Chuyện của người thầy “phải lòng” môn Giáo dục công dân
Câu chuyện về những bài giảng lấy nước mắt học trò của thầy giáo Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM) trong tâm trí của những người đã từng là học sinh của thầy không hề phai mờ và luôn là niềm ao ước của những người chưa từng được học thầy.
Thầy Trần Tuấn Anh trong một tiết dạy môn giáo dục công dân cho học sinh lớp 6 |
Chuyện rằng, vào giờ học bài “Biết ơn” của môn Giáo dục công dân lớp 6, thầy mang vào lớp hình ảnh và câu chuyện cá chuối mẹ dùng thân mình làm mồi nhử kiến để mang thức ăn về cho đàn con. Thầy kể hình ảnh người mẹ giặt áo cho con đến quá giờ giới nghiêm bị bắt về đồn - hoàn cảnh ra đời bài hát “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân.
Rồi những hình ảnh thai nhi từ trong bụng mẹ đến từng giai đoạn trẻ thơ được mẹ cha chăm sóc, bế bồng; hình ảnh người mẹ với gánh hàng rong, ngủ vỉa hè giữa trời mưa lạnh; hình ảnh người cha dầm mưa, dãi nắng kiếm tiền nuôi con ăn học. Lớp học bắt đầu có tiếng sụt sùi.
Cao điểm đến đoạn âm thanh nói về tâm sự của người con khi cha mẹ không còn, rồi bài hát “Lòng mẹ” nhạc nền có tiếng mẹ ru, tiếng trẻ khóc… Lớp học vỡ òa tiếng khóc của những cô cậu học trò lớp 6.
Lý Trương Kim Hoàn, một học sinh của thầy kể: “Hôm học bài “Biết ơn” vào tiết cuối buổi sáng, đến giờ ăn trưa nhiều bạn nức nở, nghẹn ngào. Cả lớp đều khóc. Chiều về nhà mắt vẫn còn sưng, cha mẹ hỏi vì sao khóc, có bạn ôm chầm mẹ. Cả tuần sau nhóm bạn em vẫn còn xôn xao về bài học đó”.
Ở ngôi trường nơi thầy giáo Trần Tuấn Anh công tác, theo chương trình của ngành Giáo dục, mỗi tuần chỉ có một tiết Giáo dục công dân nhưng thầy giảng rất nhiều, bài nào cũng hay, những câu chuyện của thầy nhớ thật lâu. Thầy thường cho lớp viết cảm nghĩ sau bài học, từ đó thầy biết bạn nào có tâm tư gì.
Giờ ra chơi thầy gọi riêng các bạn có hoàn cảnh đặc biệt ra hỏi thăm, giải thích cái gì đúng, cái gì chưa đúng. Từ những câu chuyện của thầy, nhiều học sinh thay đổi. Nhiều học sinh cá biệt trong lớp cũng sửa đổi, siêng năng hơn… Môn Giáo dục công dân từ đó học rất nhẹ nhàng.
Với thầy giáo Trần Tuấn Anh, trở thành thầy giáo dạy môn Giáo dục công dân là một niềm khát khao mãnh liệt. Trước câu hỏi “Chọn trường cho mình hay cho mẹ cha?” của học sinh hiện nay thầy đã kể lại câu chuyện của đời mình.
Thầy sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động, ba đi bán vé số dạo, mẹ bán quán nước ở vỉa hè. Cái nghèo khó, nợ nần, chạy ăn từng bữa của gia đình nuôi nấng và thôi thúc thầy học lên cao để vượt qua hoàn cảnh.
Khi học luyện thi đại học từ số tiền vay mượn của cha mẹ, với những bài giảng chuyên đề đạo đức đầy cảm xúc của nhà giáo Đàm Lê Đức, một cô giáo tóc pha sương, thầy nung nấu trong lòng một ước mơ trở thành thầy giáo.
