Cơn giận dỗi “đắt giá” của thiếu phụ tự nộp mình cho trại cai nghiện

(PLO) -“Khi đưa vợ tôi đi, cơ quan công an không hỏi ý kiến cũng như mời tôi và đại diện gia đình làm việc, ký nhận giấy tờ, xác minh cụ thể điều kiện hoàn cảnh gia đình tôi. Tại sao vợ chồng tôi có địa chỉ cư ngụ rõ ràng mà công an lại xác nhận vợ tôi là đối tượng lang thang? Tôi hiện là chồng hợp pháp và có giấy đăng kí kết hôn với vợ tôi, cùng chung sống và đang nuôi ba con nhỏ, có địa chỉ cư ngụ rõ ràng”, anh Khải trình bày.
Anh Khải mong được bảo lãnh vợ về để chăm sóc con nhỏ
Anh Khải mong được bảo lãnh vợ về để chăm sóc con nhỏ

Cãi nhau với chồng, chị Phượng bỏ về nhà cha mẹ mình. Tiếp tục xung đột với cha mẹ, chị tự nộp mình cho công an để đưa đi cai nghiện cho “bõ ghét”.

Khi hối hận muốn về chăm sóc 3 con nhỏ, người phụ nữ này lại gặp khó trong việc xác nhận nơi cư trú để xin bảo lãnh, bởi trước đó cảnh sát khu vực cho rằng chị là đối tượng vô gia cư.

Lật đật tìm vợ bị đưa đi cai nghiện

Anh Huỳnh Quang Khải (SN 1986, ngụ phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM) có đơn kêu cứu vì không thể xin được giấy xác nhận cư trú tại địa phương để bảo lãnh vợ là Nguyễn Thị Thúy Phượng (SN 1991, ngụ cùng phường) đang điều trị tại Trung tâm giáo dục dạy nghề Nhị Xuân (Trung Tâm Nhị Xuân).

Chị Phượng vừa mới được đưa đi cắt cơn, giải độc từ ngày 3/8, nhưng do có 3 con nhỏ, anh Khải mong muốn vợ về nhà điều trị để có thời gian chăm sóc các con.

Anh Khải trình bày: anh và chị Phượng kết hôn năm 2007, cư ngụ ở đường Nguyễn Thái Sơn (phường 3, quận Gò Vấp). Vợ chồng anh có hai con trai chung, 8 tuổi và 6 tuổi và một con riêng của anh Khải. Cuộc sống ổn định hơn 8 năm không có chuyện gì xảy ra. Cả hai vợ chồng không có tiền án, tiền sự.

Vào ngày 1/8, chị Phượng sử dụng ma túy đá, anh Khải nhắc nhở nên vợ chồng lời qua tiếng lại. Chị Phượng bỏ về nhà cha mẹ (cách đó khoảng 1km). Do vừa lo công việc vừa giận vợ không nghe lời, anh không sang đón. 

“Tôi không biết từ ngày 1 đến ngày 3/8, vợ tôi có chơi ma túy hay không? Và cũng không biết xảy ra chuyện gì mà vợ tôi tự động lên công an phường 3”, anh Khải nói. 

Theo anh kể, khoảng 11h trưa ngày 3/8, anh đang chạy sang quận 8 có việc thì em vợ gọi điện báo tin vợ anh lên Công an phường 3 (quận Gò Vấp), xin tự nguyện đi cai nghiện. 

“Tôi tức tốc chạy về. Khi đến Công an phường 3, tôi thấy vợ đang ngồi trong phòng với một số anh công an đang lập biên bản. Do vợ chồng còn giận nhau nên vợ tôi có lớn tiếng với tôi. Mấy anh công an nói:

“Chị ấy đi tự nguyện đi cai nghiện thì tốt chứ sao, anh ra ngoài đi, để cãi nhau gây ồn ào”. Sau khi ra ngoài, tôi được công an khu vực bên nhà vợ tôi giải thích cho vợ đi để “cắt cơn, giải độc và sẽ thông báo cho gia đình sau””, anh Khải kể. 

