[links()] Hình ảnh bé gái chỉ xuất hiện trong đoạn phim ở chương trình thời sự Đài truyền hình Việt Nam tối ngày 14.2 chỉ hơn 1 phút nhưng đã làm dư luận cả nước rưng rưng xúc động. Vì những tiếng khóc kinh hoàng của em, vì nét mặt bầm tím nặng nề của em và vì em mới có 10 tuổi đời… Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông về nạn bạo hành trẻ em đã và đang diễn tiến phức tạp và nhức nhối trong tim những người làm luật một câu hỏi: Luật đã đủ, tại sao chưa hiệu quả?
Ảnh minh họa |
3.000 vụ bạo hành trẻ em/ năm
Sáng 13/2, tầng 4 khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi xôn xao về vụ một bé gái 10 tuổi xã Hàng Trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, có dấu hiệu bị cha mẹ nuôi bạo hành dã man, khuôn mặt em gần như bị biến dạng. Đó là bé Nguyễn Thục Phi (9 tuổi) nhập viện ngày 11/2 với các vết bầm tím trên cơ thể và đặc biệt, 2 mắt em bị sưng tím, phù nề, không thể mở mắt được; môi sưng tấy, miệng rớm máu, tinh thần luôn trong tình trạng hoảng loạn.
Đến 14h chiều 11/2, sau khi có sự can thiệp, yêu cầu của cán bộ Hội phụ nữ và sức khỏe bà mẹ trẻ em xã Hành Trung, vợ chồng ông Mùi mới chịu đưa bé Phi đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu. Chiều 14/2, Công an huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã bắt khẩn cấp ông Nguyễn Mùi ở xã Hành Trung vì hành vi hành hạ, đánh đập bé Phi.
Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông về nạn bạo hành trẻ em đã và đang diễn tiến phức tạp và nhức nhối trong tim những người làm luật một câu hỏi: Luật đã đủ, tại sao chưa hiệu quả? Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong hai năm 2009 – 2010, cả nước đã xảy ra hơn 6.000 vụ trẻ em bị bạo lực, tức là trung bình mỗi năm có hơn 3.000 vụ (bao gồm cả thể xác, tình dục và tinh thần).
Điều đáng lưu ý là nạn bảo hành trẻ em không chỉ gia tăng về số lượng, dã man về tính chất, mức độ mà còn phong phú về hình thức thể hiện. Thực trạng trên phải chăng đang phản ánh một hiện tượng xã hội bất thường? Trong khi hệ thống pháp luật về phòng chống bạo hành trẻ em ở nước ta ở nước ta đã được xây dựng và ban hành khá lâu, khá đầy đủ nhưng khả năng thực thi lại dường như không có hiệu quả? Vậy nguyên nhân của vấn đề là ở đâu?
Đừng coi con em như “vật sở hữu”!
Là người luôn đau đáu với sự gia tăng của nạn bạo hành trẻ em, bà Hà Thị Hồng Lan – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ của Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng có 4 nguyên nhân. Trong đó về mặt pháp luật là thời gia qua, tuy Việt Nam đã có thêm rất nhiều bổ sung tốt cho hệ thống pháp luật nhưng mới ở mức chung, một số quy định của pháp luật chưa thực sự rõ ràng, cụ thể gây khó khăn cho việc xử lý.
Bà Lan nêu ví dụ về việc cần cụ thể, chi tiết hóa các khái niệm bạo lực, xâm phạm trẻ em, đặc biệt là với những hnahf vi dưới mức vi phạm chưa được quy định rõ ràng (ví dụ như việc khiêu dâm trước mặt trẻ là có xâm hại hay không). “Khi và chỉ khi có những quy định cụ thể, người dân sẽ phải ý thức hơn về các hành vi của mình đối với trẻ để tránh vi phạm pháp luật” – bà Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc đánh giá, xử lý những vụ bạo hành trẻ em không tận gốc và chưa thật sự nghiêm minh. Thông thường, cơ quan chức năng chỉ mới tập trung xử lý “người dưng” tức là những người thuê lao động trẻ em đã trực tiếp đánh đập, hành hạ trẻ. Còn với người thân thích, giám hộ của trẻ em thì dường như cơ quan chức năng đã bỏ qua, chưa điều tra tới nơi xem họ liệu có phải là đồng phạm không để xử lý tương xứng.
Cách đây không lâu, tại một cuộc hội thảo về phòng chống tội phạm và pháp luật đối với phụ nữ và trẻ em, khi thảo luận tới những giải pháp phòng ngừa, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng nên chăng với các vụ bạo hành, vi phạm quyền trẻ em đặc biệt là trường hợp cha mẹ, người thân thích tự tay bạo hành hay đồng phạm, giúp sức, cơ quan chức năng nên đẩy mạnh việc xét xử lưu động để răn đe làm gương.
Nhưng thiết nghĩ, làm vậy chưa đủ, mà cái chính là phải có biện pháp sao đó để có thể gõ cửa từng nhà, đả thông đến từng gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em, xáo bỏ tư tưởng ở một số bộ phận gia đình con con cháu như là một “vật thuộc quyền sở hữu” của mình rồi muốn đối xử sao cũng được.
Không dám tước quyền cha mẹ vì không ai nuôi trẻ Sở Lao động TB&XH Quảng Ngãi vừa kiến nghị các cơ quan chức năng tước quyền làm cha mẹ nuôi của ông Nguyễn Mùi và bà Đoàn Thị Hồng Yến ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành đối với bé Phi 10 tuổi, vì đã hành hạ bé dã man. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành, trường hợp cha mẹ có hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự của con, vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng… có thể bị tòa án tuyên không cho chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con cái (chưa thành niên) từ 1-5 năm. Tòa án có thể tự ra quyết định hoặc theo sự đề nghị của Viện Kiểm sát, các cá nhân, tổ chức khác như Hội Liên hiệp phụ nữ, Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em… Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, người từng tham gia bảo vệ quyền lợi cho rất nhiều trẻ em trong các vụ bị bạo hành cho biết kể từ khi Luật có hiệu lực (ngày 1-1-2001) đến nay chưa thấy có trường hợp nào viện kiểm sát, hội liên hiệp phụ nữ, ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em… yêu cầu tòa án hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nổi cộm là việc do chưa có hướng dẫn cụ thể cơ quan, tổ chức xã hội nào có trách nhiệm nhận nuôi, dạy người chưa thành niên trong trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền. |
Hạnh Quyên