Còn đớn đau là còn khó buông tay

(PLO) - Tôi thường gặp những người bạn ấm áp, nhẹ tênh, nhưng tôi lại rất ghét phải biết phía sau đó là những gót chân asin “tim vỡ”. Và những bước chân đầu tiên khi họ quyết định buông bỏ một điều gì đó, khi quá đỗi tuyệt vọng là tìm tới Phật pháp. Thế nhưng, thực ra là, chỉ khi nhìn thẳng vào nỗi đau thì bạn sẽ đi qua nó an nhiên...
Còn đớn đau là còn khó buông tay
Không nơi trú ngụ nào hơn sự đối diện
Thời 20, anh là một chàng trai ga lăng, lịch lãm và quyền quý. Tưởng như cuộc sống của anh chỉ có một hướng là bước về phía trước sôi động hay trầm lặng là do anh lựa chọn. 
Thế rồi, anh lấy một người bạn gái thân quen từ rất lâu với gia đình anh. Tất nhiên, cuộc sống của họ là một sự xa xỉ về vật chất. Nhưng dường như vì quá đủ đầy mà vợ anh lại thấy nhàm chán.
 Anh nói: Cô ấy luôn thấy không bao giờ đủ, luôn trách móc dày vò nhau. Thế rồi, bao trĩu nặng thực sự đè xuống khi cậu con trai kháu khỉnh của anh bị mắc chứng tự kỉ. 
Vốn dĩ anh chưa từng phải trải qua những thực tế bất hạnh tới vậy. Anh trở thành một người khác khi vợ anh bỏ lại anh với cậu con trai ngơ ngẩn. Anh trở nên cực đoan và như mắc nợ cậu con trai bé nhỏ. Bởi chu đáo và tình cảm nên anh đi đâu cũng không yên lòng về cậu con trai ở nhà. 
Nhưng vì thế, mọi thứ với anh trở nên phù phiếm. Đồ dùng, quần áo, nước hoa hàng hiệu anh cho hết vào các va ly và chất đầy phòng như luôn sẵn sàng cho một chuyến đi xa. 
Anh thay đổi tới mức bạn bè khó nhận ra khi anh mang những món đồ tồi tàn nhất ra dùng, chân đi dép lê và đi xe rách yên. Dẫu anh là một giám đốc, cậu con trai đi học trường chuyên biệt bằng tắc xi. 
Tuy nhiên, có một điều, anh có thể nói suốt ngày, đầy say mê, đó là phật pháp. Với anh, đó là một nơi trú ngụ, đầy yên ổn, không có bất trắc... Từ một con người mang đầy tính phản biện, anh bình thản với tất cả, bước ra mọi ồn ào của cuộc sống...
Với không ít phụ nữ hiện đại, tới một ngày họ bỗng thấy người chồng của mình trở thành người lạ khi bỏ mặc họ với những hy sinh, những lo toan cho con cái, gia đình để đi theo một hình bóng khác. Khi trái tim họ tưởng như vỡ tan, họ cũng tìm đọc hoặc đi nghe ở các lớp phật pháp. 
Đương nhiên, cái được trước tiên, họ cũng thấy bình tâm trở lại. Thế nhưng, nếu theo quá lâu, là một sự mê muội. Và ở nhiều đạo là những hơi hướng của sự lạm dụng danh tiếng và tiền bạc.  Có lẽ vì thế, một số người có sự tỉnh táo, thấy gờn gợn họ đã không sa đà vào đó nữa. Bởi tu hay phật đều ở tâm mình, không phải bỏ tiền ra cho sự chứng giám...
 
