Có nên bình đẳng tuổi hưu giữa lao động nam và nữ?

(PLVN) - Ngày 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)”.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

TS. Nguyễn Xuân Thu, PGĐ Học viện Tư pháp cho rằng, Việt Nam là một trong rất ít quốc gia có quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ khác nhau, mà lại là sự khác biệt khá lớn (5 tuổi). “Quy định này đã trở nên lạc hậu so với xu hướng phát triển chung. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ở nước ta là thực sự cần thiết”, TS.Thu nói.

Lấy dẫn chứng kết quả điều tra về mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2006 của Tổng cục Thống kê cho thấy, phụ nữ trong độ tuổi 50-59 không hề yếu hơn nam giới cùng tuổi, thậm chí trung bình mỗi năm phụ nữ ít báo ốm và ít phải nằm viện hơn nam giới cùng tuổi, ông Thu đề nghị cần bình đẳng tuổi hưu giữa lao động nam và nữ, vì phụ nữ có khả năng làm việc tương đương nam giới. Nếu lao động nữ nghỉ hưu sớm quá sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, giảm cơ hội việc làm và thăng tiến của họ.

“Việc tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tiệm cận bằng tuổi nghỉ hưu của nam sẽ thực hiện tốt hơn nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực an sinh xã hội nói chung và chế độ bảo hiểm hưu trí nói riêng”, TS Thu nói.

PGS,TS Nguyễn Văn Định, nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, lẽ ra phải tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2010, bởi các quy định pháp luật thường có độ trễ, không thể nói là làm được ngay. “Từ thực tiễn của nhiều nước, tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều tác động tích cực đến các vấn đề kinh tế- xã hội, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới và rút ngắn khoảng thời gian lương hưu, mở rộng diện bao phủ trợ cấp xã hội cho người già”, ông Định nói.

Nêu quan điểm cần phân biệt tuổi nghỉ hưu và tuổi làm việc, GS TS Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng những người về hưu không có nghĩa là không làm việc, thậm chí nhiều người làm việc còn nhiều hơn lúc đương chức: “Bác sĩ chúng tôi, nhất là những bác sĩ giỏi, dù về hưu nhưng thu nhập còn cao hơn nhiều so với khi còn làm Nhà nước, bản thân tôi cũng như vậy...”.

Nhấn mạnh đến việc cần làm rõ khái niệm “tuổi thọ trung bình” và “tuổi sống khỏe mạnh”, TS Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay: Tuổi thọ bình quân của Việt Nam tuy cao hơn tuổi thọ trung bình thế giới và được dự đoán sẽ tăng lên 75 tuổi vào năm 2030, nhưng sức khỏe người cao tuổi Việt còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ sống khỏe mạnh vào năm 2018 chỉ khoảng 64, tương đương với khoảng 10 năm bệnh tật. “Nên quan tâm đến tuổi thọ khỏe mạnh chứ không phải tuổi thọ trung bình, dự báo đến 2030, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam là 68 tuổi, vì thế tăng tuổi hưu phải xoay quanh độ tuổi này”, bà An nêu ý kiến.

Vẫn theo TS An, quy định tuổi nghỉ hưu cố định sẽ khó có thể phù hợp với nhiều nhóm người lao động mà đòi hỏi một chính sách nghỉ hưu linh hoạt hơn. Thực tế cho thấy nhiều lao động ở nước ta còn làm việc đến 65 tuổi là những lao động ở nhóm trí thức, đội ngũ giáo viên, bác sĩ sau nghỉ hưu và nhận việc tiếp tục làm trước nghỉ hưu. Đặc biệt lao động thuộc lực lượng vũ trang khi nghỉ hưu ở độ tuổi còn rất trẻ, khỏe; thậm chí nam giới mới 50 tuổi đã nghỉ hưu, hầu hết đều tìm kiếm việc làm thêm tùy thuộc trình độ, năng lực mỗi người.

Đọc thêm