Anh cho biết lúc đó có công việc gấp phải đi, khoảng 2 tiếng sau quay lại thì không thấy vợ. Anh hỏi mới hay tin chị Phượng đã được đưa đi Trung tâm cai nghiện Bình Triệu (Thủ Đức) để cắt cơn trong 15 ngày.

Người chồng lật đật chạy đến Trung tâm Bình Triệu tìm vợ nhưng không thấy. Hóa ra trong ngày hôm đó, thực hiện các thủ tục và có quyết định của Chủ tịch UBND phường 3, chị Phượng được gửi đến Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân (Hóc Môn) để cắt cơn giải độc. Anh Khải tiếp tục đến Trung tâm Nhị Xuân và được trả lời 15 ngày sau mới được thăm nuôi.

“Từ khi công an đưa vợ tôi đi ngày 3/08, tôi không nhận được giấy tờ gì gửi đến gia đình. Tôi cũng không rõ vợ tôi có nghiện ma túy hay không. Việc có hít ma túy đá là do vào ngày 1/8, một số người bạn ở nước ngoài sang chơi, vợ tôi đi cùng và có sử dụng”, người chồng kể.

Anh nói do hiểu biết pháp luật hạn chế và mong chờ tin tức vợ, hàng ngày anh đều qua Công an phường 3 quận Gò Vấp để hỏi và đề nghị bảo lãnh cho vợ về, đồng thời trình bày hoàn cảnh gia đình đang nuôi 03 con nhỏ rất khó khăn. 

“Tôi nhận thấy vợ tôi có vấn đề về thần kinh (tự nói, tự cười, trong quá trình sinh sống với tôi), nhưng không được Công an phường 3 giải quyết, chỉ được trả lời: “Công an phường không còn trách nhiệm nữa, thủ tục hồ sơ đã chuyển hết cho Phòng lao động thương binh xã hội quận Gò Vấp rồi””, anh Khải nói.

Quyết định của Chủ tịch UBND phường 3 về việc đưa chị Phượng đi cắt cơn giải độc.
Quyết định của Chủ tịch UBND phường 3 về việc đưa chị Phượng đi cắt cơn giải độc.

Bỗng dưng thành “đối tượng lang thang”

Theo anh, sáng 15/8, anh đi thăm nuôi vợ tại Trung tâm giáo dục dạy nghề Nhị Xuân (Hóc Môn). Người vợ khóc rất nhiều và xin lỗi, hối hận về sự bồng bột cả mình. Chị mong muốn chồng đưa khỏi Trung tâm để về nhà chăm sóc chồng con.

Đến chiều 18/8, anh Khải đến Phòng Lao động Thương binh Xã hội quận Gò Vấp, được biết vợ mình bị đưa đi cai nghiện theo diện bắt buộc. 

“Do không nhận được bất cứ giấy tờ nào từ việc đưa vợ đi cai nghiện, tôi nhờ đại diện Phòng này xác minh, gọi tới các nơi như Trung tâm Nhị Xuân, Công an khu vực phường 3”.

Và được trả lời chính tôi đưa vợ tôi đi cai nghiện. Và vợ tôi là người không có địa chỉ cư ngụ rõ ràng, là thành phần sống lang thang. Do đó, việc đưa vợ tôi đi cai nghiện là thuộc diện bắt buộc”, anh Khải nói.

Anh cho rằng các cơ quan nói như vậy không đúng, vì: “Vợ tôi có hộ khẩu và chúng tôi có nhà riêng ở cùng phường. Chúng tôi có 3 đứa con thì làm sao mà vợ tôi lang thang được”.

