Tình yêu không tật nguyền
Cảm thông với những khiếm khuyết cơ thể, anh Triệu Sinh Hùng (quê Hà Nội) và chị Đặng Thị Vân (quê Phú Thọ, cùng SN 1984, tạm trú đường Trần Cao Vân, TP. Đà Nẵng) đã đến với nhau bằng tấm chân tình.
Suốt 10 năm nay, hình ảnh cặp vợ chồng tật nguyền bán vé số Hùng, Vân đã trở nên quen thuộc với người dân trên các tuyến đường Đà Nẵng. Ngày hai buổi, bất kể nắng mưa, từ mái ấm do chủ đại lý vé số cho ở nhờ trên đường Trần Cao Vân, anh chồng mù bế vợ bị liệt 2 chân đưa lên xe để cùng nhau mưu sinh. Tới chỗ nào cần dừng, người vợ quan sát, hướng dẫn cho chồng bế vào quán để mời chào khách mua vé số…
12h trưa, anh Hùng đẩy xe đưa vợ vào hiên nhà dân ven đường, cùng nhau tranh thủ ăn hộp cơm bụi. Anh Hùng kể, mình sinh ra ở Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Cậu bé Hùng khi đó cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, đến năm hai tuổi, bỗng nhiên anh cảm thấy mắt như có ghèn phủ lên rồi nhìn mọi thứ không được rõ.
Do điều kiện khó khăn, gia đình không thể đưa anh đến bệnh viện lớn để điều trị, mà chỉ nghe theo các thầy lang vườn đắp lá cây khiến mắt bị mù hẳn.
Còn chị Vân quê ở Phú Thọ. Ngày ra đời, 2 chân, 2 tay chị đã bị liệt, teo bẩm sinh. Về sau, cả 2 anh chị đều được người thân đưa vào Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề nhân đạo ở Hà Nội. Chị Vân tuy teo chân tay nhưng vẫn có thể làm việc bình thường nên được sắp xếp vào đội học thêu.
Anh Hùng đến trung tâm sau chị hơn 3 năm, có năng khiếu hát nên được phân vào đội văn nghệ. Một thời gian sau, chị Vân cũng chuyển qua đội văn nghệ đi hát cùng anh Hùng. Duyên số, lời ca nói lên nỗi lòng, tâm sự khiến cả 2 quen biết, cảm mến và yêu nhau từ đấy.
Hỏi về tình yêu của 2 người, chị Vân thành thật, khi đó, dù ở tuổi đôi mươi nhưng chị chưa bao giờ nghĩ tính đến chuyện đôi lứa. Bản thân khuyết tật, chị chỉ mong không phiền hà người thân là tốt lắm rồi. Nhưng chính sự chân thật của anh Hùng đã khiến trái tim cô gái tật nguyền rung động.
Còn anh Hùng nói chắc nịch: “Tôi tin vào duyên số chứ cũng không biết diễn đạt ra sao. 24 tuổi, tôi cũng có quen vài cô gái, nhưng không có tình cảm gì cả. Hình như chỉ để đợi gặp Vân thôi”. Cứ thế, 2 con người tật nguyền đến với nhau bằng tất cả sự chân thành, đồng cảm và cả sự vun vén của anh chị em ở trung tâm.
Tuy nhiên, khi tình yêu đang độ chín, ngày anh dẫn chị về ra mắt gia đình lại nhận liên tiếp sự phản đối của người thân 2 bên. Theo chị Vân, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng yêu nhau đó, chị vẫn còn cảm thấy lo sợ. Buồn nhiều hơn vui, nhưng gia đình cấm cản không phải không có lý. “Con què đi ưng thằng đui, rồi lấy ai đứng ra mà lo cho tụi nó”, là lời mà không ít người thân nói.
Thậm chí, mẹ chị Vân dù cảm nhận được tình cảm của con gái nhưng cũng phải mấy lần rớt nước mắt tỉ tê: “Cơm áo gạo tiền sẽ giết hết tình yêu đẹp của chúng mày, hãy nhìn vào thực tế mà sống. Hơn nữa, lấy nhau rồi, cả 2 tật nguyền thế, đứa con ra đời sẽ ra sao, không lẽ chúng mày muốn chứng kiến thêm một cảnh đời giống vậy nữa...”.
Nhưng cuối cùng, lý lẽ của con tim đã thắng. Anh Hùng lẫn chị Vân đều cho rằng, cha mẹ không thể bao bọc được mình mãi, anh chị em cũng phải dựng vợ gả chồng có cuộc sống riêng, hơn nữa họ đều lành lặn, không thể đồng cảm và chia sẻ được hết với người khuyết tật.
