Hôn nhân nhiều biến tướng, trẻ em gánh hậu quả
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, tỷ lệ ly hôn và ly thân có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 1989-2016. Cụ thể, tỷ lệ ly thân, ly hôn của người dân từ 1,3% (1989) tăng lên 2,3% (2016). Cùng với đó, vấn đề không đăng ký hết hôn vẫn còn tồn tại trong quan hệ hôn nhân của người dân, do các nguyên nhân như: tảo hôn, thiếu hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, sự tồn tại của hôn nhân không đăng ký kết hôn trong nhiều thập kỷ qua đã để lại nhiều hậu quả đáng tiếc như người dân coi thường pháp luật, xảy ra tranh chấp tài sản của các bên khi ly hôn, gây khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, không đảm bảo quyền và lợi ích cho vợ, chồng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.
Cùng với đó, số lượng hôn nhân với người nước ngoài qua môi giới có số lượng ngày càng tăng. Những cuộc hôn nhân qua môi giới đáp ứng được mục đích kinh tế cho các cô dâu Việt, nhưng cũng tạo ra nhiều hệ quả nặng nề. Sự thiếu hiểu biết của các cô dâu trước khi xuất cảnh làm hạn chế khả năng thích ứng, giáo dục, chăm sóc con cái và tăng nguy cơ bạo lực.
Trong bối cảnh có nhiều biến đổi trước tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những biến đổi về đa dạng cấu trúc và chức năng gia đình đã khiến cho nhiều gia đình không thích ứng và kiểm soát được các mối quan hệ, dẫn đến tình trạng rối loạn cấu trúc, rối loạn chức năng và khủng hoảng gia đình khiến cho tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại không ngừng tăng lên.
Nghiên cứu “Chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong gia đình Việt Nam hiện nay: Một số thách thức” của TS Đặng Bích Thủy - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho thấy những thách thức mà các gia đình đang phải đối mặt đó là: cha mẹ thiếu thời gian dành cho con; thiếu kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em; thiếu kỹ năng phương pháp dạy con cái; thiếu kỹ năng và kiến thức trong cung cấp kiến thức tự bảo vệ bản thân của trẻ em.
Việc không đủ thời gian chăm sóc con cái do quá bận với việc làm ăn kinh tế của một bộ phận gia đình dẫn tới tình trạng con cái bị bỏ rơi, cô đơn, không được quan tâm dễ dẫn đến chứng bệnh trầm cảm. Sự hạn chế về kiến thức dinh dưỡng cho trẻ em là rào cản quan trọng đối với chức năng chăm sóc trẻ em trong gia đình.
Việc bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực trong một bộ phận gia đình không những chưa thực hiện tốt mà còn có nhiều bằng chứng về việc trẻ em bị bạo lực ngay trong chính gia đình mình.
Chính sách an sinh xã hội nên hướng đến gia đình
Trong xã hội phương Đông, gia đình là một thiết chế an sinh xã hội truyền thống có vai trò quan trọng trong chăm sóc và đảm bảo đời sống cho các thành viên. Tuy nhiên hiện nay, gia đình truyền thống bị tác động và suy yếu bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến cho gia đình - nguồn an sinh truyền thống bị phá vỡ. Và vấn đề này cũng có ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội (ASXH) của quốc gia.
Cụ thể, theo GS.TS Đặng Nguyên Anh - Viện Hàn lâm KHXHVN, gần đây thảo luận chính sách hướng vào việc các gia đình tự an sinh cho chính mình thông qua năng lực tự phòng ngừa, thích ứng và khắc phục rủi ro. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của gia đình đối với chính sách ASXH.
Song cũng cần nhận thấy những giới hạn của phương thức "tự an sinh" do quá tải về thời gian, nguồn lực đối với gia đình trong cuộc sống hiện đại. Các thành viên nữ vẫn phải lo toan việc nhà, đi làm, đồng thời phải chăm sóc các thành viên khác. Chức năng kinh tế, chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm được nhấn mạnh trong các gia đình hiện đại, nhưng sự phúc lợi và tình thương không được chia sẻ công bằng.
Nguy cơ đổ vỡ gia đình, ly hôn luôn tiềm ẩn từ nguyên nhân bất bình đẳng giới, xung đột thế hệ, tranh chấp kinh tế và những mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân thường ngày. Vì thế, sự can thiệp của Nhà nước thông qua các quy định, chính sách là cần thiết bởi gia đình không thể tự an sinh, tự lo toan trong các trường hợp đó.
Thực tế hiện nay có rất ít chính sách ASXH dành cho gia đình (lấy gia đình làm đơn vị thụ hưởng hoặc can thiệp). Ngoại trừ một số chính sách đối với những gia đình có công, các hộ nghèo... Song hầu hết các chính sách ASXH mới chỉ gắn với cá nhân thành viên chưa tiếp cận theo hộ gia đình như chính sách trợ giúp người cao tuổi, khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ người khuyết tật….
“Mạng lưới ASXH truyền thống dựa trên gia đình đang bị suy giảm, trong khi các thiết chế ASXH hiện đại lại chưa hình thành hoặc chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốt nhu cầu của xã hội. Việc củng cố lại chức năng gia đình nhằm đảm bảo ASXH là rất cần thiết, đồng thời cần phải có sự chuyển hướng. Một trong những giải pháp là tập trung đầu tư ASXH từ cấp cá nhân lên cấp độ hộ gia đình, chú trọng vai trò của cộng đồng, nhất là với những ai không có khả năng thay đổi hoàn cảnh và điều kiện sống. Thực tế cho thấy nơi nào gia đình và cộng đồng làm tốt ASXH thì nơi đó gánh nặng an sinh được giảm bớt” – theo GS.TS Đặng Nguyên Anh.
Có ngày nghỉ để sum vầy gia đình sẽ tạo ra thay đổi tích cực về tiến bộ xã hội
"Để bảo đảm ý nghĩa thực sự của ngày nghỉ lễ trên toàn quốc, áp dụng với mọi giai tầng xã hội, tôi tán thành đề xuất lấy ngày 28/6 - Ngày gia đình Việt Nam. Tôn vinh Ngày Gia đình hướng tới các giá trị truyền thống theo lời dạy của Bác Hồ: "Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn", là việc làm ý nghĩa và cần thiết hiện nay, khi ngày càng nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến sự gắn bó, bền vững của gia đình, vốn là nền tảng cho bền vững xã hội.
Ngày 28/6 nằm ở khoảng giữa giai đoạn gần 4 tháng không có ngày nghỉ lễ nào, cũng là thời điểm giữa mùa hè. Phương án này không chỉ là lựa chọn tốt nhất về thời điểm, mà còn thuận lợi để người lao động kết hợp ngày nghỉ phép năm, đưa con cái về quê hoặc đi du lịch, nghỉ mát, tạo ra thay đổi tích cực về tiến bộ xã hội" - Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam)
Xem xét xây dựng luật về gia đình
“Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần xem xét xây dựng bộ luật về gia đình nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, tăng cường giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về gia đình. Chính phủ và các thành viên Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình, thí điểm thành lập Phòng gia đình cấp tỉnh lồng ghép các yếu tố liên quan đến công tác gia đình như trẻ em, người cao tuổi...”. - T.S Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ VHTTDL.