Con cháu... lạm dụng cha mẹ già

Con cháu rất biết cách để “tận dụng” sức lao động của cha mẹ, khiến họ còn bận rộn, mệt mỏi hơn là đi làm như: thay ô sin trông con, cơm nước, thay người làm trông cửa hàng, làm bảo vệ... Nhiều người trẻ cho rằng như thế là yêu thương, là “tạo việc làm” để các cụ đỡ buồn chán, nhưng thực chất họ đang lạm dụng cha mẹ.

Theo điều tra quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam, mô hình gia đình Việt Nam đang thay đổi chóng mặt, nếu năm 1993 có tới 80% NCT sống với con cái thì năm 2010 tỷ lệ này chỉ còn 57,2%. Tỷ lệ NCT sống cô đơn cũng tăng từ 3,47% (năm 1993) lên 6,8% (năm 2010). Thậm chí, ngay cả khi sống cùng với con cháu, NCT vẫn chịu cảnh cô đơn, “mồ côi” một mình, không được chăm sóc, thậm chí bị đe dọa, đánh đập...

Hình minh họa (internet)
Hình minh họa (internet)

Về hưu bận hơn đi làm

Cùng tuổi già như nhau nhưng cuộc sống của đàn ông cao tuổi hiện nay vẫn có nhiều sự thoải mái hơn phụ nữ cao tuổi. Bởi lẽ, đàn ông về hưu họ có thể mở công ty hay đi làm ăn với bạn bè nhưng phụ nữ nghỉ hưu phần lớn lại tất bật hơn với vai trò “nội tướng”, thậm chí là ô sin thứ thiệt khi lần lượt đón cháu nội, cháu ngoại ra đời.

Con cháu rất biết cách để “tận dụng” sức lao động của cha mẹ, khiến họ còn bận rộn, mệt mỏi hơn là đi làm như: thay ô sin trông con, cơm nước, thay người làm trông cửa hàng, làm bảo vệ... Nhiều người trẻ cho rằng như thế là yêu thương, là “tạo việc làm” để các cụ đỡ buồn chán, nhưng thực chất họ đang lạm dụng cha mẹ - theo nhận định của chuyên gia. Thậm chí, mọi việc riêng của bà như tham gia các hoạt động của đoàn thể, lễ lạt, họ hàng đều phải xếp sau mọi việc của con cái…

Ông bà Khải chỉ có mình anh Hải là con. Từ ngày nghỉ hưu, vợ chồng ông bà thực sự trở thành ô sin trong chính ngôi nhà của mình. Hai vợ chồng anh Hải hàng ngày đi làm từ 6 giờ sáng, đến 5 giờ chiều mới về. Việc chăm sóc cháu bé chủ yếu nhờ cả vào cha mẹ già. Vợ chồng anh thường vô tư khoe về cái sự con không theo mẹ, thậm chí ngủ cũng bám bà nên vợ chồng anh chị có nhiều thời gian làm ăn, dành cho bạn bè, shoping…, mà không biết rằng bố mẹ mình quá vất vả với việc chăm trẻ nhỏ và hàng trăm thứ việc không tên khác trong nhà. 

Cũng làm ô sin trong nhà như vợ chồng ông Khải, nhưng bà Huyền - một cán bộ nhà nước vừa về nghỉ hưu còn phải gánh chịu cả nỗi cô đơn. Chồng bà mất sớm, một mình bà nuôi hai đứa con một trai, một gái trưởng thành, có công việc ổn định. Hàng ngày các con đi làm, các cháu đi học, bà ở nhà  dọn dẹp, cơm nước cho con cháu. Mỗi buổi tối sau khi ăn xong, hai vợ chồng anh con trai và 2 đứa cháu ai về phòng nấy. Bà cảm thấy mình chẳng khác gì một người vô gia cư.

Cám cảnh ô sin của những người bạn già nên mặc dù con trai, con gái đủ cả nhưng hai vợ chồng bà Phạm Thị Ngát (Long Biên, Hà Nội) không thích sống chung với con cháu mà ở riêng, tự chăm sóc nhau, thi thoảng con cháu mới tụ tập về thăm. Nhưng điều mà bà Ngát không nói ra là có những lúc ông bà ngồi nhìn nhau buồn tênh vì nhớ con, nhớ cháu.

Tất yếu hay bất hiếu?

Điều thường thấy ở các gia đình hiện nay là  sự gắn kết giữa ông bà và các cháu không thực sự mặn mà. Bố mẹ không truyền sang con cái sự kính trọng, tình yêu thương cũng như trách nhiệm báo hiếu ông bà. Thậm chí, hiện có nhiều quan điểm về việc đưa người già vào trung tâm dưỡng lão.

Có người cho rằng phải thay đổi quan niệm cũ là không phải những người vào trung tâm dưỡng lão đều bị con cái ruồng bỏ mà ngược lại, chỉ có những đứa con thật có lòng mới có thể đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão với những chế độ an dưỡng đạt chuẩn.

Tạm thời chưa nói đến sự đúng, sai của quan niệm này, chỉ biết rằng những người già mà chúng tôi từng gặp tại Trung tâm báo hiếu Thiên Đức (Từ Liêm - Hà Nội) đều có ánh mắt buồn xa vắng và cả những giọt nước mắt lăn dài trên những gương mặt nhuốm màu thời gian.

Tiến sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và đào tạo cộng đồng (RTCCD - thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã từng khẳng định rằng, xu thế đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là tất yếu chứ không phải bất hiếu.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế không thể phủ nhận là người già trong những trung tâm dưỡng lão đang bị đẩy xa khỏi môi trường gia đình - là nơi họ thuộc về trong sự đầm ấm, yêu thương, kính trọng của con cháu. Bởi những người ông, người bà trong gia đình chính là sự ấm áp, là những bài học làm người thẳm sâu, là nếp nhà và ký ức tràn đầy kỷ niệm của mỗi người…

Nguyễn Mỹ

Đọc thêm