Có những bài viết biến ước nguyện thành hiện thực

(PLVN) - “Siêu nhân không tay” Hoa Xuân Tứ (SN 1950, quê ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) từng là “thần tượng” thiếu niên Việt Nam những năm 1960 về nghị lực phi thường vượt lên số phận, là nguyên mẫu trong nhiều tác phẩm văn học. Nhưng gần cả cuộc đời ông sống khốn khó nơi miền quê nghèo xứ Nghệ, có lúc bươn chải từng bữa ăn.
TS Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo PLVN trao quà cho gia đình ông Hoa Xuân Tứ tại trụ sở Báo PLVN.

Tháng 3/2012, PLVN đăng tải bài viết “Góc khuất 45 năm cuộc đời sau khoảnh khắc được tôn vinh của “siêu nhân” Hoa Xuân Tứ”. Từ bài viết này, PLVN đã giúp ông hoàn thành ước nguyện đau đáu gần nửa thế kỷ.

Góc khuất những số phận

Thế hệ thiếu niên thập niên 60 – 70 vẫn nhớ về nhân vật Hoa Xuân Tứ với kỳ tích không có tay do một tai nạn từ nhỏ, Tứ dùng chân để viết, mò cua, bắt ốc, chăn trâu giúp gia đình; tập bơi bằng chân và một mình bơi qua sông Lam; dùng bả vai kẹp bút vào cổ viết mà chữ vẫn đẹp ngay ngắn; tự mình đi thu nhặt giẻ lau súng đưa nước giúp bộ đội cao xạ bắn máy bay Mỹ… 

Hoa Xuân Tứ được vinh danh Cháu ngoan Bác Hồ, được bác sĩ Tôn Thất Tùng điều trị lắp tay giả. Ông trở thành tấm gương phấn đấu phi thường của cả một thế hệ, là nhân vật được nhắc tới trong hàng loạt bài báo, nhạc phẩm và tác phẩm văn chương. Trên khắp các miền quê đều vang lời hát: “Con chim không cánh mà vẫn biết bay, như vẫn còn đây đẹp hai bàn tay…, Hoa Xuân Tứ người bạn hiền ta yêu biết mấy, cụt cả hai tay mà đời vẫn vui thay…”.

Sau những ngày tháng được tôn vinh, Hoa Xuân Tứ vẫn sống khốn khó. Nhà quá nghèo, thi đại học cũng không xem kết quả, ông Tứ lấy vợ, lần lượt sinh 5 con. Một người con gái còn tật nguyền nằm một chỗ mấy chục năm. Dân làng đặt vè nói nhà ông Tứ nghèo đến nỗi cột nhà cũng mọc rễ.

Lũ lụt đã cuốn trôi cả đôi tay giả và thư từ địa chỉ liên lạc những nhà văn, nhà báo, những người bạn đã giúp đỡ cậu bé Tứ khi điều trị ngoài Hà Nội. Ước mong khắc khoải nhất suốt nửa thế kỷ của ông là được gặp lại, được nói lời cảm ơn những cố nhân một thời, đặc biệt là “chú Sơn Tùng”, người đầu tiên viết về cậu bé Tứ không tay. Nhưng cảnh nghèo khó, ông không có cách gì tìm lại cố nhân.

Xúc động trước hoàn cảnh của Hoa Xuân Tứ, PLVN đã ủng hộ vật chất giúp gia đình ông bớt khó khăn và tìm gặp lại nhà văn Sơn Tùng. Sơn Tùng (tên thật là Bùi Sơn Tùng, SN 1928, quê Nghệ An) sống tại khu tập thể Văn Chương ở Hà Nội. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011, là nhà báo chiến trường dũng cảm, nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm như “Búp sen xanh”, “Nhớ nguồn”... 

Thật bất ngờ là dù chưa gặp mặt nhưng gia đình nhà văn đều rất quen thuộc với cái tên Hoa Xuân Tứ. Theo gia đình Sơn Tùng, ông viết loạt bài về cậu bé Tứ trong thời gian công tác tại Khu Bốn (tên gọi cũ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình).

 Nhà văn Sơn Tùng nghe đọc bài viết về Hoa Xuân Tứ.

Một lần, nhà văn được Bác Hồ hỏi vui: “Chú viết gương Hoa Xuân Tứ tàn mà không phế, chú có bịa ra mấy chục phần trăm thì khai thật với Bác đi”. Sơn Tùng cảm động trước sự quan tâm của Bác và thưa với Bác câu chuyện là “thật 100%”. Từ bài viết này, Hoa Xuân Tứ được nhiều người biết đến và được đặc cách tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 1966. 

Năm 1971, lúc 43 tuổi, Sơn Tùng bị thương nặng, trở thành thương binh ¼, thân hình găm đầy mảnh đạn và bàn tay co quắp, phải lấy dây buộc bút vào hai ngón tay để bắt đầu tập viết, buộc thân mình vào ghế cho khỏi ngã, vết thương rỉ máu ướt đỏ vai áo… Hàng ngàn trang bản thảo giá trị đã ra đời trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy. 

Cuộc hội ngộ sau gần nửa thế kỷ

Sau khi PLVN đăng tải bài viết, mối liên lạc đứt đoạn hàng chục năm giữa nhà văn Anh hùng và thiếu niên anh hùng đã được nối lại. 

Khi PV đến thăm, báo tin, nhà văn đang phải chiến đấu với căn bệnh tai biến xuất huyết não, nằm liệt giường và không nói được nhiều. Nghe đọc bài báo về Hoa Xuân Tứ, ông nghèn nghẹn khóc, bàn tay xương xương khó nhọc nắm lấy tay PV. 

Con trai nhà văn Sơn Tùng kể: “Khi nghe được giọng nói của anh Tứ ở Hưng Nguyên gọi ra, ba tôi đã khóc. Khi nghe đọc bài báo đăng trên PLVN ba tôi đã xúc động mà rơi lệ nhiều lần. Ba mẹ tôi vẫn chờ mong được gặp người bạn nhỏ tật nguyền năm xưa đã đem đến cho ba tôi nguồn nghị lực lớn trong sự nghiệp sáng tác văn chương. Trước đây ba tôi có kể, ngày bị thương nặng được chuyển từ miền Nam ra, khi đến binh trạm thành Vinh năm 1972, chợt nhớ tới Hoa Xuân Tứ mà mình đã viết và thầm nghĩ, phải học tập nghị lực ấy để phấn đấu vượt qua cơn hiểm nghèo…”. 

 Cuộc hội ngộ tháng 8/2012.

Từ ngày nối được liên lạc, ông Tứ thường xuyên điện ra hỏi thăm và mong đến ngày gặp lại cố nhân. 

Tháng 8/2012, Báo PLVN đã tổ chức chuyến đi 3 ngày đưa Hoa Xuân Tứ cùng vợ và cháu đích tôn 9 tuổi ra Hà Nội thăm nhà văn Sơn Tùng, thực hiện ước mơ tri ân cố nhân đã canh cánh suốt cuộc đời. Gia đình nhà văn đã gọi cuộc gặp gỡ là “mối nhân duyên non nửa đời người”. 

Ngày gặp lại đầy nụ cười và nước mắt. Hoa Xuân Tứ không tay, muốn được ôm nhà văn nhưng không thể, đưa mái đầu dụi nhẹ vào Sơn Tùng. Nhà văn nằm liệt, những ngón tay chỉ có thể khẽ cử động, đôi môi mấp máy. Chỉ còn ánh mắt nhìn nhau và nước mắt lặng lẽ rơi.

Trong hành trình 3 ngày tại Hà Nội của gia đình Hoa Xuân Tứ năm 2012, PLVN đã có buổi gặp gỡ gia đình ông Tứ tại trụ sở cơ quan. Tiến sĩ Đào Văn Hội, Tổng Biên tập đã bày tỏ niềm xúc động trước tinh thần vượt lên số phận của người anh hùng đời thường và hy vọng sự chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần của Báo sẽ giúp gia đình ông Tứ bớt đi nhiều khó khăn.  

 Ông Hoa Xuân Tứ tại ao cá Bác Hồ trong Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.

Báo PLVN đã hỗ trợ cho nhân vật gặp lại một số người thân sau nhiều năm mất liên lạc, đồng thời tổ chức đưa gia đình ông Tứ đi thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh… 

Trước đó, nhờ số tiền Báo PLVN giúp đỡ, ông Tứ đã trả được nợ ngân hàng, rút sổ đỏ, vẫn còn dư để dành. Và để tỏ lòng cảm ơn, ông đã viết một lá thư thật đẹp bằng vai và cằm, còn mang rất nhiều lạc từ quê ra Hà Nội. Những bao lạc đã được sấy khô là thành quả từ vụ lạc vừa thu hoạch xong. Còn có đường và dầu lạc đều là những món “cây nhà lá vườn” do chính bác nông dân không tay làm ra.

Đọc thêm