Cổ tích miền Ngọc Lặc

Khi sinh ra cũng lành lặn, kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác nhưng trận ốm thập tử nhất sinh đã cướp đi đôi chân của cậu học trò miền núi xứ Thanh. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực phi thường, Phạm Văn Tường (Thôn Bót, Minh Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã “viết cuộc đời” mình bằng những cống hiến không mệt mỏi cho những cô cậu học trò nghèo vùng cao… 

Khi sinh ra cũng lành lặn, kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác nhưng trận ốm thập tử nhất sinh đã cướp đi đôi chân của cậu học trò miền núi xứ Thanh. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực phi thường, Phạm Văn Tường (Thôn Bót, Minh Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã “viết cuộc đời” mình bằng những cống hiến không mệt mỏi cho những cô cậu học trò nghèo vùng cao… 

Thầy giáo Phạm Văn Tường trong giờ lên “bục giảng” tại gia đình
Đi học bằng… đôi chân của mẹ 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 anh chị em, nhưng Tường phải chịu rất nhiều thiệt thòi so với các anh chị em của mình. Khi chưa tròn 7 tháng tuổi, đôi chân của Tường đã vĩnh viễn không sử dụng được nữa do biến chứng của một căn bệnh lạ. 
Sau khi phát hiện bệnh, gia đình Tường đã chạy vạy tiền bạc, đi khắp nơi chữa trị nhưng không có kết quả gì. Trong khoảng thời gian gần chục năm ở nhà điều trị bệnh, sợ con buồn, bà Nhiễu đã bỏ thời gian dạy chữ cho con. Bạn bè, hàng xóm thì đem sách, truyện qua cho Tường đọc. Dần thành quen, Tường ngày càng mê đọc sách, hầu hết sách truyện bạn bè mang sang cậu đều đọc hết và nài nỉ bạn mượn thêm các loại sách. 
Rồi một ngày, Tường ngỏ ý với mẹ muốn được đến trường học với các bạn. Trước khát khao được đi học của con, bà Nhiễu cũng mềm lòng, nhưng bà biết với hoàn cảnh của con mình, để đến lớp học không phải là điều đơn giản. 
Không được đến trường, Tường buồn tủi, hàng ngày cậu thường vùi chăn ôm gối khóc hậm hực. “Nếu được đến lớp, con sẽ học không thua kém bất kỳ ai, miễn là mẹ cho con được đi học”, chính câu nói cương quyết, rắn như đinh đóng cột ấy khiến bà Nhiễu quyết tâm xin kỳ được cho con mình đến lớp.
Thế là, ngày ngày bà Nhiễu phải dậy từ tinh mơ chuẩn bị đồ dùng cõng con đi học, rồi về mới lên nương đi làm. Chiều muộn, bà lại đến trường cõng con về nhà… Và bà đã âm thầm làm công việc này trong suốt thời gian cậu bé học cấp 1, cấp 2 với quãng đường từ nhà tới trường  dài gần 5km. May mắn, đến khi lên cấp 3, bà Nhiễu đỡ vất vả hơn vì Tường được bạn bè cùng xóm đưa đi đón về giúp bà.  
Bà không giấu được bồi hồi xúc động và mừng vui khi hồi tưởng lại: Buổi đầu tiên đến lớp, thầy giáo đã kiểm tra ngay kiến thức của Tường, tất thảy thầy giáo các bộ môn và các bạn trong lớp đều ngạc nhiên bởi khả năng tư duy và trí nhớ của Tường, chưa học qua lớp “vỡ lòng” nhưng lại nắm rất chắc các kiến thức cơ bản từ lớp 1 đến lớp 5.
Không chỉ có vậy, Tường luôn đạt điểm cao trong các môn học. Sau khi tốt nghiệp cả 3 cấp học với xếp hạng nhất, nhì ở trường trong sự vui mừng của thầy cô, gia đình và bạn bè, Tường bắt đầu nuôi ước mơ vào đại học…
Chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo

Với nỗ lực và trí tuệ của mình, sau khi tốt nghiệp THPT, Tường tiếp tục thi đỗ vào khoa Toán tin, Trường Đại học Hồng Đức. Ngày học đại học,anh thuê trọ cùng người bạn trong làng nên hàng ngày được bạn cõng lên xuống cầu thang. Bốn năm đã thành quen, nhà trọ của cậu lúc nào cũng tấp nập bạn bè. 

Thầy Tường hạnh phúc bên con trai…
Năm 2008, Tường bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp và cậu cũng nằm trong danh sách những sinh viên xuất sắc của Khoa - Toán Tin. Tưởng hạnh phúc đã mỉm cười nhưng lại một lần nữa, Tường lại đối mặt với căn bệnh quái ác hành hạ.
Tường kể, sau khi đôi chân phát bệnh, anh phải mổ tới 4 lần, mỗi lần mổ tài sản trong gia đình lại đội nón ra đi. Con trâu đực mộng hàng ngày bố thường đem đi cày thuê kiếm tiền nuôi cả nhà cũng đem bán để có tiền chữa trị. Nhưng thật may mắn, cảm thương hoàn cảnh của Trường, một bác sĩ hảo tâm đã tài trợ cho ca phẫu thuật cuối cùng… 
Năm 2009, mặc dù đã khỏi bệnh, nhưng đôi chân của Tường vẫn không thể tự đi lại được nên anh không thể đến trường giảng dạy. Nhưng với quyết tâm mang cái chữ đến cho các học sinh nghèo, Tường nhờ bố mẹ và bà con hàng xóm giúp đỡ dựng cho căn nhà tạm bợ cạnh nhà, sau đó bố mẹ Tường đến trường tiểu học trong xã xin lại những bộ bàn nghế cũ thanh lý về dựng mở lớp dạy học.
Ngay buổi “khai giảng” đầu tiên đã có hàng chục em học trò từ khắp các thôn xóm trong xã đến xin làm học trò của thầy Tường. Điều đặc biệt, cảm động trước tấm lòng thầy Tường, chị Bùi Thụ Ngọc ở khác huyện đã đem lòng yêu thương Tường, kết quả cảu mối tình đẹp là đám cưới diễn ra trong sự chào đón của bạn bè và người thân.
Thầy Tường chia sẻ: “Được như ngày hôm nay với tôi chính là nhờ được đi học. Ở đời luôn có những ranh giới giữa sự tuyệt vọng và sự vươn lên, giữa sự sống và cái chết, muốn vượt qua ranh giới ấy chính là nghị lực và niềm tin vào cuộc sống…”.
Học trò của thầy Tường đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, nên các em không phải đóng học phí và Tường cũng không có chế độ nào khác ngoài vài trăm ngàn đồng tiền trợ cấp cho người tàn tật. 
Kết thúc những khóa học, món quà thầy nhận được chính là những bơ gạo, nắm cơm nếp mà phụ huynh biếu, nhưng thâm tâm thầy giáo tuổi 8X món quà lớn nhất của mình chính những lứa học trò đã được truyền dạy đã thi đỗ ở những trường đại học danh tiếng...
Phạm Lão

Đọc thêm