Con đường làm giàu của những tay buôn chó không giấy tờ

(PLO) - Ngày nay buôn chó là một nghề béo bở, có thể giúp dân buôn dễ dàng kiếm hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Tất cả đều chỉ cần vài mánh khóe giao thương và cơ duyên tìm đến các đầu mối Trung Quốc.

Những con chó tại chợ Trung Quốc.
Những con chó tại chợ Trung Quốc.
Truy tìm nguồn gốc chó cảnh thị thành
Qua một người bạn, tôi biết đến Ch., một tay buôn chó có tiếng ở Hà Nội. Ch. là sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Cơ hội du học ở Trung Quốc vào năm 3 đã đưa Ch. đến với công việc kinh doanh hiện tại, cho thu nhập ổn định gấp nhiều lần chuyên ngành cậu từng theo học. Qua trò chuyện, Ch. khuyên tôi gia nhập nghề buôn chó nếu muốn làm giàu nhanh chóng. Tôi hỏi Ch.: “Bỏ học đi buôn chó có thành triệu phú được không?”. Ch. tặc lưỡi: “Tỷ phú còn được ấy chứ. Buôn cái này cần nhiều vốn nhưng khi có lãi thì lãi luôn gấp đôi, thậm chí gấp 3, gấp 4. Một giao dịch cầm trong tay chục triệu, trăm triệu quá bình thường”. 
Vì sao buôn chó lại nhanh giàu đến thế? Ch. trả lời: “Tôi không khẳng định 100% người bán chó cảnh ở thành thị đều nhập chó từ Trung Quốc. Nhưng đa số dân buôn chó muốn lãi đều phải sang Trung Quốc chọn chó”. Trung Quốc có rất nhiều chợ chó, mẫu mã đa dạng và đặc biệt giá thành luôn rẻ. Về Việt Nam, những con chó đó được đẩy lên gấp nhiều lần rồi dân buôn nói rằng: Chúng là chó nhập từ Đức, Anh, Nga, Nhật có đóng thuế đàng hoàng, có giấy tờ đầy đủ, được tiêm phòng cẩn thận. Trên thực tế, các con chó mua ở Trung Quốc đều là chó không giấy tờ, giá thành rẻ và chất lượng đi cùng với giá thành. Vẫn là poodle, Chi hua hua, Husky, Alaska.. nhưng khi về Việt Nam rồi, ai biết chó từng ở đâu?
Muốn buôn bán lâu dài, dân buôn chó phải làm quen với các mối nhập Trung Quốc. Những người này sẽ hướng dẫn họ cách chọn chó, nuôi chó ra sao, giá thành thị trường, cách vận chuyển chó, cách “biến” chó từ không giấy tờ thành có giấy tờ.
Ch. thường mua chó tại “Hua niao shi chan” thuộc Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Thành phố nào ở Trung Quốc cũng có vài chợ buôn chó. Các chợ chó, mèo, sinh vật cảnh đều có giờ họp cụ thể, thường thì vào cuối tuần phiên chợ sẽ tấp nập hơn. Mỗi lần họp chợ, người Trung Quốc đem đủ các loại chó tây, chó ta ra chào mời. Bất cứ ai khi đến đó lần đầu đều “hoa mắt chóng mặt” với đủ giống chó tây giá rẻ.
Tại đây, giá trung bình của các con chó chỉ vài trăm tệ tùy từng nơi. Về Việt Nam, những con chó này được rao bán hàng chục triệu đồng. Tùy vào độ đẹp, sức khỏe tốt, có giấy tờ hay không, giá chó sẽ được bán đắt hơn. Càng mua được các con chó độc, dân buôn chó càng bán được giá cao tại Việt Nam. Ch. đã từng rao bán một con chó Bull màu độc có giá trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, giá nhập rẻ không phải là yếu tố quyết định để buôn chó chuyên nghiệp. Quan trọng là họ phải có “mối” quen cung cấp chó tiêm phòng đầy đủ và kinh nghiệm nhìn chó. Hầu hết, các nguồn chó dồn về chợ là: Chó tại cửa hàng trong chợ, chó từ các nhà dân, chó từ các trại và chó trộm được. Các loại chó này đa số đều chưa được tiêm 2 mũi hoặc 1 mũi nên khi về Việt Nam chúng dễ phát bệnh và chết. Các chó bị lỗi như dị tật, không đẻ được, sủa được, tự kỉ… do các trại chó thải ra cũng rất nhiều. Nếu không có mối quen biết, người mới vào nghề dễ mua phải chó bệnh. 
