Cổ tích được viết tiếp…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gặp họ, bạn sẽ luôn thấy nụ cười lấp lánh trên những gương mặt cương nghị, tràn đầy niềm tin vượt qua chính mình. Họ là những người phụ nữ mang vẻ đẹp khác nhau nhưng đều làm được những điều phi thường. Bởi cổ tích do họ tự viết. Và một ngày, “hoàng tử” của họ xuất hiện, dẫu cách cả nửa vòng trái đất…
Hoa khôi Vầng trăng khuyết Bế Thị Băng bên người bạn đời là Giáo sư Toán người Đức.
Hoa khôi Vầng trăng khuyết Bế Thị Băng bên người bạn đời là Giáo sư Toán người Đức.

Chúng tôi sống lành lặn theo cách riêng của mình!

Được mệnh danh là người đứng một chân lâu nhất Việt Nam, bởi 10 năm nay, dù mất một bên chân do tai nạn nhưng chưa ngày nào Bế Thị Băng ngồi xe lăn. Tuy chỉ có một chân nhưng Băng có thể đi, đứng, nhảy múa... Và phía sau đó là cả một câu chuyện dài về nghị lực phi thường của người phụ nữ dân tộc Tày này.

Xuất hiện với nụ cười tươi tắn, đi giày cao gót và xoay một vòng để chào khán giả trên sân khấu Chương trình “Trạm yêu thương” của Đài Truyền hình Việt Nam trong ngày đầu xuân vừa qua, Bế Thị Băng thu hút mọi ánh nhìn. Bất ngờ hơn với khán giả là khi Băng hát ca khúc “Bèo dạt mây trôi” mà theo lý giải của cô, đó là giai điệu khiến cô nhớ về quê hương Cao Bằng với một tuổi thơ dữ dội và cuộc sống đầy gian nan, vất vả khi mất đi một bên chân do tai nạn giao thông, lúc Băng 24 tuổi (2012), vừa tốt nghiệp chuyên ngành y khoa, Đại học Thái Nguyên.

Sau tai nạn, trải qua biết bao đau đớn, biết bao lần ngã với vết thương chưa lành hẳn, nhưng điều đó không làm quyết tâm đứng trên một chân của Băng giảm đi. Đến khi đặt bước chân đầu tiên lên nền nhà, Bế Thị Băng tự tin với bản thân rằng mình sẽ đứng vững, đứng chắc trên chiếc chân còn lại này. 10 năm qua cô chưa từng ngồi xe lăn, thậm chí còn đi giày cao gót - sở thích của biết bao cô gái bình thường khác. Và múa cũng là đam mê của cô gái Tày từ nhỏ…

Cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2019 (cuộc thi dành cho các nữ thanh niên khuyết tật Việt Nam do Hội Thanh niên khuyết tật TP Hà Nội phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức), Bế Thị Băng chia sẻ, đó là bước ngoặt khiến cô tự tin hơn, dũng cảm đối diện với sự thật và đặc biệt là được chứng kiến, tiếp xúc với những người có hoàn cảnh đặc biệt giống mình. Băng tập đi, tập múa, tập nhảy... Và rồi, hình ảnh cô bác sĩ nha khoa người dân tộc Tày trong đêm chung kết Cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”, với bài nhảy quyến rũ kết hợp giữa 3 điệu nhảy của Tây Ban Nha, Ấn Độ, Ba Tư do chính cô biên đạo và khiêu vũ chỉ với một chân khiến nhiều người rưng rưng xúc động.

Sau khi đăng quang cuộc thi, Băng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xuất hiện trong những buổi trò chuyện truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên, người yếu thế. Cô là đại sứ Mottainai - Quỹ học bổng ủng hộ trẻ em mồ côi, trẻ em khó khăn là nạn nhân từ tai nạn giao thông, do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức và tiếp tục thực hiện sứ mệnh truyền cảm hứng cho người khuyết tật bằng việc làm video ảnh mẫu, múa đăng lên YouTube...

“Tôi hạnh phúc khi câu chuyện của mình mang lại niềm tin, cảm hứng, nghị lực sống cho những người kém may mắn. Tôi chia sẻ câu chuyện của bản thân một cách cởi mở cũng góp phần để cộng đồng bớt đi kỳ thị với những người khuyết tật. Thiếu một chân, một tay hay khuyết đi phần nào đó trên cơ thể không đáng thương và tội nghiệp như nhiều người nghĩ. Chúng tôi sống lành lặn theo cách riêng của mình”, Băng cười tươi thổ lộ.