Sau đó, thầy thi đỗ hai trường Kinh tế và Sư phạm và thầy quyết định chọn học kinh tế theo lời cha mẹ để sau này có thể cải thiện đời sống gia đình. Nhưng rồi, sau 4 năm đại học, thầy hiểu mình đã chọn nhầm nghề.
Thầy quyết tâm làm lại từ đầu và đã thi đỗ ngành Sư phạm giáo dục công dân Trường Cao đẳng Sư phạm TP HCM (nay là Đại học Sài Gòn). Vừa đi học thầy vừa đi bán vé số kiếm tiền làm học cụ, ngày ra trường năm 2007 thầy đạt danh hiệu thủ khoa Khoa sử – Giáo dục công dân.
“Buổi đầu tiên đứng trên bục giảng ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM), buổi đầu tiên đứng trên bục giảng mà cứ ngỡ đây là thiên đường, tôi hạnh phúc tột cùng khi được học sinh gọi hai tiếng “Thầy ơi!”. Tôi cố gắng mang vào bài giảng những câu chuyện về tình thương, về công cha, nghĩa mẹ với những đoạn nhạc, bài ca dao, câu tục ngữ… Nhiều học trò đã cảm động, yêu thích môn Giáo dục công dân hơn, ngoan hơn, biết trả lại đồ lấy cắp của bạn” – thầy nhớ lại.
“Dự án Nhà ga xanh” và nữ luật sư yêu con trẻ
Dự án “Nhà Ga Xanh” là dự án của Trung tâm Nghiên cứu trách nhiệm xã hội với mục tiêu nghiên cứu và triển khai các chương trình đào tạo, làm công tác tư vấn tâm lý - pháp lý và kỹ năng sống cho trẻ em từ 7 đến 17 tuổi hiện đang học tại các trường trên toàn quốc, để từ đó hỗ trợ sự phát triển dài hạn của thế hệ trẻ.
Nhằm phát triển nhân lực cho tư vấn tâm lý - pháp lý lưu động miễn phí tại các trường học phổ thông, dự án đã ký kết Quy chế phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với trẻ em tại thành phố Hà Nội với Hội Phụ nữ luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội. Theo đó, Hội Phụ nữ luật sư Hà Nội sẽ phối hợp bằng hình thức cử gần 1.000 nữ luật sư để thực hiện công việc "Từ thiện tri thức" miễn phí đến các trường phổ thông công lập trên toàn thành phố Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh – Trưởng Văn phòng Luật sư Hạnh Nguyễn, một nữ luật sư có nhiều gắn bó với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông qua các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho Ngôi nhà Bình yên, một cộng tác viên trợ giúp pháp lý thường xuyên của Sở Tư pháp Hà Nội, là một trong những nữ luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội tham gia dự án “Nhà ga xanh”.
Nữ Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh trong những giờ tuyên truyền pháp luật cho học sinh |
Với nữ Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, việc tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nói chung và học sinh nói riêng không chỉ là trách nhiệm được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các tổ chức hành nghề về pháp luật hay trách nhiệm của một luật sư thuộc Đoàn Luật sư mà đó còn là niềm yêu thích của cá nhân chị.
Trò chuyện với phóng viên, chị cho biết, mặc dù công việc của một luật sư rất bận rộn, nhưng dấu chân chị cũng đã đặt ở nhiều trường học vùng sâu, vùng xa như các trường dân tộc nội trú ở Điện Biên, ở huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình… trong hành trình mang pháp luật đến với học sinh, người dân.
“Sau mỗi buổi tuyên truyền pháp luật ở trường học đều để lại trong tôi nhiều kỉ niệm khó quên. Có những câu hỏi, câu trả lời của các em học sinh khiến tôi suy nghĩ, trăn trở rất nhiều, cũng có câu hỏi khiến tôi ngạc nhiên…” – chị cho biết.
