Cổ vật trục vớt được tại biển Quảng Ngãi thuộc về Nhà Nước

Mới đây, trong lúc lặn tìm hải sản tại vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, một số ngư dân địa phương phát hiện một con tàu cổ bị đắm vùi sâu dưới cát, bên trong có nhiều cổ vật gốm sứ. Ngư dân cho rằng họ phát hiện được là cổ vật của họ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định cổ vật thuộc tài sản Nhà nước. Không đồng tình, ngư dân vẫn tiếp tục lén lút trục vớt cổ vật, thậm chí tấn công cơ quan chức năng khi bị khống chế. 

Mới đây, trong lúc lặn tìm hải sản tại vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, một số ngư dân địa phương phát hiện một con tàu cổ bị đắm vùi sâu dưới cát, bên trong có nhiều cổ vật gốm sứ. Ngư dân cho rằng họ phát hiện được là cổ vật của họ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định cổ vật thuộc tài sản Nhà nước. Không đồng tình, ngư dân vẫn tiếp tục lén lút trục vớt cổ vật, thậm chí tấn công cơ quan chức năng khi bị khống chế. 

Người dân vui mừng với số cổ vật vớt được
Người dân vui mừng với số cổ vật vớt được
Tấn công công an vì cổ vật
Sau khi biết tin tầu chìm có cổ vật, hàng trăm ngư dân đã đổ xô ra biển lặn tìm và nhanh chóng tẩu tán cổ vật đi nơi khác. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đã kịp thu giữ hai chiếc bát tô gốm men xanh ngọc, hai bát tô gốm men xám và một đồng tiền cổ. Qua giám định ban đầu, cơ quan chức năng xác định bốn cổ vật trên có niên đại từ thời nhà Minh (Trung Quốc) thuộc thế kỷ XV. Sau đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các lực lượng chức năng khoanh vùng bảo vệ hiện trường, nghiêm cấm người dân lặn tìm cổ vật trái phép. 
Tiếp theo những ngày sau đó, vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hàng trăm người đã bỏ cả công ăn việc làm, ồ ạt đi tìm cổ vật nằm dưới đáy biển, gây mất an ninh trật tự. Tối 10/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc họp bàn biện pháp triển khai công tác quản lý, bảo vệ khu vực này.
Theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, nếu không có biện pháp khai quật sớm thì tình hình an ninh trật tự ở khu vực này sẽ rất phức tạp, dễ xảy ra án mạng. Hiện nay, mặc dù các lực lượng chức năng đã giăng dây phao xung quanh khu vực phát hiện có cổ vật nhưng luôn có khoảng 40 tàu thuyền có công suất từ 40CV trở lên của ngư dân luôn túc trực thường xuyên phía bên ngoài, chờ sơ hở để  lặn tìm.
Nhiều người buôn bán đồ cổ ở khắp nơi cùng  đổ xô về xã Bình Châu để tranh giành mua cổ vật, gây bất ổn về an ninh trật tự. Trong khi đó, khu vực này chỉ cách bờ khoảng 200 mét, gần khu dân cư nếu không khai quật sớm khi có gió cấp 4, tàu thuyền của các cơ quan chức năng không vào được thì việc bảo vệ sẽ rất khó khăn. 
Hiện nay, Công an tỉnh Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn đã thu hồi lại được khoảng 35 cổ vật gồm chén, đĩa, ly, bình . Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành xử lý phạt hành chính 3 phương tiện khai thác trái phép và đang tạm giữ 11 phương tiện khác. Ông Nguyễn Quốc Vương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi trực tiếp ra động viên ngư dân không nên tham gia trục vớt cổ vật. Bên cạnh đó, chúng tôi làm việc với trưởng thôn, nơi phát hiện cổ vật lên loa thông báo cho bà con biết những cổ vật đó là tài nguyên quốc gia, người dân không được khai thác. Từ hôm qua, các cơ quan chức năng đã bảo vệ nên cơ bản đã ổn định”.
Sáng 13/10, ông Nguyễn Quốc Vương  cho biết thêm : Trong lúc các lực lượng chức năng tiến hành việc khảo sát, thăm dò tàu chìm chứa cổ vật ở thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu) thì nhiều người dân kéo đến gây rối. Nhóm người này cho rằng tàu chứa cổ vật này do người dân địa phương phát hiện nên phải để người dân cùng tham gia khai quật tàu. 
Lực lượng bảo vệ khu vực tàu chìm đã giữ một đối tượng gây hấn. Ngay sau đó, rất đông người dùng đá tấn công lực lượng bảo vệ làm bị thương một chiến sĩ cảnh sát cơ động. Những người manh động còn đập bể cửa kính xe công an và lật ngã xe xuống bãi cát. Công an Quảng Ngãi đã phải huy động thêm lực lượng mới ngăn chặn được vụ việc. 
