Gửi con ở đâu để yên tâm đi làm là vấn đề nan giải với nhiều công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay. Trường công thì không thể, vì phần lớn họ là người ngoại tỉnh, không đúng tuyến, trường tư thục thì đắt đỏ, học phí cao. Nếu chọn những trường có giá vừa phải thì cứ nơm nớp lo sợ cho sự an toàn của con mình.
|
Mẹ trông con sau giờ tan ca. |
Khổ như làm... con công nhân thời bão giá
Hỏi vào khu trọ của công nhân khu công nghiệp (KCN) Sài Đồng B thuộc phường Thạch Bàn (Long Biên), chúng tôi được gặp không ít những gia đình có cả vợ và chồng cùng làm công nhân trong một nhà máy của KCN. Được biết KCN này thành lập hơn 16 năm trên một địa bàn rộng, công nhân chủ yếu ở các tỉnh gần kề Hà Nội. Tuy không phải sinh hoạt quá chật chội như ở một số khu trong nội thành nhưng những cặp vợ chồng này đều cố gắng thuê những khu nhà trọ tồi tàn với mức rẻ nhất, trung bình chỉ từ 300.000-500.000 đồng/tháng.
Vào dãy trọ có 3 phòng thì hai phòng là hai cặp vợ chồng, con mới được gần 1 tuổi, nhờ bà lên trông. Vợ chồng anh Kiểm, chị Hằng (ở Thái Bình, làm việc tại KCN được 2 năm) kể với chúng tôi: “Ngày trước lương tuy thấp hơn một chút nhưng mọi chi phí không đắt đỏ nên còn dư dả, nay thì bão giá, có thêm cháu nhỏ 1 tuổi mà lương thì tăng không thấm tháp gì nên đời sống rất khó khăn”.
Chẳng giấu giếm, anh Kiểm cho biết lương hai vợ chồng cả tăng ca cũng chỉ được 5 triệu trừ chi phí sinh hoạt, còn lại chỉ đủ ăn và nuôi con, không có tiền gửi con đi nhà trẻ. Hết 5 tháng nghỉ sinh theo chế độ của công ty, hầu hết các chị lại phải “điệu” các bà ở quê lên trông cháu.
Chị Hằng xót con còn nhỏ nhưng thấy vẫn còn may hơn nhiều chị cùng phân xưởng vì nếu không có bà nội lên trông giúp mấy tháng nay thì đành phải bỏ việc về quê. Khi hỏi về việc gửi trẻ, các chị đều không hề biết bởi chưa bao giờ có ý định gửi mà tìm hiểu. Thực tế các trường mầm non chỉ phục vụ cho con em trên địa bàn, họ không thể gửi con vào các nhà trẻ tư vì chi phí cao chỉ dành cho con em một số ít những gia đình có điều kiện.
Không nhờ được ông bà, có khi họ còn phải nhờ anh chị em thân thiết hoặc bạn bè làm khác ca trông con giúp. Bà Hoa (quê Phú Thọ) bận việc cày cấy phải về nhà 1 tháng mới lên lại, nhìn thấy cháu phải mang gửi hết người này đến người khác, xọp cả đi, bà thương cháu mà chẳng biết làm sao.
Bà bảo: “Cố ở lại đây với cháu cho được tròn một năm, cai sữa rồi tôi bảo bố mẹ cháu đưa cháu về quê cho ông bà chăm. Ở nhà quê cũng nhiều cái thuận tiện, khổ nhất trên này là chỗ ăn ở chật chội, không có ai trông nom, bố mẹ thì đi làm ca kíp suốt ngày”.
Nhìn những đứa trẻ mới vài tháng tuổi đang quen hơi ấm áp, nũng nịu trong tay mẹ, tôi cũng không thể tưởng tượng được cảnh rồi một hai tháng nữa, chúng phải xa cha mẹ sẽ như thế nào?
Còn với những đứa trẻ đã cứng cáp thì được gửi về quê sống với ông bà, tới tuổi đi học cũng học luôn ở quê. Tuy nhiên, khi mà bao nhiêu vấn đề như game online đang bủa vây khắp nơi, bạo lực học đường, khi mà những đứa trẻ thiếu thốn sự chăm lo của cha mẹ thì giải pháp trên cũng chỉ là tình thế...
Gửi tư thục: Lo!
Những thông tin về các vụ bạo hành trẻ em trong các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình khiến nhiều công nhân lao động từ nông thôn ra thành phố làm việc không khỏi lo lắng, nhất là những người có con nhỏ.
Nguyễn Thị Hằng, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, quê Hải Dương cho biết: “Nghe báo đài lên tiếng về những “ác mẫu” tại các trường mầm non tư thục, nhà trẻ tư nhân, vợ chồng tôi thấy lo lắng quá. Bấy lâu mải miết đi làm, gửi con trai ba tuổi tại một nhóm trẻ gia đình, bây giờ mới thấy giật mình. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn không biết phải làm sao khi các điều kiện để xin học cho con vào trường mầm non công lập đều không có. Hơn nữa vợ chồng tôi đều phải làm ca kíp, không thể ngày nào cũng đảm bảo được việc 8 giờ đưa con đi, 4 giờ 30 chiều đón con về”...
