“Tôi đồng ý 16+” có làm “nao núng” các nhà soạn luật?

(PLO) - Người cùng giới tính có thể sống chung "như vợ chồng" hay chỉ là một dạng "kết hợp dân sự"? Quyền nuôi con, nghĩa vụ về tài sản... của các đối tượng này khi chung sống với nhau ra sao...Hàng loạt các vấn đề về hôn nhân đồng tính đang cần được làm rõ trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi được thông qua...
PGS. TS Đặng Nguyên Anh: Có nhiều quyền nên được đề cập trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi
PGS. TS Đặng Nguyên Anh: Có nhiều quyền nên được đề cập trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi
"Cặp cùng giới", không thể chỉ là quan hệ dân sự?
Trong thời gian gần đây, cộng đồng người đồng tính và những người ủng hộ, các tổ chức xã hội đã tích cực vận động chiến dịch “Tôi đồng ý 16+” năm 2014, tập trung vào việc kêu gọi các nhà lập pháp thừa nhận và quy định rõ ràng hơn nhằm bảo vệ tốt hơn quyền cho các cặp cùng giới. 
Chiến dịch “Tôi đồng ý 16+” cổ vũ cho việc quy định rõ về giải quyết hệ quả của mối quan hệ chung sống giữa hai người cùng giới tính. Không những thế, chiến dịch kêu gọi phải mở rộng, “cộng thêm” các vấn đề khác như quyền nuôi con, bên cạnh vấn đề tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng. 
Hôm qua (26/3), chia sẻ kết quả điều tra quốc gia về “Quan điểm xã hội với hôn nhân cùng giới” do Viện Xã hội học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (thuộc Bộ Y tế) và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tiến hành, PGS.TS Đặng Nguyên Anh - Viện trưởng Viện Xã hội học cho biết: 
Có khoảng 1/3 số người được hỏi (33,7% trong số 5.300 người) ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Về việc công nhận quyền sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, số người ủng hộ và không ủng hộ gần tương đương nhau, lần lượt là 41,2% và 46,7%. 
Đa số người ủng hộ đề nghị hình thức sống chung cùng giới nên được hợp pháp hóa theo dạng “kết hợp dân sự” hoặc “đăng ký sống chung như vợ chồng”. Đáng chú ý, khi được hỏi về một số quyền cụ thể mà các cặp đôi cùng giới nên được pháp luật bảo vệ, 56% người dân cho rằng cặp đôi cùng giới nên có quyền cùng nhận con nuôi và nuôi con, 51% ủng hộ quyền sở hữu tài sản chung, 47% ủng hộ quyền thừa kế tài sản. “Các quyền này nên được đề cập đến trong Luật Hôn nhân và Gia đình” – ông Nguyên Anh nhấn mạnh.
Phân tích về tiến trình hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới trên thế giới, cán bộ iSEE Lương Thế Huy thông tin, có thời điểm mà chỉ trong một tháng của năm 2013 đã có tới 3 quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới tại 3 châu lục khác nhau (New Zealand, Brazil, Pháp).  Hiện nay tại châu Á, Thái Lan đang soạn thảo Dự luật chung sống cùng giới, Campuchia sửa Bộ luật Dân sự bỏ đi định nghĩa hôn nhân giữa một nam và một nữ... 
“Việt Nam đang ở giai đoạn rất thuận lợi với sự ủng hộ của quốc tế lẫn trong nước. Quan trọng hơn, điều đúng thì luôn nên làm” – ông Huy bày tỏ. 
Viện trưởng iSEE Lê Quang Bình thì nhận định: “Kết quả điều tra này rất đáng để các Đại biểu Quốc hội tham khảo trước khi thảo luận và thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) vào tháng 5/2014 tới. Dự thảo Luật nên được xem xét điều chỉnh để phù hợp với quan điểm của đa số người dân, nhu cầu thực tế của người đồng tính, song tính và chuyển giới, cũng như tiếp cận dần đến nguyên tắc bình đẳng trong luật pháp Việt Nam”.
Không thừa nhận hôn nhân cùng giới, không quy định sống chung?
Tháng 5/2014 tới, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi. 
Được biết, với Dự thảo mới nhất của Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, nhiều ý kiến tán thành việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính của Luật hiện hành và cân nhắc đưa quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” sang điều kiện kết hôn. 
Tuy nhiên, quy định tại Điều 16 về giải quyết hậu quả  của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới đang là điểm còn nhiều tranh cãi với 2 phương án được Dự thảo Luật đưa ra. 
Cụ thể, phương án 1 là không quy định Điều 16; còn phương án 2 quy định: “Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên trong quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính được giải quyết theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan. Công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan đến duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập”.
Xuân Tư - một người đồng tính tại Hà Nội - cho biết: “Cái cuối cùng mà tất cả mọi người trong cuộc mong muốn vẫn là sự thừa nhận và bảo vệ của pháp luật đối với mối quan hệ “chính đáng”. Còn nếu chỉ giải quyết hậu quả của việc chung sống với nhau thì rút cuộc vẫn chỉ là thỏa thuận của hai bên như bất kỳ giữa hai người xa lạ nào khác”. Đây chính là băn khoăn phổ biến trong cộng đồng người đồng tính.
Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị không quy định giải quyết hệ quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính nữa vì quan hệ này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu trường hợp đó xảy ra, tất cả những gì còn lại trong Dự luật liên quan tới người đồng tính chỉ là một dòng “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” và không còn bất kỳ quy định nào khác./.