Có một làng nghề sinh ra từ rừng dừa Bảy Mẫu

Thời chiến, rừng dừa Bảy Mẫu được xem là ấp chiến lược của quân và dân Hội An chống lại sự công phá dữ dội của bom mìn kẻ địch. Thời bình, rừng dừa ấy tiếp tục là niềm tự hào của người dân Hội An. Cũng chính từ rừng dừa ấy đã cho ra đời một làng nghề  để rồi, người dân xứ dừa Bảy Mẫu đang khấm khá dần cùng với cái nghề…do dừa “đẻ” ra…

Thời chiến, rừng dừa Bảy Mẫu được xem là ấp chiến lược của quân và dân Hội An chống lại sự công phá dữ dội của bom mìn kẻ địch. Thời bình, rừng dừa ấy tiếp tục là niềm tự hào của người dân Hội An khi mang trên mình vẻ đẹp của một vùng sông nước trù phú đủ các sản vật tôm cá, đặc biệt không thể không nhắc đến những hàng dừa xanh rít như một khu rừng phủ khắp một miền sông nước bao la của người dân Cẩm Thanh.
Và cũng chính từ rừng dừa ấy đã cho ra đời một làng nghề mà đến nay, qua bao thăng trầm, phồn thịnh, lâm nguy nay lại trên đà phục hưng, để rồi, người dân xứ dừa Bảy Mẫu đang khấm khá dần cùng với cái nghề…do dừa “đẻ” ra…
Đến Hội An, đâu đó ta vẫn bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà lá mang đậm dấu ấn của một miền quê xưa
Đến Hội An, đâu đó ta vẫn bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà lá mang đậm dấu ấn của một miền quê xưa

Giàu lên từ cái nghề được sinh ra từ dừa

Nếu cách đây 10 năm, từ khi được chính quyền thành phố khuyến khích, vận động khôi phục trở lại, nghề tranh tre dừa lá chỉ có một vài ba hộ tâm huyết hưởng ứng tham gia thì nay số hộ gia đình làm nghề này đã lên đến vài trăm hộ. Không chỉ những hộ dân của thôn 2, thôn 3 trong xã, nơi sở hữu rừng dừa Cẩm Thanh mà cả những hộ dân ở các thôn lân cận cũng tìm về đây học nghề, rồi gắn bó với nghề. “Nghề này cũng chẳng có gì gọi là khó, chỉ cần tinh mắt, quan sát học hỏi, chịu khó ắt sẽ thạo nghề thôi. Lúc trước thấy nghề vắng hoe người làm ngẫm buồn lắm, nhưng bây giờ thì khác rồi, nhà nhà làm nghề, người người làm nghề đó các chú à”, ông Trần Rô, trưởng thôn 2, hồ hởi chia sẻ.

Và với công việc không mấy khó khăn này, không chỉ những người sức vóc mới kham nổi mà ngay cả những cụ già, em nhỏ cũng có thể đảm đương các khâu đơn giản như làm 1 tấm dừa 5 nẹp, mỗi tấm như thế với giá tương ứng ngoài thị trường dao động trong khoảng từ 70 -80 nghìn đồng. Những người có kinh nghiệm làm lâu năm, sành sỏi thì đứng ra nhận làm nguyên cả căn nhà với giá thầu tính theo mét vuông (400 nghìn đồng/m2).

Dẫn chúng tôi đi khắp một vòng từ đầu làng đến cuối xóm, đến từng cá nhân hộ gia đình làm nghề này, đi đến đâu ông trưởng thôn Rô cũng phấn khởi ra mặt vì bà con trong thôn ai cũng ngày một ăn nên làm ra từ loại hình nghề truyền thống này. “Nghề truyền thống có từ lâu đời nhưng nay lại ứng dụng trong cuộc sống hiện đại đó các chú. Những căn nhà lá không chỉ có tác dụng chống nóng bức mà bây giờ những mái nhà lá làm từ dừa đã trở nên quá đỗi quen thuộc với các quán cà phê, thậm chí các nhà hàng, khách sạn, resort cũng tìm tới đặt hàng cả đấy”, ông Rô cho biết. Và quả thật, khi nhìn trong phố cổ Hội An, đâu đó ta vẫn bắt gặp hình ảnh những mái chòi dựng bằng lá dừa được bện chặt vào những thanh tre vát mỏng, góp phần tô điểm các không gian nghỉ dưỡng cho khách du lịch. 

Ngày nay, ở làng nghề tranh tre dừa lá không chỉ đơn thuần vận hành sản xuất theo cá nhân hộ gia đình nữa mà họ đã biết kết hợp lại với nhau, sản xuất theo dây chuyền (mỗi người làm một khâu, từ vát nan, đem lá dừa từ rừng dừa về đến khâu đan nẹp, tạo nên những tấm phên mà mình muốn – PV). Tại cơ sở sản xuất của anh Đỗ Văn Long (33 tuổi, cử nhân kinh tế, hiện nay cũng đang đầu tư phát triển ngành nghề này ở địa phương) mỗi ngày có trên 20 lao động làm việc thường xuyên theo cách thức trên với mức lương ổn định 200 nghìn đồng/ ngày/ người. Và với thu nhập khá cao như vậy, chắc hẳn ai cũng phải tin rằng trong tương lai không xa nghề tranh tre dừa lá sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố như lời của ông Lê Thanh, phó chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, khẳng định.

