Người nước ngoài không ngớt lời khen ngợi
Việt Nam dù không phải là quốc gia giàu có nhất, có nguồn lực mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, cả châu Á nói chung nhưng lại sở hữu sức mạnh tập thể đáng nể phục, thậm chí đã trở thành “hình mẫu” phòng, chống, kiểm soát dịch Covid -19 trong mắt bạn bè quốc tế.
Theo tờ The New York Times (Mỹ), nhờ những biện pháp kịp thời mà hiệu quả, Việt Nam đã đảm bảo tỷ lệ lây nhiễm virus thấp hơn so với nhiều nước láng giềng; trong đó phải kể đến Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng hạn chế các chuyến bay nội địa, dừng tất cả các cuộc họp trong hai tuần và thực hiện cách ly khoảng 57.000 người để kiểm soát sự lây lan của vi rút.
Đài BBC dẫn các đánh giá của các chuyên gia y tế, xã hội, khẳng định Việt Nam đã nhận thức đúng đắn về tính nguy cấp của đại dịch từ sớm, phản ứng một cách hết sức thận trọng và nghiêm túc, đồng thời Chính phủ Việt Nam đã xác định được những “thời điểm quan trọng” để quyết định cục diện sắp tới. Trong bài viết của nhà báo người Anh Sean Fleming trên trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Geneva (www.weforum.org) ngày 30/3, ông đã ví Việt Nam như là “ngọn hải đăng” về cách phòng chống dịch hiệu quả chỉ với các nguồn lực hạn chế.
Một bài báo khác được đăng tải trên tuần báo l’Obs của Pháp bởi một người Pháp sống ở Việt Nam đã khẳng định “Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu” trong cuộc chiến này, “chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn và áp dụng từng bước một”.
Mới đây, trang mạng zen.yandex.ru của Nga – trang tìm kiếm lớn thứ tư thế giới, đã đăng tải bài viết “Việt Nam - hình mẫu về cách thức kiềm chế đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong điều kiện hạn chế”. Bài báo nhấn mạnh tính hiệu quả của các biện pháp cơ bản như xét nghiệm có chọn lọc, kiểm soát tình hình, cách ly những người nhiễm bệnh và theo dõi tất cả những trường hợp có tiếp xúc với người bệnh, giãn cách xã hội… và đã trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia khác.
Báo Komsomolskaya Pravda (Nga) khẳng định Việt Nam rất “kiên cường” trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Mặt khác, tờ Deutsche Welle (Đức) khẳng định nguyên nhân thành công của Việt Nam chính là bởi hệ thống giám sát công cộng rộng rãi, Chính phủ sử dụng lực lượng quân đội có kỷ luật, được người dân tin cậy và tôn trọng để tham gia chống dịch.
Theo đó, “mọi người đang làm tất cả những gì có thể vì họ tin vào Chính phủ trong cơn khủng hoảng này và tin vào thành công của cuộc chiến chống virus Corona”. Đồng tình, tờ Financial Times (Anh) cho rằng Việt Nam đã “trở thành hình mẫu về kiềm chế đại dịch” nhờ có ban lãnh đạo quyết đoán.
|
Dù khó khăn, Việt Nam vẫn nỗ lực viện trợ nước khác chống dịch |
Và nhiều biện pháp khác mà Việt Nam áp dụng cũng được báo chí quốc tế ghi nhận. Báo Evening Standard (Anh) đánh giá cao điều kiện sinh hoạt của công dân Việt Nam và du khách nước ngoài tại các trung tâm cách ly. Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin Việt Nam đã bổ sung 190.000 tấn gạo vào kho dự trữ nhằm đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho nhân dân cả nước trong thời gian bùng phát đại dịch và tạm ngưng việc xuất khẩu gạo.
Tờ National Post (Canada) thông báo rằng Bộ Tài chính Việt Nam tuyên bố sẽ cung cấp gói 80.000 tỷ đồng (3,39 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi Covid -19. Tờ The Diplomat cũng đăng tải bài viết đề cập tới tấm gương của các cá nhân ở Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch.
Theo bài viết: “Có thể thấy nhiều sự hy sinh của các cá nhân ở Việt Nam đã được ghi nhận và mang nhiều ý nghĩa tích cực. Ví dụ, những chiến sỹ quân đội Việt Nam nhường chỗ ngủ cho những người đến cách ly tại cơ sở cách ly do quân đội quản lý - hình ảnh được lan truyền rộng rãi trên truyền thông xã hội”.
Càng khó khăn, càng “tương thân tương ái”
Ngày 9/4, trong một buổi họp báo trực tuyến của Bộ Ngoại giao, đại diện hãng tin tức AFP (Pháp) đã đặt câu hỏi: “Việc Việt Nam chuyển khá nhiều vật tư, trang thiết bị y tế sang các nước khác, trong đó có cả hợp đồng xuất khẩu và viện trợ, có phải là dấu hiệu chứng tỏ cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam đã thành công?”
Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Mặc dù dịch có diễn biến phức tạp ngay trong nước, nhưng Chính phủ Việt Nam, trong khả năng của mình, vẫn nỗ lực để ủng hộ vật tư y tế với một số nước chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc; và các nước đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề như Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Pháp”.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cũng nỗ lực tích cực trong việc góp sức hỗ trợ các quốc gia khác đẩy lùi dịch bệnh. Trên thực tế, Việt Nam đã viện trợ nhiều thiết bị y tế cho Lào, Campuchia; tặng 550.000 khẩu trang kháng khuẩn cho các nước châu Âu; xuất hơn 450.000 bộ đồ bảo hộ sang Mỹ… Động thái này đã nhận được cái nhìn nhận thiện cảm của bạn bè quốc tế. Trong đó, có thể kể tới việc Việt Nam sản xuất đồ bảo hộ cho nhân viên y tế chống Covid-19 của Mỹ và đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi lời cảm ơn trên Twitter.
Nhìn lại trong nước, mới đây, trên trang Hanoi Massive Community, cộng đồng người nước ngoài tại Hà Nội đã đăng tải những bức ảnh với nhiều thông điệp cảm ơn đến những người đang ở tuyến đầu chống dịch Covid -19 tại Việt Nam. Đây là dự án truyền thông có tên “Vietnam We Thank You – Việt Nam cố lên” do anh Wayne Worrell, một giáo viên người Anh đang làm việc tại Hà Nội kêu gọi mọi người thực hiện.
Tham gia dự án này rất đa dạng, có người đến từ Anh, Mỹ, người đến từ Đức, Lavita, Romania… nhưng họ đều có điểm chung là mong muốn bày tỏ sự cảm kích sâu sắc sau những gì họ đã trải qua. Các hình ảnh được đăng tải cùng dòng chia sẻ: “Việt Nam, chúng tôi yêu bạn. Gửi đến tất cả các bác sĩ, y tá, quân sự, cảnh sát và tình nguyện viên lời cảm ơn các bạn vì sự hy sinh to lớn để chúng tôi được an toàn. Việt Nam cố lên!”; “Nhờ có sức mạnh của các bạn mà tôi can đảm hơn rất nhiều. Tôi thật lòng biết ơn các bạn”;…
|
Người nước ngoài cảm ơn Việt Nam |
Nếu tìm kiếm từ khoá “Vietnam and covid” trên trang Google, ngay lập tức sẽ hiện ra khoảng 586 triệu kết quả chỉ trong khoảng 0.5 giây. Người tìm có thể thấy những bài viết, bài cập nhật về tình hình phòng chống dịch Covid -19 tại Việt Nam từ nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Phần lớn đều tò mò về nguyên nhân tại sao một đất nước đang phát triển, với lượng dân cư đông đúc, chỉ cách ổ dịch đầu tiên Vũ Hán chỉ 3 giờ bay, lại có thể trở thành một “pháo đài kiên cố” trước căn bệnh quái ác.
Và rồi sau đó, phần lớn mọi người cũng nhanh chóng nhận ra một bài học hết sức hiển nhiên. Đó là nguồn sức mạnh to lớn từ một tập thể đồng lòng nhất trí. Đối với các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ…, quyền tự do cá nhân là vô giá; chính vì thế nhiều người dân đã phẫn nộ và phản đối khi chính phủ yêu cầu hạn chế di chuyển, cách ly, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Nhưng tại Việt Nam, điều này đã hầu như không xảy ra.
Người dân chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, thậm chí giám sát lẫn nhau với cùng một mục tiêu chung: đẩy lùi dịch bệnh để cả nước quay trở lại làm việc và sinh sống bình thường. Kết quả nhãn tiền đã phần nào được kiểm chứng trên thực tế. Dù Việt Nam vẫn đang trong quá trình gay go nhất để kiểm soát dịch bệnh, đã có nhiều thông tin tích cực được đưa ra, ví như vẫn chưa có ca tử vong nào, nhiều ngày chưa có ca nhiễm mới, số ca khỏi bệnh tăng dần theo thời gian…
Đến đây, người viết nhớ đến một nhận định của Giáo sư Trần Ngọc Thêm. Trong tác phẩm “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, ông đã chỉ ra rằng: “Đối với người Việt, khi đứng trước những khó khăn lớn, những nguy cơ đe dọa sự sống còn của cả cộng đồng thì cái nổi lên sẽ là tinh đoàn kết và tính tập thể; nhưng khi nguy cơ ấy qua rồi thì có thể là thói tư hữu và óc bè phái, địa phương lại nổi lên”.
Đồng tình rằng, xã hội và gia đình Việt Nam có một tổ chức rất cao từ sự gắn bó chặt chẽ giữa các thế hệ, người dân Việt Nam cũng có nhiều đức tính truyền thống đáng khâm phục như lòng yêu nước, cần cù, hiếu học, “tương thân tương ái”…
Song, tuy nhận được rất nhiều đánh giá tích cực trong thời gian vừa qua, nhưng khách quan mà đánh giá thì người Việt vẫn có những nhược điểm nhất định. Ví dụ, sự ích kỉ, gian dối, vô kỷ luật, thiếu tổ chức của một số cá nhân có thể huỷ hoại nỗ lực của toàn bộ số đông, khiến cho quá trình kiểm soát dịch chậm lại và khó khăn hơn. Dù vậy, vẫn mong rằng những phẩm giá tốt đẹp của người Việt thể hiện trong giai đoạn chống dịch sẽ tiếp tục được phát huy sau khi dịch bệnh kết thúc, thậm chí đến cả ngàn đời sau.