Có một tâm lý “xả hơi” như chưa hề… COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau hai năm chiến đấu với dịch COVID-19, tuy chưa thể chiến thắng hoàn toàn nhưng tình hình dich bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Xã hội đang bước sang giai đoạn hậu COVID-19, cùng với đó là suy nghĩ của nhiều người “đã bị rồi không phải lo”, đang dần hình thành tâm lý chủ quan thái quá trong cộng đồng.
Hậu COVID-19, phố Tạ Hiện dần đông đúc trở lại.
Hậu COVID-19, phố Tạ Hiện dần đông đúc trở lại.

Hình thành ý thức chủ quan

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 có vẻ như đang dần hạ nhiệt, khi các thành phố đã trải qua những ngày đỉnh dịch. Tại các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương,… số lượng người đã và đang là F0 rất lớn. Thời điểm số lượng F0 tăng cao đến độ mọi người vẫn nói vui rằng “F1 giờ cần được bảo tồn”. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy nước ta có chừng 9 triệu F0 hoặc từng là F0, và con số này còn tăng lên.

Chính vì vậy, hậu COVID-19 chính là giai đoạn tiếp theo của dịch bệnh. Tại Hà Nội, cuộc sống những ngày gần đây đã trở nên bình thường, hàng quán bắt đầu được mở cửa trở lại. Người dân lại đổ xô đi ăn uống, vui chơi, nhậu nhẹt thả ga. Với suy nghĩ “đã bị rồi thì không phải lo”, nhiều người dân đang dần thờ ơ với dịch. Từ đó hình thành tâm lý chủ quan thái quá trong giai đoạn hậu COVID-19.

Mặc dù, Hà Nội đã cho phép các các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường (không quy định đóng cửa trước 21h hàng ngày) nhưng vẫn cần đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan. Thế nhưng, nhiều hàng quán trên địa bàn thành phố vẫn phục vụ 100% khách hàng, không đảm bảo giãn cách, không có tấm chắn. Hay không yêu cầu khách hàng quét mã QR khi vào sử dụng dịch vụ, phớt lờ những quy định phòng, chống dịch của thành phố.

Trong khi các lực lượng chức năng, chính quyền vẫn đang căng mình chống dịch thì tại nhiều nơi người dân vẫn thờ ơ với dịch bệnh nguy hiểm. Khắp các tuyến đường đông đúc, hình ảnh người dân không tuân thủ 5K hay tuân thủ kiểu đối phó vẫn tham gia vào hoạt động mua bán, tập thể dục rất nhiều.

Nhiều quán nước vỉa hè hoạt động trở lại, nhiều người đến tụ tập thành nhóm, ngồi uống nước, tán gẫu nhưng không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy định... Ngoài ra, tại các siêu thị trung tâm thương mại, lượng người đi mua sắm, tập trung rất đông, không thể đảm bảo giãn cách, nhất là vào những ngày cuối tuần.

Đi dọc quanh các tuyến phố ăn chơi sầm uất như Tạ Hiện, Hàng Buồm,… vào thời điểm này, không khó để nhìn thấy hình ảnh các bạn trẻ tụ tập đông người, túm năm tụm ba, các bàn ngồi san sát nhau, tuyệt nhiên không giữ khoảng cách và thiếu hình bóng của chiếc khẩu trang.

Khi được hỏi tập trung nơi đông người mà không đeo khẩu trang, không khoảng cách như vậy có lo ngại dịch COVID-19, bạn H.Thu (1998, Hà Nội) trả lời: “Cách đây 1 tháng em và các bạn đều đã bị COVID-19 rồi nên bọn em cứ bung xõa thôi. Bị thì cũng bị rồi giờ còn sợ gì nữa đâu. Lâu lắm bọn em mới được đi chơi sau 21h mà, giờ mà cứ đeo khư khư khẩu trang, ngồi cách xa nhau thì còn gì vui nữa”.

Có thể thấy, đây là tâm lý chung của nhiều F0 đã khỏi bệnh hiện nay, cùng với đó là tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm vaccine. Nhiều người cho rằng, đã tiêm hai mũi vaccine và bị COVID-19 là có thể “bất tử”, yên tâm đi lại và không sợ bị mắc bệnh nữa.

Dễ nhận thấy rằng, với những người chưa mắc bệnh, việc thường xuyên chứng kiến các ca mắc mới được điều trị khỏi bệnh cũng khiến một số người bắt đầu có thái độ coi thường bệnh dịch, coi COVID-19 chỉ là một dạng cúm mùa, không có gì đáng sợ, không cần phải ngăn ngừa, đề phòng. Cá biệt có người lại muốn bị mắc bệnh cho xong, vì cho rằng trước sau cũng bị mắc.

Còn với những người đã mắc bệnh và khỏi, họ thấy dịch COVID-19 diễn ra cũng nhẹ nhàng không có gì đáng sợ như họ từng nghĩ. Cậy vào việc đang có kháng thể trong người và suy nghĩ đã mắc bệnh rồi thì rất ít nguy cơ tái nhiễm mà chủ quan, không tuân thủ, chấp hành các biện pháp phòng dịch.