Trong ngày 13/10, việc khảo sát, thăm dò tàu cổ buộc phải tạm ngừng để báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo xử lý vụ cản trở, đồng thời tăng cường lực lượng bảo vệ. Trong những ngày qua, người dân địa phương vẫn thường xuyên có hành động cản trở lực lượng khảo sát, thăm dò cổ vật và tìm cách lặn vào khu vực tàu đắm để lấy cắp cổ vật. 
Cổ vật thuộc sở hữu Nhà nước
Chuyên viên Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, TP.HCM cho biết: Pháp luật đã có các quy định tương đối đầy đủ đối với việc xử lý tài sản bị chìm đắm được phát hiện ( tìm thấy nói chung và cổ vật nói riêng ). Cụ thể là các quy định tại Luật Di sản văn hóa, Bộ luật Dân sự và các văn bản dưới luật có liên quan. Cụ thể, theo quy định tại Luật Di sản văn hóa, Bộ luật Dân sự, Nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, Nghị định 96/2009/NĐ-CP về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy trên đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam, cổ vật bị chìm đắm được tìm thấy mà không xác định được ai là chủ sở hữu thì quyền sở hữu thuộc về Nhà nước (khoản 1 Điều 240 Bộ luật Dân sự, Điều 7 Luật Di sản văn hóa, khoản 4 Điều 4 Nghị định 96/2009). Tổ chức, cá nhân phát hiện, tìm thấy cổ vật bị chìm đắm không được tự khai quật, trục vớt mà phải bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ thông tin có liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Cảng vụ hàng hải, UBND cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất (khoản 1 Điều 4, điểm c, khoản 1 Điều 5 Nghị định 96/2009). Tổ chức, cá nhân phát hiện di vật, cổ vật mà kịp thời thông báo và tự nguyện giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản; được xét tặng, truy tặng Giấy khen, Bằng khen, Huy chương hoặc các hình thức khen thưởng khác tùy theo giá trị của di vật, cổ vật và được thưởng một khoản tiền theo quy định của Chính phủ (khoản 1 Điều 240 Bộ luật Dân sự, khoản 3 Điều 41 Luật Di sản văn hóa, khoản 1 Điều 33 Nghị định 98/2010/NĐ-CP). 
Theo ông Kiều Anh Vũ, trong trường hợp nêu trên, đối với người dân có hành vi trực vớt cổ vật trái phép; tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ bảo vệ cổ vật thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Chẳng hạn, với hành vi trục vớt trái phép cổ vật thì có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (điểm a khoản 2 Điều 35 Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa); với hành vi vi phạm các quy định về phát hiện, bảo vệ, khai báo và giao nộp di sản văn hóa (di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia) như: Phát hiện được di sản văn hoá mà không tự giác khai báo, cố tình chiếm đoạt; gây hư hại di sản văn hoá do phát hiện được mà không tự giác giao nộp thì có thể bị phạt tiền tối đa đến 40 triệu đồng, tùy theo giá trị cổ vật. Như vậy, nếu phát hiện, ngẫu nhiên tìm thấy cổ vật mà tự giác khai báo, giao nộp thì được thưởng; nếu cố tình chiếm đoạt, làm hư hại thì chẳng những không được thưởng mà còn bị xử phạt. Riêng đối với hành vi tấn công lực lượng bảo vệ, cảnh sát; đập phá xe cảnh sát có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 Bộ luật Hình sự; tội hủy hoại tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất của mỗi tội lên đến 7 năm tù.
“Theo quan điểm của tôi, hàng trăm người dân vẫn tranh thủ sơ hở để trục vớt cổ vật có nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hai phía. Một là, từ phía người dân. Giá trị cổ vật quá lớn đã “lôi kéo” họ phải có hành động như vậy. Bên cạnh đó, có thể họ không hiểu rõ quy định của pháp luật hoặc cũng có thể một phận người dân bất chấp quy định của pháp luật. Hai là, từ phía cơ quan có thẩm quyền. Cần giải thích cặn kẽ quy định pháp luật cho người dân hiểu, các chế tài nếu người dân có hành vi trục vớt trái phép, chống đối lực lượng chức năng đang bảo vệ khu vực có cổ vật. Điều quan trọng nữa là cơ quan có thẩm quyền cần giải thích rõ quyền lợi của những người dân đã phát hiện, thông báo, giao nộp cổ vật; tiến hành khen thưởng xứng đáng theo quy định của pháp luật .” Chuyên viên Kiều Anh Vũ khẳng định.
Trần Tố 

Đọc thêm