Rời chiến trường với thương tật 71%, ông Nguyễn Văn Cương (SN 1946, ngụ xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tưởng sẽ sống nốt cuộc đời trong sự cô đơn. May mắn, hạnh phúc 1 lần nở hoa nhưng người vợ trẻ lại đoản mệnh.
Chắc mẩm sẽ không còn ai đến với mình. Thế rồi, ông nhận được sự cảm mến của 1 cô y tá xinh đẹp, nguyện về làm vợ chăm sóc ông. Câu chuyện bình dị giữa đời thường mà cứ ngỡ chỉ trong cổ tích.
Người thương binh có số phận hẩm hiu
Nhập ngũ tháng 4/1966, ông Cương là lính trinh sát pháo binh, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1970, trong khi đang trinh sát tại cao điểm Cồn Tiên - Dốc Miếu (Quảng Trị), trúng phải mìn của địch, ông Cương bị thương rất nặng.
“Lúc tôi bị trúng mìn, sờ vào chân hầu như không có cảm giác. Đêm xuống cố vịn vào cây rừng bò. Thức ăn không có, tôi phải lấy kem đánh răng ngậm cho qua cơn đói. Đến đêm thứ 5 gặp du kích, họ mới đưa tôi ra ngoài”, ông Cương nhớ lại. Sau đó, trải qua nhiều lần phẫu thuật ông Cương phải cắt cụt gần như toàn bộ chân trái.
Một năm sau, ông Cương xuất ngũ về quê, lúc này, mặc cảm số phận nên ông Cương rất tuyệt vọng. Khó khăn nhất là việc phải đối diện với người con gái đã từng “thề non hẹn biển” với mình.
Ông Cương kể, đó là mối tình đầu tiên, hai người yêu nhau đã 10 năm, hẹn ngày hòa bình, ông về sẽ kết hôn. Nhưng mặc cảm thân thể không lành lặn, sợ sẽ trở thành gánh nặng cho người mình thương nên ông Cương đấu tranh tư tưởng dặn lòng quyết không gặp người yêu.
Nhưng tình yêu mà người phụ nữ ấy dành cho ông Cương quá sâu đậm, nhìn tấm thân tật nguyền của ông bà lại càng quyết tâm gắn cuộc đời mình với ông. Vậy là, một đám cưới nhỏ nhưng đầm ấm diễn ra. Nhưng trớ trêu, năm 1982, vợ ông Cương đột ngột qua đời để lại 5 đứa con thơ cho ông chăm sóc.
Chuyện tình cổ tích
Do thương tích tái phát, có lần ông Cương được điều trị ở Bệnh viện quân y 103, và quen cô y tá Nguyễn Thị Thi. Lần ấy, ông Cương cũng như bao nhiêu bệnh nhân khác, đến rồi đi, hai người không để lại nhiều ấn tượng với nhau.
Sau này, khi vết thương lại tái phát ông Cương lại có dịp hội ngộ cô y tá Thi tại Bệnh viện quân y 103 lần nữa. Vẫn người cũ, bệnh cũ, nhưng lần này, nỗi lòng nặng trĩu đã khiến ông Cương trút hết bầu tâm sự về số phận không may mắn của mình với cô y tá.
Ít ngày điều trị ngắn ngủi, nhưng câu chuyện của người thương binh đã lay động trái tim bao dung và lòng trắc ẩn của cô y tá trẻ. Bà Thi đã dành cho ông Cương một thứ tình cảm đặc biệt hơn, trong suy nghĩ của bà chợt lóe lên ý định sẽ gắn bó cả đời để chăm sóc cho người thương binh này.
Hàng ngày chứng kiến nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn giày xéo người thương binh già như xúc tác càng thôi thúc bà Thi sớm thực hiện ý định đó của mình.
Bà Nguyễn Thị Thi làm “bác sĩ” tại nhà cho chồng |
Bà Thi giải thích: “ Biết được hoàn cảnh đó của ông, tôi rất thương xót các cháu mồ côi mẹ, trong khi tình trạng sức khỏe của ông ấy thường xuyên bị vết thương cũ hành hạ. Đồng cảm với cảnh ngộ đó, tôi đã quyết định kết hôn để có cơ hội chăm sóc ông cùng các cháu”.