Chia sẻ về dự định của mình, Băng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh truyền cảm hứng cho người khuyết tật bằng việc làm video ảnh mẫu, múa đăng lên YouTube. Hiện Bế Thị Băng đang là một bác sĩ nha khoa và quản lý một phòng khám riêng tại Hà Nội. Đặc biệt cô có cuộc sống hạnh phúc trong tình yêu thương chân tình của chồng, một Giáo sư Toán học người Đức.

Cổ tích được viết tiếp khi cô kết duyên với một Giáo sư người Đức. “Cuối năm 2016, trong một lần tiễn bạn ra sân bay đi du học, tôi gặp một chàng trai người Đức sang Việt Nam du lịch. Tôi đã chỉ đường giúp anh lúc ở sân bay. Sau đó, chúng tôi vô tình gặp lại nhau ở Hồ Tây, rồi kết bạn. Tôi đã đưa anh ấy đi khám phá nhiều nơi ở Việt Nam. Đến ngày anh về nước, tôi bất ngờ nhận được lời cầu hôn từ anh ấy”, Băng chia sẻ.

Là người nước ngoài nhưng Oturak lại cực mê những món ăn Việt Nam do chính tay vợ mình nấu. Băng kể mỗi lần anh về, cô chỉ cần đảm nhiệm 3 bữa cơm, còn mọi việc thì đã có anh lo. Cô cũng không ngại ngần chia sẻ về kế hoạch sẽ sinh em bé trong thời gian sắp tới, đồng thời sẽ chuyển sang Đức cùng chồng ở tương lai không xa.

Gửi lời nhắn nhủ tới mọi người, Băng cho rằng tất cả hãy tự tìm cách để tô màu, biến cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn. Hãy luôn giữ được tinh thần sống khỏe, sống đẹp, sống có ích để lan tỏa nhiều hơn những yêu thương tới cộng đồng. Cuộc sống của tất cả chúng ta sẽ trở nên tươi đẹp hơn rất nhiều nếu như chúng ta biết chia sẻ và cho đi…

“Có ai uống trà cùng em không?”

Vân tên đầy đủ là Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1978, là một trong số 7,2 triệu người khuyết tật tại Việt Nam. Cô không mấy xa lạ với cộng đồng người khuyết tật vì là người đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống. Cuối năm 2012, cô tiếp quản trung tâm sau khi anh trai là hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng qua đời.

Nguyễn Thị Vân

Nguyễn Thị Vân

Vân có thân hình nhỏ nhắn, nếu không muốn nói là ngày càng bé lại. Khi mới sinh ra, Vân như bao trẻ em khác. Cơ thể phát triển bình thường, chẳng ai nghĩ cô là một đứa trẻ khuyết tật. Nhưng càng lớn, chân tay Vân nhỏ dần, cơ thể co lại và đến một thời điểm, mọi hoạt động của cô gắn liền với chiếc xe lăn.

Là con út trong một gia đình nông dân ở xứ đạo huyện Nghi Lộc, Nghệ An, Nguyễn Thị Vân có anh cả nổi tiếng là hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Hai anh em Hùng - Vân cùng mắc chứng bệnh teo cơ tủy sống. Định mệnh nghiệt ngã không ngăn được anh em Vân cùng có tính cách lạc quan, trí tuệ sáng láng và nghị lực sống phi thường. Hùng yếu hơn em gái, chỉ đến trường tới lớp 7 phải nghỉ, còn Vân theo hết trung học phổ thông. Được cha mẹ mua cho máy tính, cả Hùng và Vân đều mày mò tự học, giỏi cả công nghệ thông tin lẫn tiếng Anh. Cả hai chiêu sinh dạy miễn phí qua mạng cho nhiều bạn trẻ khác.

Trung tâm Nghị lực sống do anh em Hùng - Vân sáng lập tại Hà Nội cho đến nay đã giúp hơn 900 người khuyết tật có nghề nghiệp và cơ hội kiếm việc làm, hoà nhập với xã hội.

Nguyễn Công Hùng từng có cuộc tình đẹp với một thiếu nữ Hà thành mạnh khỏe, xinh đẹp, đã tốt nghiệp đại học, tự nguyện gắn bó cùng anh, chỉ mong anh cảm nhận được hạnh phúc. Đến lượt Vân, chuyện đôi lứa của cô em gái hiệp sĩ lại càng thú vị, đẹp đẽ lạ lùng...