Trường Mầm non xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), một trong những xã chiếm tỷ lệ người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp lớn nhất trên toàn huyện hiện đã đón nhận hơn 100 cháu là con em công nhân lao động theo học trong tổng số hơn 800 học sinh toàn trường. Trung bình có 42 cháu/lớp (mặc dù qui định chỉ cho phép 35 cháu/lớp) nhưng trường vẫn cố gắng tiếp nhận thêm con em công nhân lao động. Biết là quá tải nhưng trường đã tìm mọi cách: Tăng giáo viên đứng lớp, cơi nới thêm phòng học để đảm bảo tốt nhất cho các cháu. Thực tế, số lượng con công nhân lao động còn khá lớn nhưng nhà trường không thể tiếp nhận được hết nhu cầu của lực lượng này bởi sự quá tải sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ trên địa bàn.
Tại KCN Phú Thị (huyện Gia Lâm), tình trạng chỗ học cho con công nhân cũng không mấy khả quan hơn. Hầu hết công nhân lao động có con nhỏ đều gửi về quê nhờ người thân trông nom giúp. Một số trường mầm non công lập xung quanh KCN này cũng đã quá tải học sinh nên không thể nhận thêm nhiều trường hợp trái tuyến. Điều kiện về thời gian của các trường này cũng không thể đáp ứng được đặc thù làm việc ca, kíp của công nhân lao động nên phần lớn con công nhân lao động vẫn không có chỗ học đảm bảo các qui định về chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Thiệt thòi đổ lên đầu các em khi nhu cầu quá lớn còn chỗ học quá ít, phía DN lại không có cơ chế xây dựng trường, lớp mầm non phục vụ đối tượng đang trực tiếp làm việc cho mình.
Với nhu cầu gửi con quá lớn của công nhân mà điểm giữ trẻ được cấp phép không đáp ứng hết thì việc mọc lên ngày càng nhiều điểm giữ trẻ tự phát là điều tất yếu. Nếu tình trạng này không được giải quyết thì sẽ không thể tránh khỏi có nhiều sự cố xảy ra.
Có cùng tâm trạng với nhiều công nhân tại các khu công nghiệp, anh Hải Thuận, ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên ngậm ngùi: “Chúng tôi đi làm cả ngày, tối mịt với về chỉ hy vọng con mình được người trông trẻ thương yêu và đối xử tử tế... Để những người lao động như chúng tôi yên tâm làm việc và cống hiến cho xã hội, các cơ quan chức năng và các nhà quản lý nên đầu tư và quan tâm hơn đến việc xây dựng thêm trường, lớp, nơi vui chơi cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở những khu công nghiệp”...
Rõ ràng, việc xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân lao động hiện đang là vấn đề bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả chính quyền, ngành giáo dục và toàn xã hội.
Thế mới biết, ước mơ tưởng chừng nhỏ nhoi của những gia đình công nhân là con em họ được gửi đến trường công, được chăm sóc ngang bằng về giáo dục như những đứa trẻ bình thường khác không dễ thành hiện thực trong một sớm một chiều.
“Doanh nghiệp cần chung tay lo cùng” Theo qui định, doanh nghiệp được phép mở trường như mô hình trường dân lập. Đó là các nhà trẻ, trường mầm non nằm trong nhà máy, xí nghiệp. Trước đây, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo nằm trong mô hình hoạt động của mình để hỗ trợ điều kiện làm việc cho công nhân lao động. Tuy nhiên, khi giải thể, rất ít doanh nghiệp trao lại trường học cho Nhà nước, chỉ còn lại một số ít đơn vị như Nhà máy Thuốc lá Thăng Long và Công ty Dệt 8-3…Nhà nước đã tận dụng cơ sở vật chất này để tạo dựng thành trường mầm non công lập vừa phục vụ con em trên địa bàn, vừa phục vụ con em công nhân của đơn vị. Thực tế cho thấy, các trường mầm non công lập nằm ở các KCN, KCX có đông công nhân làm việc không thể đón nhận hết số trẻ có nhu cầu vào học, khi mà việc đón nhận trẻ đúng tuyến cũng đã trở nên quá tải. Thêm vào đó, còn nhiều bất cập khi trường mầm non công lập không thể đáp ứng được với đặc thù làm việc ca, kíp của công nhân lao động, không thể đón trẻ quá sớm và trả trẻ quá muộn. Vì vậy, ở các khu dân cư nói chung và các khu KCN, KCX nói riêng xuất hiện các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình có thể nhận trông trẻ đến 10 giờ đêm, trông cả ngày nghỉ… Để thu hút cũng như đáp ứng được điều kiện làm việc lâu dài cho người lao động, nhất thiết các doanh nghiệp phải thành lập, xây dựng trường. Ngành Giáo dục sẽ chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn, đội ngũ giáo viên giúp cho những trường học này trong quá trình hoạt động. Như vậy, vừa chăm lo được quyền lợi, nhu cầu chính đáng của người lao động, vừa giảm được gánh nặng quá tải cho các trường mầm non công lập trên địa bàn. Hiện nay, Nhà nước đang rất khuyến khích chủ trương xã hội hóa giáo dục, tạo nhiều điều kiện để các tổ chức, cá nhân đứng ra mở trường, lớp khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện đặt ra. Doanh nghiệp cần chung tay lo cùng ngành Giáo dục, chứ không thể chất thêm sức ép lên ngành Giáo dục. Bà Nguyễn Thị Lan Hương (Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) |
Uyên Na - Kiều Ngân