Luật sư Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Ngọc, Hà Nội tư vấn:
Điều 147 Luật Nhà ở 2014 quy định tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư, được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở hoặc để mua chính ngôi nhà đó.
Theo khoản 3 điều 295 Bộ luật Dân sự, tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trong trường hợp của bạn, là căn hộ đang trong quá trình hoàn thiện.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 quy định thi hành Bộ luật Dân sự có quy định tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm.
Như vậy, khi vay thế chấp, bạn có thể dùng căn chung hộ này để bảo thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Tuy nhiên, khi thế chấp tài sản bạn phải thỏa mãn những điều kiện được quy định tại điều 295 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
- Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
- Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
- Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
Khi đáp ứng đủ điều kiện để vay thế chấp tài sản được hình thành trong tương lai như đã nêu ở trên, tổ chức, cá nhân phải có các giấy tờ như sau:
Là người thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để mua nhà ở của chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, bạn cần phải có hợp đồng mua bán nhà ở ký kết với chủ đầu tư; có văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở nếu là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định; có giấy tờ chứng minh đã đóng tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.
Ngoài ra, căn hộ của bạn phải không thuộc diện đang có khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở hoặc về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở này.
Từ những phân tích trên có thể thấy, bạn chỉ có thể thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai để vay tiền mua chính căn hộ đó. Còn trường hợp bạn muốn thế chấp để vay tiền đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực khác thì hiện nay pháp luật chưa có quy định.