Kinh nghiệm không hẳn đã tạo nên sự an toàn
Một bạn đọc ở Quảng Nam cho biết: Chồng tôi làm nghề lái xe ô tô, đã có thâm niên trong nghề và nổi tiếng là người cẩn thận, nên luôn tạo được tâm lý yên tâm và an toàn cho mọi người khi ngồi sau tay lái. Nhưng thật không may, trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, khi đưa gia đình về quê chơi và trong lúc lùi xe chồng tôi đã đâm vào hai mẹ con người cùng làng đang đi xe đạp làm chết cả hai mẹ con.
Tai họa đổ xuống, gia đình ai cũng bàng hoàng vì cú sốc bất ngờ, chồng tôi cũng không thể tin được tại sao lại có thể xảy ra hậu quả như vậy, còn cả làng quê lúc đó bao phủ một bầu không khí u ám, buồn thảm. Kết quả là chồng tôi bị công an tạm giữ để phục vụ điều tra. Mặc dù là người cùng làng nhưng gia đình bị hại cũng hết sức bàng hoàng, gia đình họ một lúc mất đi hai người thân nên tổn thất là quá lớn dẫn đến người thân của họ bị kích động, phản ứng rất gay gắt đối với gia đình tôi.
Biết mình có lỗi nên gia đình tôi đã đến nhận lỗi, xin được lo hậu sự chu đáo, bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình người bị hại, đồng thời thường xuyên đến động viên, thăm hỏi để họ có thể vượt qua cú sốc về tinh thần và những mất mát quá lớn này. Vì vậy, họ cũng hiểu sự việc xảy ra ngoài ý muốn và cũng nhận thấy được sự hối lỗi chân thành của gia đình tôi để chấp nhận ngồi thương lượng, không tạo tâm lý căng thẳng giữa hai bên. Cuối cùng hai bên đã đạt được kết quả thương lượng. Ngoài việc lo mai táng phí ban đầu gia đình tôi bồi thường cho gia đình bị hại 100 triệu đồng bù đắp mất mát, tổn thất về tinh thần, có trách nhiệm hỗ trợ việc chăm sóc, nuôi dưỡng các con của họ.
Gia đình người bị hại cũng có đơn bãi nại cho chồng tôi, nhưng tìm hiểu tôi được biết cơ quan công an đang hoàn tất hồ sơ để truy tố và đưa chồng tôi ra xét xử nên gia đình tôi rất lo lắng. Là những người dân không hiểu biết pháp luật nên tôi chỉ biết rằng chồng tôi là người có lỗi gây ra vụ tai nạn, tuy nhiên gia đình tôi đã nhận lỗi và đã khắc phục hậu quả, phía gia đình bị hại đã có đơn xin bãi nại, còn Nhà nước cũng không bị thiệt hại nên tôi vẫn hy vọng chồng tôi sẽ không bị xét xử và không phải đi tù.
Chồng tôi đã được tại ngoại, nhưng qua tâm sự, tôi thấy anh rất lo sợ bị phạt tù, nỗi lo của anh giống với tâm trạng của tôi và gia đình nên càng làm cho tôi thêm lo lắng. Liệu chồng tôi có phải đi tù không?
Bồi thường thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự
Luật gia Hồng Hạnh (Tòa dân sự TANDTC) chia sẻ: Vụ việc thật đáng tiếc, không ai mong muốn, nhưng cũng phải nói rằng gia đình chị vẫn còn may mắn khi người bị hại là người cùng làng nên gia đình chị cũng đỡ đi phần nào những căng thẳng, lo sợ trước những hành động bức xúc, kích động của gia đình họ. Mặc dù hoàn cảnh gia đình chị nhiều khó khăn, chồng chị là trụ cột chính nhưng chị cũng đã nỗ lực, cố gắng bồi thường cho gia đình bị hại 100 triệu đồng. Hành động của gia đình chị thật đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự (BLHS) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và điểm a khoản 4.2 Điều 4 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS thì làm chết hai người là một trong những trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng và phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điểm đ Khoản 2 Điều 202 BLHS. Đồng thời, tại Điểm b Khoản 1 Điều 46 BLHS cũng quy định người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trường hợp chồng chị gây tai nạn làm 2 người chết thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, gia đình chị đã tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại, nhưng theo quy định của pháp luật đây không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự mà chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ. Do đó, hành vi gây tai nạn của chồng chị vẫn bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, chị không nên quá lo lắng, tốt nhất chị nên động viên anh ấy để anh ấy yên tâm, vững tin vào chị và gia đình trong mọi trường hợp, tình huống có thể xảy ra.
Thực tế, nếu chồng chị bị xử phạt tù giam về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ thì không có nghĩa là chồng chị phải chấp hành toàn bộ thời gian án tuyên, bởi lẽ nếu chấp hành tốt trong quá trình thi hành án chồng chị có thể được xét giảm án, tha tù trước thời hạn và sớm có cơ hội trở về với gia đình. Do đó, việc trước mắt chị cần làm lúc này là tạo niềm tin cho chồng chị bằng những hành động cụ thể, đó là chị tìm kiếm thêm việc làm để có thu nhập ổn định có thể lo cho các con trong thời gian anh vắng nhà; thường xuyên thể hiện sự quan tâm đến chồng bằng việc thăm hỏi, động viên anh ấy, đồng thời cũng nói để chồng chị hiểu rằng còn có bà con, họ hàng, bạn bè giúp đỡ chị và các con trong thời gian anh không có nhà để chồng chị không phải lo lắng về gia đình, yên tâm cải tạo tốt. Có như vậy, chồng chị mới sớm có cơ hội được trở về đoàn tụ với gia đình.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com