Người đàn ông đó là ai mà có hành động kỳ lạ vậy? Câu chuyện mà tôi kể dưới đây tin rằng sẽ khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Bởi, ở đó là tình người, là nghĩa tình đồng đội, là nỗi nhớ thương không dứt của người còn sống với người ngã xuống.
Lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn và những điều chưa kể về hai người lính
Giờ đây, lễ thả hoa tưởng nhớ các liệt sĩ bên bờ sông Thạch Hãn – Quảng Trị vào tháng 7 hàng năm tất cả đều đã biết. Thế nhưng việc làm đó bắt đầu từ ai và từ khi nào thì không phải ai cũng rõ. Tra cứu thông tin cũng chỉ vỏn vẹn mấy dòng: “Hàng chục năm ông Lê Bá Dương đơn độc thả hoa như thế, đến thời ông Vũ Trọng Kim làm Bí thư tỉnh Quảng Trị thì mới phát động nó thành phong trào rầm rộ như ngày nay”. Còn câu chuyện đằng sau sự kiện đó là gì thì chưa mấy ai hay.
Đi tìm hồi ức về những ngày tháng đó, người viết bài này đã có dịp được trao đổi với cựu chiến binh, nhà báo Lê Bá Dương để rồi biết, để rồi cảm động với cuộc gặp gỡ của hai người đàn ông, hai người lính đến từ hai miền của đất nước, ở hai cương vị công tác khác nhau. Nhưng, trong trái tim của họ lại có chung một dòng máu, một nhịp đập của tinh thần Việt: biết tri ân, biết nâng niu những giá trị bất biến của dân tộc.
Ông Lê Bá Dương kể: “Sau giải phóng thống nhất được 1 năm, tức là năm 1976 tôi bắt đầu tìm về với Quảng Trị, với Thạch Hãn để thả hoa xuống dòng sông cho các đồng đội đã hy sinh của mình. Những năm đó, xã hội còn nghèo, bản thân tôi cũng phải dành dụm từng đồng để mưu sinh nhưng tiền để mua hoa thì tôi không bao giờ đắn đo. Thế nên, lắm người bảo tôi khùng, không đủ ăn mà mua hoa thả sông thật lãng phí. Nhưng tôi biết mình đang làm gì và không bao giờ bỏ cuộc. Tôi còn nhớ đến năm 1987, cũng trong dịp tháng 7, anh em cán bộ xã Triệu Phong có việc ra chợ Quảng Trị mua hoa. Nhưng bà con ở chợ nói rằng, hoa đã được một người đàn ông mua hết mang ra bờ sông Thạch Hãn rồi. Thấy lạ, các anh ấy tìm ra gặp tôi và nói chuyện. Hóa ra họ cũng đều là anh em du kích địa phương đã đi qua những năm tháng chiến tranh cả, thế nên rất nhanh chóng họ đồng cảm với tôi và chúng tôi đồng hành với nhau trong việc thả hoa trên sông từ dạo đó”.
Khoảng năm 2000, theo hồi ức của ông Lê Bá Dương, khi ông Vũ Trọng Kim về làm Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị đã biết đến câu chuyện thả hoa và người đàn ông bị gắn tên là “khùng”. Ông Vũ Trọng Kim đã mời ông Lê Bá Dương đến gặp mình để hỏi chuyện. “Chúng tôi, hai người đàn ông cùng tuổi nhau sinh năm 1953, người quê Quảng Nam, người quê Nghệ An nhưng không hiểu sao chỉ sau một vài phút bỡ ngỡ ban đầu đã hợp nhau đến lạ, như một thứ duyên. Bởi, anh Kim khi còn thiếu niên đã là dũng sĩ cách mạng, còn tôi trốn nhà đi bộ đội khi còn rất trẻ. Hồi trốn nhà nhập ngũ, tôi đã từng được nghe, được đọc về tấm gương của anh Kim và rất ngưỡng mộ anh ấy” – ông Lê Bá Dương bồi hồi nhớ lại.
Trong cuộc gặp gỡ đó, ông Lê Bá Dương đã lý giải với ông Vũ Trọng Kim lý do thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn của mình rằng: “Anh em chúng ta đều từ trận mạc đi ra và đều hiểu rằng không phải người lính nào cũng được trở về nhà, thậm chí dù chỉ bằng hài cốt, vì máu xương họ đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trận, hòa với non sông đất nước này. Thế nên, tôi làm thế để anh em biết rằng chúng ta những người còn sống luôn thương nhớ và không bao giờ quên sự hy sinh của họ”.
Sau lần gặp gỡ ấy, ông Bí thư tỉnh ủy Vũ Trọng Kim đã bàn bạc với các đồng chí trong tỉnh ủy, chính quyền để nhân rộng việc làm của ông Dương thành phong trào cho nhân dân. Nhiệm vụ đó đã được giao cho nhà văn Xuân Đức (tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Người không mang họ) lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh và ông Xuân Đức với tài nghệ dựng kịch bản, tổ chức của mình “Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn” đã ra đời.
Trong đêm lễ hội đầu tiên, bên bờ sông Thạch Hãn lộng gió, ông Vũ Trọng Kim và ông Lê Bá Dương đã lặng đứng bên nhau lắng nghe tiếng gió, tiếng sóng như những tiếng thầm thì của đồng đội. Ông Dương đã thay lời cảm ơn của mình tới ông Vũ Trọng Kim bằng một câu nói ngắn gọn: “Người Việt Nam mình là vậy, dù đói nghèo, giông bão cũng không bao giờ quên và nề hà chuyện ân nghĩa ”. Năm đó là năm 2001.