Những nhận thức thiếu suy nghĩ và tiêu cực như vậy đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Bởi bất luận trong điều kiện nào thì trên thực tế, nếu không tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh, người tiêm đủ hai liều vaccine, thậm chí ngay cả mũi vaccine tăng cường vẫn có thể nhiễm bệnh và nguy cơ tái nhiễm ở những F0 đã khỏi bệnh cũng vẫn còn đó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không chủ quan với hậu COVID-19

Trong giai đoạn hiện nay, hậu COVID-19 đang là từ khóa được nhiều người quan tâm. Hậu COVID-19 không chỉ dừng lại ở những di chứng sau khi khỏi bệnh mà còn là nguy cơ tái nhiễm cao. Nhất là khi tâm lý chủ quan thái quá xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng những ngày qua.

Chị T.Linh (1986, Thanh Hóa), từng mắc COVID-19 vào đầu tháng 2, đến ngày giữa tháng 3 vừa qua, chị lại thấy mình có biểu hiện nhiễm bệnh nên đã test và bất ngờ khi thấy kit test hiện hai vạch. “Tôi và gia đình đều đã tiêm ba mũi vaccine và tôi cũng mới bị COVID-19 gần đây thôi. Nhưng không hiểu vì sao chỉ chưa đầy hai tháng tôi đã bị tái nhiễm. Triệu chứng lần này nhẹ hơn lần trước nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi. Đợt một còn chưa hồi phục hẳn giờ đã đến đợt hai”, chị chia sẻ.

Tương tự, có rất người đã tái nhiễm sau trong vòng 2, 3 tháng. Tùy vào thể trạng mỗi người mà triệu chứng nặng hay nhẹ. Hầu hết, tình trạng bệnh đều nhẹ hơn so với lần nhiễm trước. Tuy nhiên, có một vài trường hợp tình trạng ho nhiều, mệt mỏi, khó thở xuất hiện nhiều hơn và cũng đã có trường hợp tử vong sau khi tái nhiễm lần hai.

Theo các chuyên gia, sau khi khỏi COVID-19, cơ thể người bệnh sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn có thể nhiễm COVID-19 lần 2, thậm chí lần 3, 4 sau khi khỏi bệnh. Bởi sau khi khỏi COVID-19, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ sinh kháng thể và các tế bào miễn dịch có khả năng chống lại virus.

Nhưng sự đề kháng này khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, khả năng sinh kháng thể của mỗi cá nhân. Người trẻ, có sức khỏe tốt, không bệnh nền, ăn uống khoa học, ngủ nghỉ hợp lý sẽ sinh kháng thể tốt hơn những người mắc bệnh về hệ miễn dịch hoặc đang mắc các bệnh cấp tính. Và quan trọng nhất, khả năng miễn dịch này không đảm bảo cho chúng ta không bị tái nhiễm, mà nó chỉ có tác dụng bảo vệ chúng ta khỏi những thể bệnh nặng, giảm biến chứng và nguy cơ tử vong.

Ngoài ra, với những biến thể mới của COVID-19 thay đổi liên tục, tình trạng tái nhiễm gần đây ngày càng phổ biến. Đặc biệt trong trường hợp lần nhiễm sau do một biến chủng virus có đặc tính kháng nguyên khác so với chủng trước nên kháng thể bảo vệ của lần nhiễm trước có hiệu quả bảo vệ thấp với chủng nhiễm sau. Chính vì vậy kháng thể bảo vệ sẽ thấp hơn với những biến chủng mới sau này, làm người bệnh dễ tái nhiễm dù đã mắc COVID-19.

Đặc biệt, với chủng Omicron làm tăng nguy cơ tái nhiễm lên gấp từ 4,38 đến 6,63 lần so với Delta. Các nhà khoa học cho biết, khả năng chống lại tái nhiễm trong vòng 6 tháng ở người từng nhiễm COVID-19 đã giảm từ khoảng 85% đối với các biến thể trước - xuống còn khoảng từ 0% đến 27% khi biến thể Omicron bùng lên. Omicron đã được phát hiện có khả năng né tránh khả năng miễn dịch ở mức độ đáng kể.

Có thể thấy, việc tái nhiễm COVID-19 là hoàn toàn có thể và với biến chủng mới như Omicron thì càng dễ xảy ra hơn. Càng nguy hiểm hơn khi người bệnh tái nhiễm là một lần nhiễm virus mới và phát bệnh. Do đó họ vẫn phát tán virus bình thường và vẫn có khả năng lây nhiễm cho những người khác nếu không có biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả.

Chính vì vậy, nếu như vẫn mang trong mình tâm lý chủ quan thái quá, những người tái nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn cả những người xung quanh. Đồng thời, việc thêm người bị mắc COVID-19 sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế ở địa phương trong việc giám sát, theo dõi, quản lý và điều trị. Sự thờ ơ, lơ là, chủ quan của mỗi người dân trong thời điểm này có thể sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn.

Để góp phần hạn chế tình hình dịch bệnh, mọi người dân không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; thực hiện đầy đủ các khuyến cáo trong phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ y tế gồm: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - khai báo y tế - không tập trung đông người. Đặc biệt, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bởi mỗi người dân phải vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Đọc thêm