Người đàn bà lăng loàn
Ở một quãng đầu phố Lò Đúc (Hà Nội), cách đây vài chục năm, Trần Thị Phượng là người đàn bà đẹp có tiếng. Nhan sắc là thế nhưng lại không được một đại gia, như cách nói bây giờ, bao bọc. Người chồng có với Phượng đứa con gái xinh như thiên thần, chỉ là một người thợ mộc bình thường.
Thực ra, quãng thời gian còn bao cấp, thợ mộc cũng là một nghề kiếm được tiền. Chả thế mà trong xóm, gia đình Phượng là gia đình đầu tiên chồng chở vợ đi dạo phố trên chiếc xe đạp Pơ-giô màu đỏ láng cóng. Ngày ấy, khi mà câu nói "đẹp trai đi bộ, không bằng mặt rỗ đi Pơ-giô" còn rất thịnh hành, thì đủ thấy chồng Phượng kiếm tiền không phải tệ.
Chỉ có điều, lấy một người vợ quá đẹp, chồng Phượng thường xuyên ở thế của kẻ "chiếu dưới". Cung phụng mọi thứ cho vợ, không để vợ phải vất vả gì kẻo hao mòn nhan sắc, chiều vợ mua sắm, diện ngất trời trong khi bản thân luôn nhễ nhại mồ hôi với những đường bào gỗ, đường cưa xẻ. Người trong xóm nói rằng: Chính vì quá chiều vợ, "đội vợ lên đầu" như thế, nên người thợ mộc tài hoa mới phải lĩnh đủ những hậu quả sau này từ vợ mình.
Ngày ấy, chỉ làm công nhân đánh máy lương ba cọc ba đồng, nhưng Phượng ra đường là khiến nhiều người lác mắt. Luôn diện quần sa-tanh bóng bẩy, áo lụa hoa nhiều màu sặc sỡ, đã hai mặt con mà Phượng vẫn "mòn con mắt". Nhiều ông trung niên có "tiếp tế" từ ngoại quốc, không hiếm những chàng "thủy thủ tàu viễn dương", luôn lượn vè vè quanh Phượng.
Nhìn những "đối tác" sáng sủa, hào nhoáng, nghĩ đến người chồng thợ mộc luôn vất vả đục đục, khoét khoét, Phượng đã không tránh khỏi có những so sánh, và rồi sa vào cạm bẫy lúc nào không biết. Đầu tiên chỉ là những cuộc đi chơi chớp nhoáng, đi ăn uống ở những nhà hàng sang trọng. Sau đó là vài món quà có giá trị thực dụng như nước hoa, vải ngoại, nhẫn, dây chuyền, những vật dụng rất đắt tiền và không dễ kiếm thời ấy. Cuối cùng, điểm đến không thể khác khi đã rơi vào bẫy của những gã đàn ông "già dơ" là phòng ngủ.
Nhưng không chỉ một, Phượng có đến vài nhân tình như thế. Số quan hệ ngoài luồng của Phượng tăng lên, tỉ lệ thuận với những trang sức trên người, cũng như cái tiếng "ăn chơi" càng vang dội. Những người lớn tuổi đứng đắn trong xóm phố, mỗi khi Phượng đi qua, bỏ lại phía sau mùi nước hoa nghẹt mũi, lại lắc đầu "Con vợ "đánh" đĩ thế này, tội nghiệp thằng chồng thì vẫn cứ như câm như điếc".
Thực ra người chồng của Phượng không hề câm điếc. Anh ta không biết rõ nhưng hoàn toàn cảm nhận được sự hư hỏng của vợ mình. Nhưng anh ta quá nhu nhược mà thôi.
Người trong xóm chứng kiến vài lần vợ chồng họ cãi vã. Chồng càng nhỏ nhẹ thì vợ càng già mồm. Rồi khi cái câu kết muôn thuở được Phượng tuôn ra: "Nếu anh không tin tôi thì ra tòa ly hôn", thì người chồng lại im thin thít. Không muốn mất vợ đẹp, nhưng chắc người thợ mộc tội nghiệp không thể tưởng tượng được rằng, sẽ đánh mất cuộc đời của cả con gái mình.
Dâng con gái cho người tình
Những năm sau đổi mới, xã hội đưa nhiều thứ về đúng vị trí của nó. Những gã đàn ông bóng bẩy của Phượng đã bị cái guồng quay công bằng đó quẳng đi không thương tiếc. Phượng rơi vào cảm giác lạc lõng. Đã quen được ăn chơi, quen được tiêu pha bằng tiền người khác, trong khi nghề mộc của chồng kiếm ăn ngày càng khó khăn, Phượng như một kẻ mất thăng bằng trong cuộc sống.