Cách đây đã lâu, phóng viên đã có dịp gặp ông Vũ Trọng Kim khi đó đang là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỏi thêm thông tin về câu chuyện này. Ông rất bận bịu với công việc nên chỉ ngắn gọn cho biết thêm: “Sau khi nói chuyện cùng anh Dương, tôi đã rất cảm động và tôi nghĩ rằng mình đã quyết định đúng khi đề xuất nâng việc làm đó lên thành phong trào, thành lễ. Sự biết ơn những hy sinh, những máu xương đã đổ không bao giờ là đủ và không bao giờ là thừa”.
Như cánh chim từ quy…
Đã nói đến cựu chiến binh, nhà báo Lê Bá Dương thì không thể không nói đến bài thơ nổi tiếng của ông. Bài thơ đã được khắc dựng bên bờ sông Thạch Hãn: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Với ông, sự biết ơn những hy sinh, những máu xương đã đổ không bao giờ là đủ và không bao giờ là thừa nên ông luôn muốn làm những gì tốt nhất cho đồng đội đã ngã xuống, chừng nào sức khỏe và điều kiện còn cho phép.
Ông đã đứng ra tìm nguồn tài trợ, tổ chức cho rất nhiều đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường Quảng Trị - Thành cổ xưa. Không chỉ thế, ông còn có sáng kiến bằng cách đề nghị những người cựu chiến binh từ 3 miền Bắc – Trung – Nam lấy nước, đất của Hoàng thành Thăng Long, sông Hồng, Hồ Gươm, sông Lam, 18 Thôn vườn trầu, Bến Nhà rồng… và đất vườn, nước giếng tại nhà các liệt sĩ để hòa vào dòng sông Thạch Hãn, tượng đài Thành cổ như một cách “đưa quê hương về cho đồng đội”.
Và mới đây nhất, ngay sau đợt phát hiện và quy tập 39 hài cốt liệt sỹ tại các điểm thôn thuộc xã Gio An huyện Gio Linh, Quảng Trị, với sự chung tay góp sức của các bạn bè tình nguyện, các ban liên lạc đồng đội, hội đồng hương, hội tìm kiếm thông tin liệt sĩ cả nước, ông Lê Bá Dương đã chắp nối hoàn thành bản trích lục thông tin 68 liệt sĩ với đầy đủ thông tin các thân nhân hy sinh tại khu vực Gio An trong chiến dịch vây ép Cồn Tiên từ tháng 5-9/1968. Từ kết quả này, ngày 10/6/2019, Sở LĐ-TB& XH tỉnh Quảng Trị đã có Văn bản số 1139 - SLĐTB& XH gửi Cục Người có công giải trình và đề nghị Cục cho ý kiến chỉ đạo bằng văn bản đồng ý cho 68 thân nhân liệt sỹ được thực hiện việc trưng cầu mẫu phẩm giám định ADN.
Về chủ trương Cục Người có công đã chấp nhận đề nghị của các gia đình liệt sĩ và hiện nay “ bên cạnh việc tiếp tục giúp hoàn thiện hồ sơ cần thiết thì vẫn còn nhiều việc phải làm và nhiều khâu khó phải khắc phục, nhưng tôi sẽ luôn cố gắng để các đồng đội thân yêu sớm được hoàn nguyên danh tính, về với gia đình quê hương” – trò chuyện với phóng viên ông Dương cho biết…
Có thể nói trong người đàn ông đó luôn là nỗi niềm đau đáu với đồng đội, với những người đã ngã xuống mà vì lý do nào đó chưa thể hoàn nguyên danh tính, trở về với gia đình, quê hương. Vì thế, có thể với nhiều người trang mạng xã hội cá nhân là nơi để thể hiện, để sống ảo, nhưng với người cựu chiến binh này, tràn ngập trang cá nhân chỉ có những cuộc đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, những cuộc thăm viếng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và những nỗi niềm để thi ca cất tiếng: “Tôi về thắp tiếp lửa lòng/ Để không thôi nhớ bạn nằm đáy sông – Viết tại bên vượt bắc sông Thạch Hãn ngày 26/3/2019”; “Vẫn là điếu thuốc hút chung/Mũ tai bèo vẫn che cùng nắng mưa/Chạnh lòng một thủa chưa xưa/Đói cơm nhạt muối như vừa hôm qua/Đói cơm đói cả thư nhà/Bạn bè nằm lại rừng già rừng non/Mặc đời nước chảy đá mòn/Riêng tình đồng đội vẫn son một màu – Viết bên mộ đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị 26/3/2019)…
Còn với tôi, người cựu chiến binh Lê Bá Dương ấy, giống lời một bài hát, ông như cánh chim từ quy mãi mãi bay đi tìm đồng đội: “Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước/Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh/Đi tìm nhau đi mãi mãi không về/ Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài…”
Công trình bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn đã được khánh thành năm 2009 bao gồm các hạng mục nhà hành lễ, bến thả hoa... Hiện nay, ở hai bờ sông Thạch Hãn đã có hai bến đối xứng hai bờ nam – bắc là điểm đến tri ân của hàng triệu người Việt Nam trong những chuyến về nguồn tại đất Thành cổ Quảng Trị. Công trình đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị cùng với bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn tạo thành một quần thể di tích để du khách đến tham quan và thể hiện lòng tri ân đối với các liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này.