Theo anh Khải, từ trước tới nay vợ anh chưa có tiền án, tiền sự. Trong thời gian vừa qua, anh lại phát hiện vợ mình có dấu hiệu thần kinh không bình thường. Anh nói không biết vợ có dùng ma tuý hay không, nhưng chị Phượng cũng không bị bắt về việc sử dụng ma tuý.

“Khi đưa vợ tôi đi, cơ quan công an không hỏi ý kiến cũng như mời tôi và đại diện gia đình làm việc, ký nhận giấy tờ, xác minh cụ thể điều kiện hoàn cảnh gia đình tôi. Tại sao vợ chồng tôi có địa chỉ cư ngụ rõ ràng mà công an lại xác nhận vợ tôi là đối tượng lang thang?

Tôi hiện là chồng hợp pháp và có giấy đăng kí kết hôn với vợ tôi, cùng chung sống và đang nuôi ba con nhỏ, có địa chỉ cư ngụ rõ ràng”, anh Khải trình bày.

Anh cho biết đã liên tục đến Công an phường 3 xin xác nhận lại việc vợ chồng mình có nơi cư trú rõ ràng để có thể bảo lãnh vợ về nhà với các con. Tuy nhiên, Công an phường 3 từ chối vì cho rằng đã xác nhận lang thang thì giờ không thể xác nhận ngược lại.

“Tôi chỉ mong muốn đưa vợ về nhà để có thể chăm sóc 3 đứa con. Gần một tháng qua không có người chăm sóc buộc tôi phải gửi mỗi đứa mỗi nơi. Tôi cũng cam kết sẽ không cho vợ chơi ma túy nữa”, anh Khải nói.

Trao đổi với XLPL, ông Võ Hùng Dũng, Phó trưởng công an phường 3 cho biết: “Chị Phượng là người nghiện ma túy từ năm 2008. Vào ngày 3/8, chị Phượng có biểu hiện vừa mới chơi ma túy xong và lên trụ sở công an phường la hét, đập phá, yêu cầu được đưa đi cai nghiện”. Vị này cũng cho hay đã xét hoàn cảnh chị Phượng mới đáp ứng nguyện vọng của chị.

Sau khi đưa chị Phượng đi xét nghiệm ở Trung tâm y tế quận Gò Vấp với kết quả dương tính, ông Dũng là người trực tiếp làm hồ sơ. Theo ông Dũng, việc đưa chị Phượng đi là đúng theo quy định của pháp luật, không hề có việc riêng tư cá nhân.

Về việc xác định chị Phượng là người lang thang, không có nơi ở ổn định, ông Dũng nói: “Sau khi tiếp nhận, chị Phượng có nói địa chỉ thường trú. Tôi đã có văn bản yêu cầu cảnh sát khu vực xác minh về việc này.

Theo đó, cảnh sát khu vực có đến nhà mẹ ruột của chị Phượng và được biết chỉ đăng ký hộ khẩu chứ thực tế không cư ngụ ở đây. Vì thế, chúng tôi mới xác định chị Phượng là đối tượng lang thang”.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết nếu hoàn cảnh gia đình có con nhỏ và gia đình bảo lãnh, cam kết thì cũng có thể làm thủ tục xin đưa chị Phượng về nhà. Hiện tại, chị Phượng chỉ thuộc dạng gửi vào Trung tâm Nhị Xuân để giải độc, cắt cơn và trong 3 tháng sẽ có quyết định của tòa án là đi cai nghiện thời gian bao nhiêu tháng.

“Chị Phượng có nói địa chỉ thường trú. Tôi đã có văn bản yêu cầu cảnh sát khu vực xác minh về việc này. Theo đó, cảnh sát khu vực có đến nhà mẹ ruột của chị Phượng và được biết chỉ đăng ký hộ khẩu chứ thực tế không cư ngụ ở đây. Vì thế, chúng tôi mới xác định chị Phượng là đối tượng lang thang”, đại diện Công an phường 3, quận Gò Vấp.

Đọc thêm