Hai vợ chồng anh Hùng, chị Vân |
Anh, chị vẫn quyết định trao gửi đời mình cho nhau. Giữa năm 2004, lễ cưới của đôi vợ chồng Hùng, Vân diễn ra với đầy đủ bà con hai họ, bạn bè thân thuộc. Trong bữa tiệc, hình ảnh chú rể quờ quạng tìm tay cô dâu trao nhẫn khiến nhiều người không khỏi rớt nước mắt cảm động.
Bù trừ bất hạnh
1 năm sau, chị Vân sinh đứa con gái đầu lòng xinh xắn, hoàn toàn khỏe mạnh càng nhân lên hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, con gái càng lớn, chi phí càng nhiều, trong khi cuộc sống ở quê lại quá khó khăn nên anh chị quyết định khăn gói vào TP. Đà Nẵng lập nghiệp với nghề bán vé số.
Anh Hùng kể, “đói thì đầu gối phải bò” chứ ban đầu, nghĩ đến tình cảnh tật nguyền cũng nản, lắm lúc cả 2 lo sợ không biết sẽ đi về đâu khi con mới tròn 2 tuổi. Vì vậy, cầm chặt trong tay số tiền 2 triệu đồng dành dụm được sau ngày cưới, anh Hùng lẫn chị Vân ráng chịu đói, khát suốt chặng đường đến nơi đất khách quê người.
Anh bàn với vợ, trước tiên phải nhờ tìm một nơi tá túc rồi “vợ sẽ làm mắt, còn chồng làm chân”, cả 2 bù trừ cho nhau để thành… một người bình thường và “tha” nhau theo hết các ngã đường để mưu sinh. May mắn, anh chị được giới thiệu tới đại lý bán vé số trên đường Trần Cao Vân, vừa được cho ở miễn phí, vừa có thể theo nghề cho đến nay.
Chị Vân kể về lịch sinh hoạt hàng ngày của gia đình mình bằng giọng hạnh phúc, sáng nào cũng vậy, chị và con gái dậy sớm đánh răng trước rồi đợi anh Hùng rửa mặt cho cả hai vì tay chị không tự đưa lên mặt được. Sau đó anh Hùng mới làm công tác vệ sinh cá nhân bản thân. Hai vợ chồng ăn qua loa buổi sáng với nắm xôi “cho chắc bụng”.
Còn con gái, dường như cũng hiểu được hoàn cảnh của gia đình mình nên khá lanh lợi, tự đi ăn sáng và đi học ở ngôi trường gần nơi trọ. Chị Vân bị liệt hai chân còn anh Hùng không nhìn thấy, vì thế, khi đưa xe đến điểm bán, anh Hùng bế chị vào quán, chị Vân nhìn thấy ai sẽ mời khách mua. Chiều về, vợ chồng trả phần bán không hết và lấy số mới cho ngày hôm sau. Thông thường hết một ngày, cả nhà mới quây quần bên mâm cơm. Chị giặt giũ quần áo còn anh tranh thủ dạy con viết chữ…
Chị Vân bộc bạch: “Chúng tôi cũng muốn được về phòng trọ buổi trưa, ăn cơm cùng con gái nhưng hoàn cảnh, điều kiện không cho phép. Trước khi đi làm, tôi gửi tiền ở hàng quán, dặn con gái đi học về sẽ đến lấy 1 hộp cơm ăn, ở nhà tự ôn bài chờ bố mẹ”.
Nói đến tương lai, anh Hùng cho rằng, người ngoài nhìn vào gia đình anh có thể thấy như kiểu sống tạm bợ, đắp đổi qua ngày, nhưng không phải vậy. Anh, chị đang cố gắng tích cóp thêm một vài năm nữa, có ít vốn, cả 2 lại đưa nhau về quê mở một hàng buôn bán.
“Có con cái rồi nên chúng tôi phải nghĩ xa hơn đến cuộc sống. Hiện tại, thu nhập chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày, nên lúc này tôi phải dằn lòng khi con đòi mua quần áo mới, đòi uống hộp sữa. Nhưng chúng tôi tin rằng, tương lai sẽ rạng rỡ hơn”, anh Hùng tâm sự.
Nghe những lời anh Hùng tâm tình, nhiều người không khỏi thán phục. Nói như lời một đồng nghiệp của anh Hùng, đôi vợ chồng này ý thức rất rõ những gian truân trong cuộc mưu sinh của đời mình. Đặc biệt, họ luôn biết trân trọng, giữ gìn và sống với hạnh phúc bình dị nhất mà sức lực mình mang lại…