Khi biết ý định “điên rồ” ấy, trở ngại lớn nhất ngăn cản bà Thi kết hôn với ông Cương là từ những người thân trong gia đình, không ai hiểu và giải thích được tại sao một cô gái xinh đẹp, tương lai sáng lạn lại quyết định lấy người thương binh già với 5 đứa con nheo nhóc.
Bố bà đã từng phải khóc thốt lên vì giận quá do không biết cách nào để ngăn cản, giải thích cho đứa con gái ngu muội lúc đó. Thậm chí, đến ngày cưới, ông nội của bà Thi lúc bấy giờ vẫn giận cháu, thay vì đi xe đạp theo đoàn chỉ lóc cóc đi bộ một mình tới nhà trai… Tất cả để cho thấy hành trình tìm kiếm hạnh phúc của ông bà lúc đó được “dệt” không hề dễ dàng.
Vượt khó khăn “gặt” trái ngọt
Nhớ về khoảng thời gian đầu, bà Thi phải xoay đủ thứ nghề, vất vả lo toan cho cuộc sống gia đình. Bà Thi kể: “Nhà nghèo khó, để có tiền lo cho mẹ già 70 tuổi cùng 5 đứa con ăn học, ngày nào tôi cũng dậy từ 3 giờ sáng đi làm đến tận 23 giờ đêm mới được nghỉ. Nhiều lúc tôi chỉ ước mình được ngủ một giấc ngủ trọn vẹn. Công việc ngày ấy không chỉ có làm ruộng mà còn tranh thủ mọi cơ hội để buôn bán thêm…”
Bà Thi còn sinh thêm 2 người con nữa, ông Cương thì không thể lao động nặng được nữa nên gánh nặng cơm áo gạo tiền tiếp tục đè nặng hơn lên đôi vai của bà. Bà Thi nhớ lại, đến ngày sinh đứa con thứ 2 bà vẫn cố gắng đạp xem đi bán rau ở chợ xa để kiếm thêm thu nhập.
“Có nhiều lần đang đi xe đứt phanh, tôi ôm bụng bầu lao từ trên cầu xuống, trời thương nên mẹ con vẫn bình an”, bà Thi kể.
Không chỉ đảm đang lo toan đời sống, bà Thi còn làm tròn bổn phận của người mẹ hiền, chăm lo nuôi dạy cả 5 đứa con của chồng chu đáo như chính những đứa con mình dứt ruột đẻ ra.
Đối với chồng, bà Thi luôn là “bác sĩ” tận tâm nhất, mỗi lần trái nắng trở trời vết thương cũ của ông Cương tái phát là bấy nhiêu lần bà thức khuya dậy sớm chăm sóc. “Là người vợ, chứng kiến cảnh ông ấy đau, tôi cũng đau đớn không kém phần, chỉ ước ông có thể san sẻ bớt nỗi đau sang cho mình” bà Thi nói.
Không những đảm đang, bà Thi còn luôn hoàn thành bổn phận chữ hiếu với cả hai bên nội ngoại cũ và mới. Bà Thi kể: “Từ khi về làm dâu, tôi xem bố mẹ, các em của chị cả (vợ đầu đã mất của ông Cương – PV) như gia đình của mình. Các ngày lễ, ngày tết tôi luôn hoàn thành nghĩa vụ của người con. Vì vậy, tình cảm giữa hai bên rất thân thiết. Vì vậy, nhiều khi trái gió trở trời, chỉ hắt hơi, sổ mũi là các dì, các cậu lại chạy lại hỏi thăm tôi rồi”.
Như chính lời anh Nguyễn Văn Phương - con trai thứ 3 cho biết: “Bố tôi bị thương binh nặng, mẹ lại mất sớm nên anh em tôi bị mồ côi. Khi bố lấy mợ về tôi lo lắng cảnh dì ghẻ con chồng nhưng sống với nhau tôi thấy mợ luôn chăm sóc, lo lắng cho anh em tôi. Trải qua một thời gian dài, cùng nhau vượt qua những khó khăn, tôi rất biết ơn mợ. Bởi không có mợ, chúng tôi sẽ không có ngày hôm nay”.