Người mù có ra tòa được không?

(PLO) - Sinh ra không bình thường đã là một thiệt thòi lớn đối với mỗi con người, nhưng trường hợp người anh của ông Nguyễn Cẩm Tú (quận 2, TP.HCM) lại thật bi đát...
Người mù có ra tòa được không?
Ngay khi sinh ra ông đã bị mù, nhưng cuộc sống cũng không lấy hết của ông khi ông có người vợ và hai người con. Nhưng hạnh phúc của ông cũng không trọn vẹn vì người vợ đã bỏ ông ra đi, niềm an ủi lúc này chỉ còn hai đứa con.
Ông Nguyễn Cẩm Tú cho biết: “Anh tôi bị mù bẩm sinh. Năm 2000 anh tôi đã kết hôn với chị Hoa và sinh được hai con chung. Năm 2010 gia đình tôi phát hiện chị Hoa không còn yêu thương anh tôi nữa và có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác. Anh tôi không muốn duy trì quan hệ hôn nhân với chị Hoa nữa, nhưng gia đình tôi được biết việc ly hôn không thể ủy quyền cho người khác. Vậy anh của tôi bị mù thì có ra tòa để giải quyết việc ly hôn được không?
Băn khoăn về việc ly hôn của người anh ông Tú, Luật gia Đinh Hải An (TANDTC) cho biết như sau: Trước hết xin thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh với người anh của ông. Tuy nhiên, ông cũng yên tâm vì theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự thì chỉ người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản gia đình mới bị xem là bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Như vậy, người bị mù là người có nhược điểm về thể chất, không thể coi là bị hạn chế năng lực hành vi theo luật. 
Do đó, Tòa cũng không có quyền chỉ định người đại diện bắt buộc cho họ. Bên cạnh đó, như ông đã biết, ly hôn là quyền nhân thân được quy định tại Điều 42 Bộ luật Dân sự, về nguyên tắc phải do chính đương sự thực hiện, không thể ủy quyền cho người khác. Theo quy định tại Khoản 22 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2011 sửa đổi, bổ sung Đoạn 2 Khoản 3 Điều 164 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì: “Trường hợp đương sự không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì phải có người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng”. 
Hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 thì phần “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng Dân sự: “Đối với cá nhân thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này là người không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án và phải có người làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận việc khởi kiện và nội dung khởi kiện vào đơn khởi kiện trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng. “Người làm chứng ” trong trường hợp này phải là người có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự quy định tại Điều 57 của Bộ luật Tố tụng Dân sự”. 
Như vậy, trường hợp người anh của ông không biết chữ khi khởi kiện vụ án dân sự thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người làm chứng. Đơn khởi kiện phải có chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi anh của ông sinh sống. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định Tòa phải cử người đại diện cho người có nhược điểm về thể chất nên anh của ông vẫn nhận thức được hành động, vẫn thể hiện rõ được ý chí của mình trong quá trình Tòa án giải quyết việc ly hôn. Do đó, anh của ông có đơn xin ly hôn làm theo hướng dẫn trên thì Tòa vẫn có thể tiến hành các thủ tục tố tụng bình thường. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm