Con cháu người Ê đê ra Hà Nội mới được... ngắm nhà cha ông?

(PLO) - “Hiện nay ở làng tôi không còn ngôi nhà dài nào được như thế này nữa…”, là lời chia sẻ của ông Y Viên, nghệ nhân Êđê hiện đang tham gia tu sửa một số hạng mục xuống cấp của ngôi nhà dài Êđê và nhà rông Bana tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bắt đầu từ ngày 24/4/2016. 
Ảnh nhà dài từ internet.
Ảnh nhà dài từ internet.

Khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hiện có 10 công trình kiến trúc dân gian, trong đó nhà dài của dân tộc Êđê và nhà rông của dân tộc Bana là hai công trình được phục dựng hoàn toàn theo nguyên gốc, bởi vậy nó gợi lại kỷ niệm và ký ức cho rất nhiều người con Tây Nguyên. Nhà rông là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào Bana thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng, thích ứng với môi trường thiên nhiên.

Nhà dài truyền thống là một phức hợp không gian kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng - tâm linh của người Ê-đê và M’nông. Nhà dài là nơi chung sống của đại gia đình theo chế độ mẫu hệ và thường xuyên được nối dài mỗi khi một thành viên nữ trong đại gia đình xây dựng gia thất. 

Tham gia tu sửa một số hạng mục xuống cấp của ngôi nhà dài Êđê, nghệ nhân Y Viên cho biết: “Hiện các ngôi nhà đã thay đổi nhiều, được lợp mái tôn, đóng ximăng… khác ngày xưa. Vì thế, nhìn thấy nhà dài Êđê ở Hà Nội, được tham gia sửa chữa ngôi nhà tôi rất xúc động, rất vui. Sau này con cháu chúng tôi có thể ra Hà Nội và ngắm nhìn ngôi nhà của cha ông”.

Tâm sự buồn này của ông Y Viên cũng là tâm sự của nhiều người Ê đê và những người nghiên cứu về dân tộc học bởi theo thống kê mới nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, tính đến cuối năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 2.608 ngôi nhà dài. Con số này cho thấy sự sụt giảm khá rõ vì trước đây, tại 600 buôn làng Ê-đê, M’nông đều có từ 50 - 60 ngôi nhà dài trong mỗi buôn làng.

Còn nhớ, cách đây 4 năm vào dịp “Những ngày văn hoá Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II - 2012”,  thì bên cạnh những nét đặc sắc được phô diễn, trình diễn, giới thiệu tới công chúng, vẫn còn đâu đó những nỗi niềm của các già làng, nghệ nhân và cả những người làm công tác quản lý bởi bản sắc văn hoá Tây Nguyên không còn nguyên vẹn, những giá trị văn hoá độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên đang dần mai một.

Một trong những vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, đề cập đến, đó là sự biến đổi trong đời sống kinh tế của cộng đồng, dẫn đến nhu cầu tinh thần hưởng thụ văn hoá truyền thống không còn được duy trì. Đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Thậm chí có những người đã mang bán cả những bộ chiêng quý để làm vốn sản xuất và giải quyết đời sống khó khăn của gia đình…

Thế mới thấy, văn hóa là sản phẩm của đời sống xã hội, đời sống biến đổi thì văn hóa cũng có những đổi thay. Song khi cái cũ đang dần mai một mà chưa hình thành nên cái mới đủ sự đặc sắc và đặc trưng thì con cháu người Ê đê phải ra Hà Nội để ngắm nhìn ngôi nhà của cha ông sẽ là tương lai đáng buồn và không xa.

Đọc thêm