền ký ức” cũng bởi giá trị thời gian mà nó gắn liền: “Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua”.
Và còn nhiều làng hoa lớn nhỏ khác quanh Hà Nội, nơi đâu cũng có vẻ đẹp khiến du khách “quên lối về”. Mỗi sớm mai, từ mọi ngả đường, hoa tươi tràn vào các cửa ô Hà Nội, rực rỡ sắc màu. Trong triệu triệu bông hoa khoe sắc hồng, đỏ, vàng, tím... có rất nhiều bông được hái từ những làng lúa, làng hoa Hà Thành.
Nghề trồng hoa, cây cảnh ở Hà Nội đã có từ lâu đời với những làng nghề truyền thống đáng quý. Được biết Hà Nội có nhiều làng hoa như vậy bởi để phục vụ cho nhu cầu chơi hoa, thưởng hoa, từ khi về định đô tại Thăng Long, nhà Lý đã cho thành lập những “hoa điền” ven kinh thành, mạn Hồ Tây.
Vốn là ngành nghề không chỉ đưa đến thu nhập cho người trồng hoa mà còn mang sứ mệnh tô điểm, làm đẹp cho phố phường Thủ đô. Ấy vậy mà, mấy năm gần đây cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho nhiều vùng đất trồng hoa, cây cảnh bị thu hẹp lại, có những làng hoa giờ chỉ còn trong ký ức.
Nếu Nghi Tàm xưa nức tiếng là một làng hoa đẹp nhất nhì đất Kinh kỳ, thì Nghi Tàm nay lại là một “làng Tây” sang trọng với những tòa biệt thự lộng lẫy nằm ven khu vực “đất vàng” Hồ Tây. Giờ đây làng hoa Nghi Tàm chỉ còn trong ký ức. Cũng giống như Nghi Tàm, trước đây Thăng Long – Hà Nội còn nổi tiếng với làng hoa Ngọc Hà khoe sắc trong lòng phố, giờ cuộc sống đổi thay, hồn hoa Ngọc Hà khi xưa như đã nằm dưới những lớp bê tông cốt thép.
Cùng với đó là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều lễ hội quanh năm tạm hoãn khiến nhiều vườn hoa không thể tiêu thụ cho kịp mùa, dẫn đến tình trạng hoa héo khô, người trồng hoa đành phải cắt bỏ hàng loạt. Nhiều người trồng hoa cho rằng, do ảnh hưởng dịch nên nhu cầu sử dụng hoa tươi giảm hẳn, nhiều gia đình cắt hẳn khoản mua hoa vì có nhiều khoản lo khác. Bên cạnh đó, đình, chùa đóng cửa, lễ hội tạm dừng khiến người trồng hoa không có đầu ra.
Nhiều người trồng hoa đau đáu với nghề, lo sợ một ngày làng hoa sẽ lụi tàn.“Hoa rớt giá khiến tôi và tất cả người làm nghề trồng hoa điêu đứng chứ không riêng một nhà nào. Tất cả đều thua lỗ rất nhiều vì giá bán hoa không thu đủ tiền giống, chưa tính đến chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công, điện thắp sáng. Còn chưa tính đến công sức chăm sóc cả một năm nữa”, anh Long chủ vườn hoa chia sẻ. Thế mới thấy, để có thành quả là những bông hoa tươi đẹp, người trồng hoa phải bỏ nhiều công sức, tâm huyết, tiền bạc cũng như phải chấp nhận rủi ro của ngành nghề này.
Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Hà Nội 12 mùa hoa, giúp tô điểm, tạo thêm sức cuốn hút kỳ lạ cho mảnh đất này. Dẫu thời gian có đổi thay thì bao năm qua, thú chơi hoa tao nhã từ xưa của người Hà Nội vẫn mãi còn đó, dẫu những nếp nhà còn đơn sơ hay phú quý. Và phía sau đó là sự nhọc nhằn của người trồng hoa mưa nắng vất vả. Họ tự tay chăm chút và mang hoa vào phố. Thế nên, mỗi người dân nơi đây đều mùa nào thức nấy, yêu hoa, yêu Hà Nội hơn nhiều lắm!