Đúng lúc đó thì cơ quan Phượng bổ nhiệm về một ông giám đốc mới. Rất nhanh chóng, vị giám đốc đã nhận ra nét thất thần trong vẻ đẹp mặn mà của nữ nhân viên phòng đánh máy. Đã ngoài 30 tuổi, từng trải để hiểu cần phải dựa dẫm vào loại đàn ông nào, nên không tốn quá nhiều thời gian để Phượng trở thành "phòng nhì" của vị giám đốc.
Nhưng với nhân tình này Phượng không thu hoạch được gì nhiều. Quyền lực và từng trải, lọc lõi đàn bà, với vị giám đốc, Phượng chỉ đơn giản là điểm đến những khi rảnh rỗi hay buồn chán. Chừng vài năm như thế, khi có cảm giác nhân tình đã "no xôi chán chè" mà những lời hứa hẹn vẫn chỉ ở đầu môi, Phượng sợ hãi khi thấy mình có thể mất trắng.
Sẽ không ai hiểu tường tận chuyện gì đã xảy ra, những cam kết nào đã được thỏa thuận, chỉ biết rằng một ngày, vị giám đốc đem sính lễ đến xin hỏi cưới con gái Phượng. Cô bé Trần Diệu Thùy (SN 1976) khi ấy mới tròn 18 tuổi, đẹp hơn mẹ, rực rỡ như một đóa hồng. Chồng tương lai của cô hơn cả tuổi bố cô, từng có một đời vợ ở quê và có những đứa con còn lớn tuổi hơn cả mẹ kế.
Cái đám cưới có nhiều sự ngược đời này đã trở thành đề tài đàm tiếu râm ran khắp phố. Người bố thợ mộc tiếp khách mà mặt cúi gằm. Không có một người bạn nào của cô dâu được mời đến. Chỉ có người mẹ là tươi hơn hớn. Bà ta vừa được thăng lên chức trưởng phòng.
Ngày ấy, khi nhìn mặt "con rể" của Phượng, nhiều người hàng xóm tinh ý đã ngỡ ngàng. Họ kể lại rằng không thể tưởng tượng cái sự thật kinh dị ấy: nhân tình cưới con gái của nhân tình, rồi gọi mẹ xưng con liệu có cảm thấy ngượng không? Nhưng câu chuyện nực cười còn chưa dừng ở đó.
Lấy chồng "vừa giàu lại vừa già", cô bé Thùy trở thành con chim trong lồng son. Không bạn bè, không chơi bời, không họp lớp. Và đau đớn hơn khi cô biết chồng cô còn sở hữu "vài con chim" khác nữa. Cô chỉ hơn họ bởi được cưới hỏi đàng hoàng mà thôi.
Nhưng cái sự thực khủng khiếp lại đến với cô vào ngày con gái đầu lòng của cô được vài tháng. Khi bà ngoại đến thăm cháu, không hiểu "cơn hứng tình" ở đâu đó trong cặp tình nhân cũ trỗi dậy, Thùy đã bắt gặp chồng và... mẹ của mình ngay trong phòng bếp.
Dân phố Lò Đúc biết chuyện bởi vụ đánh ghen hy hữu giữa con gái và mẹ. Cô bé Thùy xinh xắn, hiền lành ngày nào sỉ vả mẹ bằng đủ mọi loại ngôn từ ghê gớm nhất. Người mẹ thì ngồi trân mình chịu trận. Những lời cuối, Thùy nói với mẹ rằng: "Tôi cấm bà đến nhà vợ chồng tôi, cấm bà đến thăm cháu. Tôi không có người mẹ như bà".
"Nhưng mưu tính vụ lợi rồi cũng chẳng đi đến đâu. Những người gây nên tội lỗi sớm hay muộn rồi cũng phải trả giá", một nhân chứng kết luận câu chuyện như thế.
Theo người này, vài năm sau, bởi nhiều bê bối tình ái gây nên nhiều kiện tụng, cơ quan của vị giám đốc đã bị thanh tra xử lý. Vị giám đốc bị kết luận tham ô tham nhũng, tuy chưa đến mức phải đi tù nhưng "ngã ngựa" là không tránh khỏi.
Mất chỗ dựa, bà Phượng lập tức bị thải loại, thuộc diện giảm biên chế. Chồng bà Phượng mất sau đó ít lâu vì bệnh ung thư. Chịu quá nhiều đau khổ từ người vợ đẹp, hàng xóm không ngạc nhiên khi thấy ông không thể sống thọ được.
Để duy trì cuộc sống, bà Phượng xin xóm phố cho để chiếc tủ kính ngoài đầu ngõ để bán bánh bao. Cũng chẳng ai nỡ hẹp lượng với người đàn bà cuối đời đơn độc ấy. Con gái bà thì đã bỏ ông chồng già từ lâu. Người ta đồn rằng cô rất giống mẹ, lại sống bằng cách cặp kè với hết người này đến người khác. Nhưng chưa bao giờ cô tha thứ cho mẹ mình.