Hơn 3.000 trẻ đang sống trong các cơ sở tôn giáo
Thời gian qua, không ít trẻ em bị bỏ rơi trước cổng chùa. Âu đó cũng là 1 cách mà người ta hy vọng cửa chùa rộng mở sẽ cho đứa trẻ 1 con đường sống. Gần đây nhất là việc sư trụ trì chùa Phú Nhi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội mở cổng chùa thì phát hiện một bé gái sơ sinh nặng 3,7 kg, vẫn còn dây rốn, để trong hộp bìa các tông, kèm theo phong bì có số tiền 835.000 đồng.
Ngay sau khi thấy cháu bé, sư trụ trì chùa đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muốn đã tìm đến với mong muốn được nhận cháu bé về nuôi. Tuy nhiên, nhà chùa đã quyết định sẽ nuôi cháu bé.
“Chúng tôi sẽ chăm sóc cháu bé một cách tốt nhất. Mong rằng, sau này người thân của cháu sẽ quay lại chùa đón bé. Tuy nhiên, nếu điều đó không xảy ra, nhà chùa cũng sẽ cố gắng để cháu được lớn lên trong môi trường tốt nhất”, sư trụ trì chùa Phú Nhi nói.
Theo số liệu thống kê, qua 6 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi, tại 33 tỉnh, thành phố trên toàn quốc có 3.269 trẻ em sinh sống tại các cơ sở tôn giáo (nhà chùa). Phần lớn trẻ em thuộc diện bị bỏ rơi, cha mẹ không đủ điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng trẻ hoặc là con ngoài giá thú. Nhiều địa phương cho biết, việc nhà chùa tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em đang có chiều hướng gia tăng.
Trẻ em bị cha mẹ đẻ “để quên” tại chùa vốn dĩ rất đáng thương nên chuyện nhà chùa, sư trụ trì chùa chăm sóc, nuôi dưỡng các bé cũng là việc làm hết sức nhân đạo. Tuy nhiên, nhà chùa không phải là môi trường gia đình lý tưởng cho trẻ phát triển, các sư thay thế hoàn toàn cha, mẹ của chúng.
Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trong điều kiện như vậy không đáp ứng đặc điểm, nhu cầu và thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ em. Mặc dù nhà chùa hoặc các sư trụ trì không ép buộc trẻ em theo đạo giáo của mình nhưng việc sống tại chùa, cơ sở thờ tự lâu dài ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em.
Nhà chùa hoặc sư trụ trì chỉ có thể tiếp nhận trẻ em vào chăm sóc nuôi dưỡng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập của một cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP và Nghị định số 81/2012/NĐ-CP (đã có những cơ sở tôn giáo được công nhận là cơ sở bảo trợ xã hội, đặc biệt có cơ sở tôn giáo được chỉ định giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài như Nhà Tình thương Tổ đoàn kết Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Như vậy, trong trường hợp nhà chùa không đáp ứng được điều kiện và thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội thì việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em lâu dài cũng sẽ có vấn đề về phương diện pháp lý. Không những thế, còn gây khó khăn cho việc tìm gia đình nuôi dưỡng sau này.
Bởi lẽ thủ tục đăng ký nuôi con nuôi sẽ gặp khó khăn trong trường hợp nhà chùa không có tư cách pháp nhân của một cơ sở bảo trợ xã hội như luật định. Trong trường hợp này, hồ sơ trẻ em sẽ thiếu nhiều loại giấy tờ như Quyết định tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng, ý kiến của những người liên quan (sư trụ trì, nhà chùa không phải là người giám hộ cho trẻ).
Đăng ký con nuôi là không có cơ sở pháp lý
Qua đánh giá tình hình thực hiện Luật Nuôi con nuôi 2010, các địa phương đều nhận thấy việc các sư trụ trì, nhà chùa nhận trẻ em sống trong chùa hoặc các cơ sở tôn giáo làm con nuôi có phần không phù hợp, không đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho trẻ em.
Để vận động, thuyết phục nhà chùa và sư trụ trì, một số địa phương đã phát huy vai trò của công tác phối hợp liên ngành giữa UBND tỉnh thành, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục, Sở Y tế, Ban Tôn giáo tỉnh ủy hoặc Mặt trận Tổ quốc thực hiện các hoạt động về nuôi con nuôi và cùng giải quyết vấn đề nuôi con nuôi nhà chùa.
Nhiều địa phương tổ chức nói chuyện và giải thích để các sư trụ trì làm đúng theo quy định pháp luật khi có trẻ em bị bỏ rơi tại chùa cũng như vận động, thuyết phục nhà chùa và sư trụ trì chuyển trẻ em vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc và nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, không phải sư trụ trì nào cũng đồng tình với việc giao lại trẻ em vào cơ sở bảo trợ xã hội thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để các cháu được hưởng chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng của Nhà nước, được sống trong gia đình thay thế phù hợp.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp nêu quan điểm, Điều 2 Luật Nuôi con nuôi quy định mục đích của việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.
Việc nuôi con nuôi của người tu hành không đáp ứng mục đích nêu trên, vì những người tu hành có nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và tập trung cho việc thực hiện các nghi lễ của cơ sở tôn giáo nên không có điều kiện để chăm sóc cho trẻ em được nhận nuôi như những người cha, mẹ bình thường, không đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình theo truyền thống.
Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia trợ giúp, chăm sóc trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Có điều, cần tách bạch giữa việc chăm sóc trẻ em vì mục đích từ thiện với việc tìm cho trẻ em một mái ấm gia đình bình thường.
Nhằm hạn chế tình trạng này, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp quán triệt những nội dung trên cho UBND cấp xã tại địa phương; thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành, tuyên truyền để cơ sở tôn giáo thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định pháp luật nếu đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em.
Đồng thời, nếu trẻ em cần tìm gia đình thay thế thì phải lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi, rà soát, đánh giá điều kiện của các cơ sở trợ giúp xã hội trong giải quyết việc nuôi con nuôi.