Long đong làng nghề nhà lá
Trở lại tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (thuộc thôn 2, xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam) những ngày đầu hè nóng bức, chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi trước mắt mình đâu đâu cũng phủ một màu xanh um tùm của dừa. Dừa trên cánh đồng nước mênh mông, cố ngắm nhìn về nơi xa xăm vẫn không tránh khỏi tầm che khuất của dừa, dừa hiện hữu trên từng cung đường dẫn vào thôn, và từng mái nhà lá đơn sơ được lợp bằng dừa để giải tỏa không khí ngột ngạt của trưa hè oi bức. Và một nhịp điệu làm việc hăng say, sôi nổi đang diễn ra tại thôn nghèo một thời bị bom mìn tàn phá. Nhịp điệu làm việc mà đã lâu lắm rồi họ mới có được, bởi cái nghề tranh tre dừa lá cứ long đong hết phồn thịnh lại suy vong và nay lại là cái nghề chính giúp họ ăn nên làm ra, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nghề này cũng đòi hỏi sự tính toán chi li tỉ mỉ mới có thể tạo nên những tấm nẹp bắt mắt
Nghề này cũng đòi hỏi sự tính toán chi li tỉ mỉ mới có thể tạo nên những tấm nẹp bắt mắt
“Cái nghề này cũng chẳng ai biết có từ khi mô, chỉ biết từ đời não đời nào ông bà truyền lại cho con cháu…”, ông Trần Bừa (80 tuổi, thôn 2, xã Cẩm Thanh, Hội An), người cả đời gắn bó với cái nghề tranh tre dừa lá và có thâm niên lâu đời nhất trong nghề đã mở đầu câu chuyện về cái nghề có từ mấy trăm năm của làng với chúng tôi. Ông kể, từ thời chống Pháp, rồi chống Mỹ, người dân nơi đây đều cất nhà bằng lá để ở và tất cả đều được mang về từ rừng dừa Bảy Mẫu để dựng. Từ nhà ở cho đến nhà bếp, chuồng gà, chuồng lợn hết thảy đều làm từ dừa. Và có lẽ, cái nghề tranh tre dừa lá cũng bắt đầu sinh ra từ đó.
Thời chiến, ngoài làm nông, bà con nơi đây đã kiêm đến việc tận dụng nguồn dừa nước mà tự nhiên ưu ái ban tặng cho mình để dựng nên những mái nhà bằng lá, rồi chắc tay hơn họ nghĩ ra những mô hình cho cả căn nhà dựng bằng lá nhưng vẫn đảm bảo được sự kiên cố, bền vững chống chọi được với khí hậu khắc nghiệt của miền Trung để trú ngụ và đem bán cho những vùng lân cận.
“Hồi đó nếu chỉ bám vào cây lúa thì không bao giờ cầm chừng nổi mạng sống, lúa chưa kịp trổ bông thì bom mìn tụi tây đã dày xéo, băm nát cả cánh đồng lúa rồi, cây nào chống chịu tốt may ra còn giữ được hạt thóc nuôi bà con. Cũng may sao có rừng dừa này mà dân làng biết đến cái nghề làm nhà lá bán cho những nơi khác dựng nhà mới có tiền đổi gạo ăn đó chứ”, bà Võ Mãi (95 tuổi), người đã đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc và cũng là người có nhiều năm gắn bó với nghề, chia sẻ.
Thế nhưng khi hòa bình lập lại, vùng đất vốn một thời tàn khốc bởi chiến tranh có phần thay da đổi thịt, nghề nông được chú trọng hàng đầu trong việc xóa đói giảm nghèo, rồi những mùa thu hoạch bội thu từ cây lúa đã làm cho diện mạo vùng nông thôn ngày một đổi mới. Đời sống khá giả lên từng ngày, từ đó mái nhà lá năm xưa được thay bằng những ngôi nhà xây lợp ngói, chẳng còn ai thiết tha gì với cái nghề như đứng trước bờ vực “tuyệt chủng”, chỉ còn vài ba người vẫn cố lưu giữ loại hình nhà lá như để níu lấy một “quần thể kiến trúc” một thời là nơi cư ngụ, tạo cho họ cái nghề đổi gạo mưu sinh.
“Nhớ lại cái cảnh người trong làng dùng lửa thiêu rụi những căn nhà do chính mình cất lên, gắn bó suốt mấy chục năm mà thấy ngậm ngùi, chua xót lắm. Biết làm sao giờ, cuộc sống nó muốn mình thay đổi theo ý nó, mình có không muốn cũng đâu có được”, bà Mãi nhớ lại.
Và tưởng chừng như với tốc độ đô thị hóa diễn ra đến chóng mặt trong thời đại kinh tế thị trường mở cửa,, cái nghề tranh tre dừa lá của làng chắc sẽ chìm nghỉm vào sự quên lãng, thế nhưng đúng vào cái thời điểm Hội An đang phát triển thịnh vượng, nhất là ngành du lịch, nghề “dừa lá” không những được phục sinh mà còn trở thành nghề hái ra tiền, đem lại cuộc sống khá giả cho bà con nơi đây.

Nguyễn Thanh Ba

Đọc thêm