Mọi nỗi đau, hẳn đều có lý do
Chuyện rằng, có một người đàn ông với vẻ mặt khổ sở hỏi một vị hòa thượng: “Thưa thầy, có một số thứ và một số người, tại sao con lại không thể buông bỏ được!”. 
Vị hòa thượng nói: “Không có gì là không thể buông bỏ được”. Người đàn ông kia lại nói: “Có những thứ và những người mà con hết lần này đến lần khác đều không buông bỏ được!” 
Vị hòa thượng liền bảo người đàn ông kia cầm cái chén lên rồi ngài rót nước trà vào chén. Hòa thượng rót đến tận lúc nước trà trong chén đã trào ra ngoài. Người đàn ông kia lập tức thấy nóng không chịu được liền đặt chén trà xuống. 
Lúc này vị hòa thượng lại nói: “Trên đời này không có gì là không buông bỏ được, chỉ cần ngươi cảm thấy bị đau, ngươi sẽ tự bỏ xuống được thôi.” Bởi: Khi chúng ta đã có công danh, thì liền thấy khó buông bỏ được công danh; Khi chúng ta đã có tiền tài, thì liền thấy khó buông bỏ được tiền tài; Khi chúng ta đã có tình yêu, thì liền thấy khó buông bỏ được tình yêu;Khi chúng ta đã có sự nghiệp, thì liền thấy khó buông bỏ được sự nghiệp.

Tất cả những điều này khiến chúng ta không buông bỏ được là bởi vì trong lòng chúng ta còn có suy nghĩ và mộng tưởng về chúng, còn bị chúng hấp dẫn. Hay là bởi vì hành vi của đối phương còn chưa động chạm đến ranh giới của sự chịu đựng. Nói chung là vì chúng còn chưa khiến bản thân chúng ta bị đau nhức đến mức phải buông bỏ.
Ví dụ như khó buông bỏ được tình yêu là bởi vì trong lòng chúng ta còn có hy vọng và mong đợi rằng trong tương lai sẽ có cải biến. Những người thiếu quyết đoán thường hay nghĩ trước nghĩ sau nên nắm giữ cũng chậm mà buông bỏ cũng chậm. 
Nếu như người đó trải qua một lần biến cố to lớn, hay khi cận kề cái chết sẽ có thể khiến họ thay đổi. Khi chúng ta đối với một thứ hay một người nào đó, mà có cách suy nghĩ nhìn nhận thông thoáng hơn, xem nhẹ hơn thì việc buông bỏ cũng dễ dàng hơn.
Chúng ta sở dĩ bị rơi vào đau khổ, là bởi vì trong lòng còn có nhiều dục vọng. Mỗi ngày, chúng ta đều phải suy nghĩ về những thứ dục vọng ấy thì đương nhiên là sẽ thấy mệt. Điều này chính là “thật sự đau đớn thì sẽ tự nhiên buông bỏ!”. 
Một người bạn của tôi, sau rất nhiều những nỗi đau đến rồi đi trong cuộc đời, bạn đã tự an ủi rằng, hẳn rằng, tất cả đều có lý do của nó bởi ai cũng gặp trong đời, giống như không đau ít thì đau nhiều, vậy thôi. 
Tựa như tình yêu, khi đã hết, khi một người đã quay lưng, vô cảm thì không gì có thể níu lại được. Bạn cũng không phải trách móc, đòi hỏi bạn sẽ được đền đáp bởi những hi sinh của bạn. 
Bạn đã làm tất cả những gì có thể nên không còn gì phải ân hận, hối tiếc. Nỗi đau nào rồi cũng nhạt nhòa theo thời gian. Không ai nhân danh tình yêu, nhân danh sự hi sinh để đáp trả lại những gì không còn thuộc về mình.
Và thời gian sẽ cho chúng ta những kí ức, dù vui sướng hay tuyệt vọng thì sẽ có lúc ta nhìn lại và nhớ về, để quên đi và tha thứ những gì đáng quên. Bởi tha thứ không có nghĩa là làm lại, mà nhìn vào đó để bước tiếp, không phải là nối tiếp những sai lầm. Khi ấy, ta xứng đáng được sống trong thanh thản...

Đọc thêm