Neil Bowden Laurence là kỹ sư điện tử viễn thông, chuyên xây dựng các tổng đài khẩn cấp cho chính phủ. Neil có bố là người Anh, mẹ Scotland, còn anh mang quốc tịch Úc.

Theo lời kể của Neil, cuộc ly hôn 15 năm trước khi gặp Vân khiến anh trầm mặc, ít bạn bè. Cuộc sống của anh là những chuỗi ngày tẻ nhạt với 3 tuần bay đi làm xa và 1 tuần làm việc ở gần công ty mỗi tháng. Ngoài 2 sở thích chơi xe phân khối lớn và đồng hồ, giờ rảnh Neil chỉ lướt mạng đọc thông tin.

Hôm ấy, gương mặt tràn đầy ánh sáng của Nguyễn Thị Vân, cô gái tự tin khoe dáng ngồi bé bỏng của mình trên chiếc xe lăn khiến Neil đặc biệt chú ý trên facebook. Anh nhắn tin làm quen, rồi càng hiểu Vân, anh càng quý mến. Một lần thấy Vân đăng ảnh uống trà một mình, “thả thính” vu vơ “Có ai uống cùng em không?”, Neil lập tức comment “Anh được không?”, Vân đùa “Anh sang Việt Nam, ngày nào em cũng pha trà mời anh uống”. Vân không ngờ Neil xin nghỉ việc, đặt vé máy bay, sang Việt Nam tìm đến tận nhà cô. Giây phút nhìn thấy Neil khoác ba lô xuất hiện ở ngưỡng cửa, Vân xúc động không nói nên lời.

Vân và Neil - người đàn ông đã để lại công việc, xe phân khối lớn để đẩy xe lăn cho Vân…

Vân và Neil - người đàn ông đã để lại công việc, xe phân khối lớn để đẩy xe lăn cho Vân…

Chuyến thăm đầu, Neil ở lại cùng Vân dạo chơi 3 tuần. Sau đó, họ có gần một năm bên nhau trước khi chính thức đăng ký kết hôn vào tháng 6/2018. Từ đó đến nay, đôi vợ chồng này tay trong tay đi khắp nơi. Là đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghị lực sống và Công ty Imagtor chuyên cung cấp dịch vụ xử lý hình ảnh cho các doanh nghiệp thương mại điện tử ở nước ngoài, với hơn nửa trong tổng số trên 80 nhân viên là người khuyết tật, công việc của Vân rất bận rộn. Chưa kể, cô còn được mời đi du học, diễn thuyết truyền cảm hứng sống ở nhiều nơi trên thế giới. Neil trở thành cộng sự đắc lực cho vợ.

Vân là người yêu cuộc sống, trước đây có bao nhiêu tiền nếu không đi shopping, Vân sẽ lại đi du lịch. Vân từng chiến đấu với cuộc đời này một mình, đôi khi cái cô có duy nhất là sự can đảm. Nhưng từ khi có Neil, Vân không còn áp lực nữa, cô mong mình có sức khoẻ thật tốt và cơ thể đừng teo tóp thêm. Neil là người cho Vân những suy nghĩ khác, những dự định mới mà trước đây cô gái nhỏ bé chưa bao giờ dám nghĩ tới. Vân chưa từng nghĩ mình sẽ có một căn nhà, một tổ ấm hay đơn giản là một người bạn đời, cho đến khi cô quen Neil. Anh thích nhìn cô khi uống trà, khi làm việc và luôn tràn đầy tình yêu với cô, mỗi ngày…

Vân chia sẻ: “Nhiều người nhắn tin qua Facebook nói: tình yêu của tôi và Neil giúp họ có niềm tin trong cuộc sống. Tôi thấy mình phải lan tỏa câu chuyện của mình để truyền cảm hứng, niềm tin vào tình yêu, vào cuộc đời và những ai chưa tin sẽ vượt qua nỗi sợ hãi trong tình yêu”…

Nguyễn Thị Vân có tên trong danh sách “100 phụ nữ truyền cảm hứng và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019” do Hãng thông tấn BBC công bố và là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Forbes Việt Nam vinh danh. Cho đến nay, cô đã đến hơn 13 nước, cô chia sẻ về câu chuyện của những người khuyết tật tại Việt Nam và thế giới. Năm 2019, cô lọt Top 3 người phụ nữ đạt giải thưởng HER ABILITIES (Giải thưởng vinh danh những người phụ nữ khuyết tật có những cống hiến góp phần thay đổi thế giới. Cô là người đã góp công lớn trong việc xóa bỏ định kiến đối với người khuyết tật).

Đọc thêm