Cũng trong dịp đó, có hai kỷ vật là thanh gươm và chiếc áo trấn thủ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho ông Vương Chí Sình để ghi nhận công lao của ông và đồng bào H’Mông đối với cách mạng và bảo vệ đất nước. Hai kỷ vật này đã được con cháu nhà họ Vương gìn giữ cẩn thận trong nhiều năm qua để đến ngày 3/8/2019, trước thềm kỷ niệm 74 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công 19/8 và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2/9, đã được trao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để gìn giữ cho muôn đời sau. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã dự và chứng kiến lễ tiếp nhận.
“Chúng tôi gìn giữ kỷ vật cẩn thận để nguyện theo Bác Hồ, theo Đảng ”
Ông Vương Quỳnh Xuân sinh năm 1971 là cháu đích tôn của ông Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa I, II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), nguyên quán tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, hiện nay đang sinh sống và làm việc tại Canada, đã xúc động phát biểu tại buổi lễ trao tặng như vậy.
Thông tin từ Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, thanh gươm bằng hợp kim thép do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Xưởng quân khí Bộ Quốc phòng làm và tự tay Bác Hồ viết trên hai bên của bao thanh gươm tám chữ Nho: “Tận tâm báo quốc. Bất thụ nô lệ”. Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Bùi Công Trừng - Thứ trưởng Bộ Kinh tế làm đặc phái viên thay mặt Người mang thanh kiếm lên thị xã Hà Giang trao tặng cho ông Vương Chí Sình
Chiếc áo trấn thủ do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Hải Dương tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1950. Trên áo có thêu ngôi sao vàng và dòng chữ: “Kính tặng Hồ Chủ Tịch- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương”. Bác Hồ Chí Minh sau khi nhận áo đã cho thêu thêm bên dưới dòng chữ: “Chuyển tặng Vương Chí Thành, đại biểu Quốc hội” và bên dưới ký tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trao hai kỷ vật quý của dòng họ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Vương Quỳnh Xuân xúc động cho biết: “Đã bao nhiêu năm trôi qua, thanh gươm và chiếc áo trấn thủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng là báu vật quý giá nhất luôn được con cháu họ Vương chúng tôi gìn giữ cẩn thận cho dòng họ và cho cả dân tộc của mình, nguyện tiếp tục phấn đấu theo con đường mà ông cha đã lựa chọn theo Bác Hồ, theo Đảng…”. Ông Vương Quỳnh Xuân cũng bày tỏ mong muốn của ông và gia đình là “hai bảo vật này sẽ được Bảo tàng Hồ Chí Minh gìn giữ và bảo quản tốt để giới thiệu cho toàn thể đồng bào trong nước và khách nước ngoài được chiêm ngưỡng và hiểu rõ mối quan hệ đặc biệt có một không hai giữa Hồ Chủ tịch và Đảng với ông Vương Chí Sình và toàn thể đồng bào H’Mông”.
Với Bảo tàng Hồ Chí Minh, những hiện vật này có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiệp vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây chính là những kỷ vật có giá trị, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cụ Vương Chí Sình, một thủ lĩnh của bà con dân tộc H’Mông ở Hà Giang đã giác ngộ và đi theo phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh TS. Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh: “Hai kỷ vật thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho cụ Vương Chí Sình mang một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc của Người dành cho vị thủ lĩnh đồng bào dân tộc H’Mông. Đáp lại lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Vương Chí Sình đã cùng với đồng bào dân tộc Mông đồng cam cộng khổ đấu tranh giữ vững vùng đất Mèo Vạc - Đồng Văn trong những thời điểm khó khăn và cam go nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những hiện vật do ông Vương Quỳnh Xuân, đại diện gia đình cụ Vương Chí Sình tin tưởng, hiến tặng hôm nay sẽ được Bảo tàng Hồ Chí Minh gìn giữ và giới thiệu một cách rộng rãi, giúp cho công chúng hiểu thêm về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những đóng góp của đồng bào dân tộc H’Mông đối với đất nước cũng như tình cảm của cụ Vương Chí Sình và các thế hệ con cháu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Được biết, sau lễ tiếp nhận, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ hiện vật và sớm tổ chức trưng bày trước toàn thể nhân dân, khách quốc tế trong thời gian tới. Cũng tại Kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh còn có cuốn Sổ tặng phẩm có ghi chép về những món quà mang đậm dấu ấn của vùng cao, khi thì quả cam, trái lê, lúc thì chai mật ong và vài bao thuốc lá….. mà cụ Vương Chí Sình gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh để thể hiện lòng biết ơn, tình cảm sâu đậm của ông đối với Người. Những món quà đậm ân tình này đã được các cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch trước đây ghi chép đầy đủ trong cuốn Sổ tặng phẩm.
|
8 chữ Nho trên bia mộ của ông Vương Chí Thành |
“Tận tâm báo quốc. Bất thụ nô lệ”
Đây là tám chữ Nho đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay viết trên hai bên của bao thanh gươm. Tháng 5/2013 trong loạt bài nhiều kỳ “Chuyện Bác Hồ với cha con thủ lĩnh Vương Chí Sình” của tác giả Đinh Đức Cẩn đăng tải trên báo Dân trí, tác giả cũng đã có nhắc đên tám chữ Nho này. Theo đó, “việc chế tác Bác giao cho xưởng quân giới của ông Trần Đại Nghĩa. Theo yêu cầu của Bác, xưởng quân giới chọn loại thép xanh vừa cứng, vừa dẻo để rèn….Vỏ đao được làm bằng gỗ tốt, có vân, không bị nứt nẻ bởi thời tiết và qua thời gian. Sau khi hoàn thành mang lên để Bác kiểm tra, Người vén tay áo viết vào 2 mặt vỏ bao 8 chữ nho. Một bên là ''Tận trung báo quốc'', bên kia là ''Bất thụ nô lệ'' và bên dưới có chữ ký của Bác. Nét chữ rắn rỏi, bay bướm rất đẹp”.