Trong một buổi tuyên truyền pháp luật cho học sinh trung học cơ sở tại một trường của huyện ngoại thành Hà Nội về chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường”, sau buổi tuyên truyền, một em học sinh nữ chờ nữ luật sư rất lâu ở cầu thang để xin gặp riêng. Em khóc rất nhiều và kể về việc bố em là hiệu trưởng trường em đang học. Bố gây quá nhiều áp lực cho em về việc học, bố muốn em phải thật xuất sắc để bố không bị mang tiếng, trong khi khả năng của em thì có hạn.
Em nói rằng, em cố gắng hết khả năng thì lực học của em chỉ đạt loại khá nhưng không hiểu sao năm nào em cũng đạt học sinh giỏi. Bạn bè trong lớp xì xèo, nghi ngờ khiến em cảm thấy xấu hổ. Em xin bố cho chuyển trường, bố không những không nghe em giải thích còn đánh, mắng em và dọa đuổi em ra khỏi nhà. Sau câu chuyện của mình em đặt câu hỏi với luật sư: “Bố em làm thế với em có là vi phạm pháp luật không?”…
“Qua hành trình mang luật đến với học sinh của mình, tôi nhận thấy một điều rằng quan niệm học sinh không thích học luật là hoàn toàn sai lầm. Thực tế, học sinh ở các cấp học ngày nay đều đã có sự hiểu biết nhất định về pháp luật. Thế hệ của các em tiếp xúc nhiều với công nghệ nên thông tin đến với các em khá nhiều. Vì thế, để định hướng cho các em có những hiểu biết tích cực, lựa chọn thông tin, kiến thức bổ ích là rất quan trọng, nên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường là rất cần thiết” – Luật sư Hạnh cho biết.
Cũng theo Luật sư Hạnh, kiến thức pháp luật thường khô khan nên khó nhớ ngay cả với người lớn nữa là với các em học sinh. Vậy để các em đón nhận kiến thức pháp luật, đòi hỏi mỗi tuyên truyền viên phải có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực. Không nên chỉ đơn thuần phân tích sâu về quy định của pháp luật mà nên lồng ghép các ví dụ, các tình huống thật (nên lấy các tình huống được dư luận xã hội đang quan tâm) để minh họa cho vấn đề mình cần đề cập.
Nên tạo điều kiện cho các em tương tác càng nhiều càng tốt với tuyên truyền viên. Ngoài việc tuyên truyền viên đặt câu hỏi để các em trả lời, nên tạo điều kiện cho các em đặt câu hỏi cho mình. Sau khi nghe câu hỏi của các em, tuyên truyền viên không nên trả lời ngay, mà hỏi lại câu hỏi đó cho các em khác trả lời, sau đó tổng hợp lại và đưa ra đáp án.
Được biết, trong các buổi “nói luật với trẻ em” của nữ Luật sư Hạnh, luôn có một không khí sôi nổi, thân thiện khi “cô giáo” trông nghiêm nghị thế mà lại mời cả lớp đứng dậy, bật một đoạn nhạc vui hiện hành để cả lớp cùng nhảy theo, cùng hát một bài hát vui nhộn, cùng chơi một trò chơi…
Cũng như thầy giáo Trần Tuấn Anh và như nhiều cá nhân khác có nguyện vọng và quyết tâm mang “mật ngọt” pháp luật đến cho đời, nữ Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh luôn ấp ủ một hình thức tuyên truyền pháp luật cho học sinh THCS và THPT bằng việc tổ chức các phiên tòa giả định phù hợp với lứa tuổi của các em.
“Các luật sư sẽ lên kịch bản, cho các em tự đóng các vai như trong một phiên tòa thực sự. Mỗi một vụ án sẽ là một đề tài về tuyên truyền pháp luật, ví dụ như: “Phòng, chống bạo lực học đường”, “Phòng, chống tác hại của ma túy”, “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”, “Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn”… Mỗi phiên tòa đó sẽ được quay video để làm tài liệu tuyên truyền cho các trường hoặc có thể coi là các tư liệu để thầy, cô dạy môn Giáo dục công dân áp dụng vào các bài giảng của mình” – chị bày tỏ.