Có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành nhiều đợt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được các kịch bản khả thi, chủ động tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh, trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức thi thành nhiều đợt…
Có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành nhiều đợt

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được các kịch bản khả thi, chủ động tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh. Kỳ thi sẽ được tổ chức theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, vì quyền lợi học sinh. Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức thi thành nhiều đợt…

Đảm bảo an toàn và quyền lợi thí sinh

Ông Mai Văn Trinh cho biết, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, kế thừa kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các địa phương và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2020-2021, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Quan điểm chung là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là trong việc phòng chống dịch Covid-19. Cho đến nay, với sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chúng tôi đã xây dựng các kịch bản khả thi, chủ động để tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nguyên tắc là sẽ tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội); tiến hành các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi. Các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí phòng thi cho các thí sinh diện F1, F2, F3 với các phương án phòng chống dịch phù hợp với các thí sinh diện này.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức thêm các đợt thi trong trường hợp bất khả kháng. Để thực hiện phương án này, Bộ GD&ĐT đã chủ động, đặc biệt trong khâu chuẩn bị ngân hàng câu hỏi đáp ứng số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt.

Tóm lại, đến nay, Bộ GD&ĐT đang cùng các địa phương chủ động các phương án để tổ chức Kỳ thi trong điều kiện dịch Covid-19. Với sự chủ động, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tới đây trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 sẽ được thực hiện với giải pháp tốt nhất; theo quan điểm an toàn, nghiêm túc, bảo đảm được quyền lợi của thí sinh kể cả trong việc thi cũng như trong việc xét tuyển ĐH, CĐ.

Không đưa vào đề thi nội dung đã tinh giản

Hiện các trường cho học sinh tạm dừng đến trường đều đã chuyển sang học trực tuyến. Nhiều học sinh khối lớp 12 khá lo lắng khi việc học, ôn tập trực tuyến khó bảo đảm chất lượng được như học trên lớp. Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ như thế nào trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19?

Ông Trinh cho biết, đề tham khảo Bộ GD&ĐT đã công bố thể hiện rất rõ tinh thần: Nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông và chủ yếu là ở lớp 12; những nội dung nào đã tinh giản thì sẽ không được đưa vào đề thi. Đề nghị các địa phương, thầy cô giáo, các em học sinh bám sát đề thi tham khảo để có định hướng ôn tập.

Bên cạnh đó, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT nên các câu hỏi trong đề thi trước hết phục vụ cho mục đích này. Do đó, đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản; đồng thời, cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh (nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10). Ngoài ra, các câu hỏi trong đề thi sẽ được sắp xếp độ khó tăng dần để hỗ trợ thí sinh trong quá trình làm bài. Các em hãy tập trung tốt nhất điều kiện và sử dụng tốt nhất các phương thức học tập linh hoạt khác nhau để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tới đây.

Ngoài ra, một số ý kiến từ các trường đại học cho rằng nên tăng độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT để thuận tiện cho công tác xét tuyển của các trường. Bởi thực tế, nếu tất cả thí sinh đều điểm cao các trường sẽ khó chọn được thí sinh thực sự giỏi. Về vấn đề này, theo ông Trinh, nếu kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy thì các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp yên tâm sử dụng làm cơ sở để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ với các phương thức khác nhau. Vì vậy, như đã nói ở trên, cùng với các câu hỏi ở mức độ cơ bản, trong đề thi cũng sẽ có số lượng phù hợp các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh, nhất là đối với vùng điểm cao.

Với cấu trúc như vậy, kết quả thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT không những được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương mà còn phân hóa tốt kết quả thi của các nhóm thí sinh, giúp đánh giá đúng chất lượng học tập của các em và làm cơ sở để phần lớn các Trường sử dụng trong tuyển sinh. Thực tế những năm qua, nhất là năm 2020 cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc thì cũng sẽ hỗ trợ tốt công tác tuyển sinh ĐH, CĐ. 

Đọc thêm