Đường xuyên núi
Từ bên vệ đường quốc lộ 6 nhìn lên ngọn núi đá sừng sững cao ngút, giữa vách đá dựng đứng là một cái hang sâu hun hút, từ chân núi một lối mòn bắc qua dẫn lên hang. Thoạt nhìn vách đá cao rợn người, nhưng đây là con đường xuyên qua lòng núi.
Theo chân một số người dân đi vào con đường trong hang tối để xuyên qua núi, dù đã được cảnh báo và chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng chúng tôi vẫn không dứt được tâm trạng lo lắng. Càng đi sâu vào hang đá càng thấy ớn lạnh. Ánh đèn xe máy thường ngày sáng trưng nhưng trong lòng hang chỉ mập mờ, lập lòe như con đom đóm, phải căng mắt nhìn lấy được điểm bám lối đi mới không bị chệch đường.
Phía trong hang có đoạn rộng, đoạn hẹp, có chỗ rộng đủ đặt cả một ngôi nhà sàn cỡ nhỏ của người Thái. Những “ổ gà, ổ voi”, những khúc cua trong hang khiến bánh xe nẩy lập bập như sắp đâm vào vách đá. Âm thanh phản xạ phát ra từ chiếc xe máy ù ù sói lên ầm ĩ đập vào tai nghe lạnh người... Nhưng người dân nơi đây đi qua núi đã thành chuyện cơm bữa. Ngày nào họ cũng phải qua lại bất kể là ngày nắng hay ngày mưa.
Theo người dân kể, hang Thẳm Luông vốn là sản phẩm tạo hóa của tự nhiên, nhìn từ xa hang đá trông như một cái hầm chui nằm giữa lưng chừng núi. Năm 1964, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hang được bộ đội Việt Nam cải tạo, phá đá mở đường dẫn lên, từ đó hang trở thành nơi cất giấu vũ khí bí mật của quân đội ta. Năm 1966, hang đá được đục thông thành con đường mòn nhỏ xuyên qua núi, dài hơn 500m. Cửa hang rộng vừa đủ cho một chiếc ô nhỏ trọng tải từ 1,5 - 2 tấn đi qua.
Phía sau con đường xuyên qua núi là một thung lũng nơi sinh sống của hàng chục hộ dân bản Chùn, bản Thẳm và một số hộ dân của bản Cuông Mường (xã Tông Lạnh). Người dân nơi đây đã quen mỗi khi xuống chợ hay có việc ra trung tâm xã, việc đầu tiên là cầm theo đèn pin hoặc dắt theo cái đóm, bó đuốc hoặc bật lửa bên người để thắp sáng soi lối đi trong hang. Dù đi bộ hay đi xe máy vẫn phải dắt đèn pin theo bên người phòng thân, tránh trường hợp xe hỏng giữa đường, vì sâu trong hang trời tối mịt không thể định hướng được đường đi.
Lưu dấu lịch sử
Một số già bản kể lại, xưa kia, hang Thẳm Luông là hang đá tự nhiên, trước đây hang cheo leo giữa vách núi đá dựng đứng rất ít người lên được. Trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hang Thẳm Luông được bà con dân bản Thẳm và một số bản lân cận ở Tông Lạnh chọn làm nơi cất giữ đồ đạc trong nhà khi chạy giặc. Miệng hang cao vút, để trèo lên đó phải chặt tre, nứa, làm thang nối lại thành nhiều khúc mắc lên (nối 6 khúc thang tre, mỗi khúc dài gần 10m mới lên tới cửa hang). Có thang nhưng phải là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, dũng cảm mới dám trèo lên. Giấu đồ xong người dân quay xuống cất thang đi chỗ khác, khi tình hình giặc giã tạm yên ổn mới quay lại hang lấy đồ đã cất giấu.
Hang Thẳm Luông |
Không những thế, trước đây hang Thẳm Luông cũng từng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài động vật hoang dã, nhiều nhất vẫn là dơi. Dơi trong hang tối nhiều đến nỗi phân thải ra thành những mô đất lồi phía trong hang, người dân trong vùng thường đào lấy loại đất này về chế tạo chất đốt. Do tình trạng đánh bắt thiếu ý thức của một số người dân làm cho số lượng dơi trong hang hiện còn rất ít.
Ngày nay, đường dẫn vào hang đá đang được tu bổ, thuận lợi hơn, trở thành con đường qua lại của người dân. Vào ngày mùa luôn tấp nập người ra vào mua bán nông sản. Còn những ngày thường, lúc nào cũng có người qua lại. Đường dẫn từ chân núi lên cửa hang phải đi men theo vách đá, miệng hang dẫn vào trong lòng núi nằm giữa vách núi đá dựng đứng. Khí hậu trong hang thoáng mát, mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ. Trong lòng hang có rất nhiều thạch nhũ trông rất đẹp, là điểm đến hấp dẫn của những ai ưa thích khám phá.
Thời gian qua, với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng du lịch, huyện Thuận Châu đã tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu các điểm tham quan, trải nghiệm trên địa bàn, trong đó có hang Thẳm Luông. Nơi đây đang được đông đảo người dân và du khách tìm đến khám phá, trải nghiệm. Cùng với hang Thẳm Luông, trên địa bàn huyện Thuận Châu còn có nhiều điểm du lịch như: Đèo Phạ Đin huyền thoại; di tích lịch sử Kỳ đài Thuận Châu, hồ Lái Bay, di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Bám…