Tám chữ Nho mà Bác Hồ viết tặng ông Vương Chí Sình rất được bản thân ông và dòng họ Vương gìn giữ, tôn trọng. Bằng chứng là ngày nay, nếu có dịp thăm Dinh thự họ Vương ở xã Sà Phìn huyện Đồng Văn, Hà Giang sẽ thấy những chữ đó được khắc vào phiến đá mặt tiền phần mộ của ông Vương Chí Sình. Bia mộ ghi tên ông là Vương Chí Thành (là tên Bác Hồ gọi Vương Chí Sình) cùng chức danh Đại biểu Quốc hội khóa I và II nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hai bên bia mộ là dòng chữ “Tận trung báo quốc. Bất thụ nô lệ” cũng chính là 8 chữ được viết trên thanh gươm Bác Hồ tặng. Khu mộ của dòng họ Vương nằm ở bên phải cổng vào dinh thự, dưới bóng mát của rặng samu cổ thụ hàng trăm năm.
Cũng cần nói thêm rằng sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, ông Vương Chí Sình đã một lòng theo sự nghiệp cách mạng. Tại khóa Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946, ông vinh dự được bầu là đại biểu Quốc hội. Là một người có tiếng nói có nhiều ảnh hưởng, ông đã tuyên truyền vận động người dân Hà Giang một lòng theo chính quyền mới, sống định canh định cư, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu… để từ đây cuộc sống của người H’Mông ở cao nguyên Đồng Văn nói riêng và trên khắp đất nước Việt Nam nói riêng đã bước sang một trang mới, ấm no, hạnh phúc.
Và từ những hiện thực đời sống này và cảm hứng nghệ thuật, hơn 50 năm trước nhạc sĩ Thanh Phúc đã sáng tác ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” trong đó có những câu hát: “Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát/ Sao còn có trên trời người Mèo ơn Đảng/Bao đời nay sống nghèo lam lũ/Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi/Nhớ ơn Đảng đưa tới/Ta từ nay ấm no/ Không bỏ rẫy đốt nhà mà lang thang nghèo suốt đời/Từ nay dân Mèo sống chung/Bản Mèo vui trong tiếng khèn/Người Mèo ơn Đảng suốt đời...”.
|
Chiếc áo trấn thủ được trao tặng |
Ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” không chỉ vang lên trên làn sóng phát thanh, trong những chương trình mừng xuân, mừng Đảng, những hội diễn khắp mọi vùng quê mà ca khúc này còn trở thành bài hát truyền thống tự hào của đồng bào dân tộc H’Mông. Họ hát bài ca “Người Mèo ơn Đảng” khi đi nương làm rẫy, ở chợ phiên, họ hát ở nhà riêng, buổi vui hội họp, lúc gặp bạn bè…Nhạc sĩ Thanh Phúc kể, có lần ông yêu cầu một em bé H’Mông hát một bài dân ca cho ông nghe, em bé này hồn nhiên hát bài “Người Mèo ơn Đảng” mà không hề biết rằng đang hát cho chính tác giả nghe. “Người Mèo ơn Đảng” là một trong số rất ít ca khúc của Việt Nam hiện được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng: Mông, Trung Quốc, Anh và Pháp để các ca sĩ thể hiện ca khúc này khi giao lưu với bạn bè quốc tế.
Ngày nay, Khu dinh thự “Vua Mèo” là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Giang. Khu dinh thự nằm trên gò đất thuộc thung lũng Sà Phìn, cách trung tâm huyện lỵ Đồng Văn 15 km. Dinh thự và cả mảnh đất rộng lớn bao quanh thuộc sở hữu của Vương Chính Đức (1865-1947), thủ lĩnh cộng đồng người H'Mông (còn gọi là “Vua Mèo”) ở cao nguyên đá Đồng Văn trước cách mạng tháng 8. Tòa dinh thự khởi công năm 1898 đến 1903 thì khánh thành. Tổng kinh phí hết khoảng 15.000 đồng bạc hoa xòe (năm 1930, một đồng bạc hoa xòe bằng 10 franc của Pháp). Khu dinh thự được xây kiểu pháo đài phòng thủ. Xung quanh được bao bọc bởi lớp tường đá dày 60-70 cm, cao 2 m, có nhiều lỗ châu mai. Phía sau nhà có 2 lô cốt kiên cố…
Tháng 5/2019, đại diện gia tộc họ Vương người H'Mông đã được UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của khu dinh thự họ Vương. Sổ đỏ được cấp lâu dài cho 16 người là con cháu dòng họ Vương, những người thừa kế hợp pháp, đồng sở hữu khu dinh thự với mục đích sử dụng đất là di tích lịch sử, văn hoá…