Ch. chia sẻ: “Mới đi buôn tôi chưa có nhiều kinh nghiệm. Chó được bày bán ở chợ rất tạp nham, nhiều nguồn gốc. Chuyện họ trộn chó bị bệnh đem bán thường xuyên xảy ra. Hoặc kể cả chó có nguồn gốc tốt nhưng được bày bán ở chợ cũng dễ mắc bệnh. Cứ nhập 10 con kiểu này thì tôi mua phải 1, 2 con bị bệnh. Về sau tôi dần có mối quen, chỉ có đặt chó của mối thì mới tránh được rủi ro này”. Giá chó của “mối” có thể nhỉnh hơn giá tại chợ, nhưng chất lượng được họ đảm bảo. Dân buôn có thể nhập mua Poodle từ 300 – 500 tệ, Husky, Sam Moy, Alaska dao động từ 800 tệ - 2000 tệ (tương đương 3 – 7 triệu đồng)...
Buôn chó cũng phải có nhiều “mánh”
Chọn được chó tốt luôn khiến dân buôn đau đầu, nhưng làm cách nào để vận chuyển chó qua cửa khẩu còn vất vả hơn. Để né thuế, qua mặt hải quan, dân buôn cũng có sẵn một đội ngũ “xách tay ruột” ở cửa khẩu. Họ là những người sống gần biên giới, chuyên nhận vác thuê mang hành lý từ Trung Quốc về Việt Nam. Mỗi người sẽ nhận “xách” 2 – 3 con chó nhỏ. Mỗi con chó sẽ mất thêm  khoảng 50 tệ công xách.
“Với những con chó quá to, từ 30 - 40kg, người xách chó sẽ phải đi đường đèo và mất nhiều tiền hơn” – Ch. tiết lộ. Hình thức xách tay này giúp dân buôn giảm bớt khá nhiều chi phí vận chuyển, nhưng khi về Việt Nam dân buôn chó vẫn bán với giá nhập khẩu từ các nước phương Tây. Với những người buôn chó số lượng lớn, phía đầu mối Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ khách việc thuê xe vận chuyển và thủ tục hải quan. Mỗi xe chở vài chục đến trăm con chó, khách chỉ mất khoảng 400 tệ (1,2 triệu đồng) tiền vận chuyển và chi phí phát sinh khác. Tính ra, dân buôn chó vẫn thu được lãi gấp nhiều lần so với nhập khẩu chó từ các nước khác hay phối giống cho chó ở nhà.
Dẫu vậy khi đem chó về Việt Nam, chủ buôn phải nuôi chó ít nhất trong 2 tuần mới dám đem bán. Mục đích là để chó thích nghi với khí hậu Việt Nam, quen với thức ăn mới và kiểm tra sức khỏe của chó. Để thu được uy tín của khách hàng, những dân buôn lâu năm phải bày chương trình “bảo hành 1 – 2 tháng”. Nhưng nếu nuôi chó được hơn nửa tháng mà chúng không biểu hiện ốm, đau thì dân buôn chó vẫn yên tâm áp dụng chương trình này. 
Người mua phải chó giấy tờ giả bức xúc đốt giấy trên facebook.
Người mua phải chó giấy tờ giả bức xúc đốt giấy trên facebook. 
Nuôi chó con cũng không đơn giản. Một ngày, chó con cần ăn  3 – 4 lần và cũng cần uống sữa, ăn trứng gà. Có những con chó thích ăn thịt gà, thịt bò và chỉ có thể ăn loại thịt này, người nuôi cũng phải chịu. Chủ chó cũng phải hướng dẫn chó đi vệ sinh, tắm cho chúng bằng thuốc trị rận đặc chủng để chó bán được giá cao.
Nhưng cũng theo Ch., chó Trung Quốc chỉ là một trong những nguồn nhập giá rẻ. Dân buôn muốn tạo uy tín không thể phụ thuộc vào các mối này. Họ phải mở rộng nhiều nguồn để trại chó của mình phong phú hơn. “Mỗi tháng tôi sang Trung Quốc 1 lần. Tôi còn nhờ người mua chó ở các nước khác nữa, tìm được các giống chó màu sắc đẹp, thuần chủng, hiếm tìm hơn. Khách hàng có người cũng rất tinh tường, họ muốn kiểm tra cả chó bố, chó mẹ. Vì vậy mình cũng phải phối giống, nuôi chó thuần chủng để gia tăng uy tín của mình” – Ch bật mí.
Không khó để làm giấy tờ giả cho chó
Giấy tờ tùy thân cho chó xuất hiện khi việc kinh doanh chó cảnh ngày càng phát triển. Những chú chó có giấy tờ tức là được công nhận bởi Hiệp hội Chó thế giới (FCI) hoặc Hiệp hội Chó Mỹ (AKC) qua giấy Pedigree và Registration. Khi một chú chó đã có giấy chứng nhận rõ ràng thì giá trị cao hơn chó không giấy tờ rất nhiều. 
Khi nhắc đến cách làm giấy tờ tùy thân cho chó, Ch từ chối tiết lộ. Nhưng cậu khẳng định, hiện nay việc làm giả giấy tờ cho chó không khó. Điển hình là cách dùng giấy tờ thật của một con chó đã chết gắn cho chó mới. Giá cả của việc mua bán này tùy vào độ thân thiết, tin cậy của cánh buôn chó với nhau. Cách thứ hai là làm giả giấy tờ, mỗi bộ hồ sơ khoảng 2 triệu. Giấy tờ giả được sao y từ bản chính: được làm từ giấy nước ngoài, tên của nhà nhân giống, tên chó, giống chó, số chip, số xăm tai… đều chuẩn. Những con chó có giấy tờ giả ban đầu được đưa vào các trại, sau khi qua tay chủ, chúng nghiễm nhiên trở thành chó “có giấy tờ”. 
Anh Nguyên Vũ, một người nuôi chó cảnh từng công khai về giấy tờ giả của chó trên Facebook đăng tải: “Sau một loạt những tranh cãi nảy lửa về giấy tờ của chó, nay tôi chính thức thông báo với quý vị được rõ: Giấy tờ tôi đang sở hữu là giả, được sao y bản chính từ tờ gốc của một con Becgie Pháp. Tờ này không khác gì một tờ giấy thật cả và có thể nhân bản lên làm hàng ngàn tờ. Để quý vị khỏi nửa tin nửa ngờ: Giấy khai sinh của tất cả các loại chó đều có thể làm được trừ giấy từ nước ngoài. VSV; VNSV; giấy CLB; rồi đến cao nhất là VKA đều có thể làm giả được! Chất lượng thì không ai có thể phát hiện được”. 
Trên diễn đàn gsdv (Những người Việt Nam nuôi chó chăn cừu Đức) từng chia sẻ thông tin về việc mua chạy giấy khai sinh VKA cho chó không giấy tờ của anh Nguyễn X.A (Hoàng Mai, Hà Nội), người cung cấp làm giả giấy tờ ngày 2/12/2013 là chủ nuôi Nguyễn B.P  mua lại chó của một người khác.
Anh Kiều Xuân Vĩnh (thành viên CLB chó giống Đại Việt), người có kinh nghiệm 10 năm nuôi Alaska cho biết: “Hiện nay ở Việt Nam việc làm giả giấy tờ chó vô cùng tinh vi. Là một người thích nuôi chó thuần chủng, tôi từng học tập và làm việc tại Séc và chỉ tin tưởng mua chó ở nước ngoài, kể cả việc phải bỏ 4000 USD cho chú chó Alaska”.  Điều kiện để các cơ sở được cấp giấy của VKA (Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam) là bố mẹ của những chú chó cũng phải có giấy tờ của VKA cung cấp. Từ năm 2015, các mẫu giấy chứng nhận của VKA đều có tem dán 7 màu. Người mua chó muốn xác minh các giấy từ trước năm 2015 cần liên hệ trực tiếp với VKA, tránh mua phải chó không rõ nguồn gốc bị làm giả giấy tờ./.

Đọc thêm