Có một Trường Sa ở trong tim

(PLO) - Tháng 7 - mùa tri ân, gia đình ông bà Phạm Văn My - Nguyễn Thị Bích ở xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định nườm nượp các đoàn khách tới thăm. 27 năm đã trôi qua thế nhưng rất nhiều người vẫn tìm tới thăm gia đình Thượng úy Phạm Văn Thiều - Thuyền phó tàu HQ-604. Anh đã anh dũng hi sinh trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vào ngày 14/3/1988 khi tuổi đời còn rất trẻ.
Ông, bà My - Bích và các cháu.
Anh dũng hy sinh
Liệt sỹ Phạm Văn Thiều sinh năm 1959 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha anh là cựu chiến binh Phạm Văn My, năm nay 78 tuổi nhưng đã trên 50 năm tuổi Đảng; mẹ anh - bà Nguyễn Thị Bích nguyên là Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trực Đông, năm nay bà 78 tuổi và cũng đã có 48 năm tuổi Đảng. Anh Thiều có hai người bác ruột đều là liệt sỹ thời kỳ chống Pháp. Mang trong mình nhiệt huyết cách mạng từ gia đình nên anh Thiều luôn tâm niệm “bất cứ khi nào Tổ quốc cần, mình sẵn sàng lên đường”.
Là người có tư chất thông minh và hiếu học, lại có tình yêu và lòng say mê với biển đảo của Tổ quốc nên năm 1977 anh Thiều thi đỗ vào Trường Đại học Hàng hải Hải Phòng, Khoa Thủy thủ. Nhập học được một năm thì anh tình nguyện tham gia quân ngũ. Ngày 25/8/1978, anh Thiều nhập ngũ vào Sư đoàn 403 Quân chủng Hải quân đóng tại Sơn Trà (Đà Nẵng). 
Đến tháng 2/1979, theo sự phân công của cấp trên, anh Thiều được điều động về Lữ đoàn 171, sang chiến đấu tại Campuchia giúp nước bạn đánh Pôn Pôt. Cuối năm 1979, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, anh Thiều về Trường Đại học Hàng hải tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành thủy thủ của mình. 
Sau bốn năm dùi mài kinh sử, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. Năm 1983 tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân loại ưu, anh Thiều được biên chế về Lữ đoàn 125 Quân chủng Hải quân và được phân công giữ trọng trách Thuyền phó của tàu HQ 602. 
Ông My còn nhớ như in những ngày Tết đến Xuân về của năm 1988, đó là những ngày cuối cùng anh Thiều được sống dưới mái ấm gia đình trước ngày lên đường làm nhiệm vụ rồi anh dũng hy sinh. 
Hết phép, ngày mùng 4 Tết anh Thiều trở về đơn vị đóng tại Hải Phòng để chuẩn bị vào công tác ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Khi đến Cam Ranh anh Thiều nhận được lệnh lên đường ra đảo Trường Sa, thay cho một sỹ quan thuyền phó khác. 
Anh Thiều nhận nhiệm vụ làm Thuyền phó của tàu HQ-604 do anh Vũ Phi Trừ làm Thuyền trưởng, lên đường chở cán bộ chiến sỹ công binh ra xây, giữ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, anh Thiều đã hăm hở lên đường bằng tất cả tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm cao.
Di ảnh liệt sỹ Phạm Văn Thiều 
Mãi mãi tuổi 20
Theo lời anh Hoàng (quê phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) là người duy nhất còn sống sót ở tàu HQ-604 kể lại, sau khi quân địch nổ súng vào đài chỉ huy và Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, thì tàu HQ-604 do các Thuyền phó Phạm Văn Thiều và Lê Hoàng lãnh đạo. Các thuyền phó đã cho nổ máy để rời vị trí nguy hiểm nhưng do tàu đã bị quân địch bắn phá chết máy không rời khỏi vị trí được. 
Mặc dù quân địch vẫn tiếp tục nã đạn vào tàu HQ-604 nhưng anh Thiều và anh Hoàng vẫn chỉ đạo tất cả anh em không được rời vị trí; còn bản thân anh Thiều thì dũng cảm, kiên trì ra giật neo tàu, cho đến khi tàu HQ 604 bị địch bắn cháy và chìm dần xuống biển. 
Theo ông My, dù là người được điều động đi thay vị trí của một thuyền phó khác của tàu HQ-604 nhưng liệt sỹ Phạm Văn Thiều đã hoàn thành trọng trách thuyền phó, chỉ huy tàu HQ-604 và hy sinh anh dũng vẻ vang, lẽ ra anh Thiều phải được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang. 
Ông My nói thêm: “Tôi nghĩ sao nói vậy thôi, chứ gia đình không đòi hỏi, đề nghị phải truy tặng danh hiệu anh hùng cho Thiều. Nhiều người khuyên gia đình phải có ý kiến đề nghị - việc làm đó rất vẻ vang và chính đáng, địa phương họ cũng rất ủng hộ”.
Bà My thì lẩm nhẩm như nói với chính mình: “Nếu còn sống, Thiều nhà tôi năm nay đã 56 tuổi rồi. Bạn bè cùng trang lứa có người đã có con dâu, con rể, lên ông, lên bà trong khi Thiều thì vẫn “mãi mãi tuổi 20” như thế…”. 
Nhưng bà Bích bảo, nếu được làm lại từ đầu, gia đình cũng vẫn cho người con trai duy nhất của mình tham gia quân ngũ; và nếu được bắt đầu lại, chắc chắn anh Thiều cũng vẫn chọn màu áo hải quân, nguyện đem xương máu bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.        
Có một Trường Sa ở trong tim
Với sự hy sinh anh dũng của mình, liệt sĩ Phạm Văn Thiều đã được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất. 27 năm kể từ mùa Xuân ấy anh Thiều ra đi không trở về, hàng năm vào dịp 27/7 và Tết Âm lịch, đơn vị cũ của anh Thiều và các tổ chức, doanh nghiệp vẫn về thăm, tặng quà tri ân gia đình liệt sĩ. 
Năm 2013 anh em, bạn bè đồng môn của anh Thiều đã chung tay người góp công, người góp của xây dựng cho ông bà My- Bích ngôi nhà mới khang trang, tiện nghi để ông bà yên tâm vui sống an nhàn những năm tháng về già, cũng là nơi thờ cúng liệt sĩ Thiều. Ông bà My cũng thấy ấm lòng vì điều đó. 
Tôi nhớ mãi lời tâm sự của bà giáo già lúc chia tay: “Vợ chồng tôi đã già lắm rồi, sức khỏe ngày một sa sút nên tôi biết khát khao cháy bỏng được một lần ra đảo Trường Sa ngày càng xa vượt tầm tay. Dù không ra đảo nhưng Trường Sa vẫn mãi mãi ở trong trái tim tôi. Nơi ấy, bao lớp người Việt Nam Anh hùng đã không quản máu xương gìn giữ. Và nơi ấy, phần máu thịt của con trai tôi đổ xuống để tô thắm màu cờ Tổ quốc thiêng liêng…”./.

Đọc thêm