Nỗi buồn đeo đẳng của một gia đình
Men theo tuyến đê bao lấn biển giờ đã trở thành con đường huyết mạch nối liền thị trấn Diêm Điền sầm uất với các xã ven biển phía Đông Bắc của huyện Thái Thụy, phóng viên tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Yên ở thôn Vũ Đông, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Thấy khách lạ vào nhà, anh Lâm Quốc Hoàn tỏ vẻ e ngại khi trong mình đang mang căn bệnh HIV/AIDS, nhưng khi được nghe giới thiệu, anh cũng mạnh dạn ngồi xuống bên cha mẹ, thuật lại chuyện đau buồn cho chúng tôi biết “để còn cảnh tỉnh cho những thanh niên khác khi đang có ý định tự giết chết cuộc đời mình và hủy hoại tương lai của những người khác” như Hoàn nói.
Năm 1997, chàng trai Lâm Quốc Hoàn - thủy thủ của Cty TNHH Vận tải biển Thái Thụy (Thái Bình) kết hôn với một cô gái cùng thôn. Ngày cưới của đôi vợ chồng trẻ cũng là ngày vui của thôn Đông Vũ, xã Thụy Trường, ai cũng mừng cho Hoàn có một công việc ổn định và người vợ hiền xinh đẹp. Tai họa bắt đầu ập xuống gia đình khi vợ Hoàn có thai ở tháng thứ 5. Trong lần đi khám thai định kỳ chị bị phát hiện nhiễm HIV.
Không tin vào mắt mình khi cầm tờ giấy kết luận của các bác sĩ, chị lập tức điện ngay cho Hoàn để thông báo. Đang chờ tàu ăn hàng tại cảng Hòn Gai, Hoàn lập tức đón xe về nhà chở vợ lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình kiểm tra lại. Kết quả vẫn như lần trước.
Đất dưới chân Hoàn như nứt toác, mặt mũi tối sầm và đầu óc quay cuồng như điên loạn. Hoàn cố gắng lấy lại bình tĩnh để chở vợ về đến nhà rồi vào buồng đóng chặt cửa khóc trọn một ngày. “Khi hay tin vợ chồng nó bị “ết”, vợ chồng tôi chỉ muốn đâm đầu xuống sông mà chết. Cả tháng trời chúng tôi không muốn ăn uống gì, đêm ngày khóc thương cho con và cho số phận, người gầy rộc. Cũng may là thằng cháu nội không bị nhiễm “ết”, nếu không thì chúng tôi không thiết sống làm gì”- bà Yên, mẹ Hoàn kể lại với hai dòng nước mắt.
|
Hạnh phúc trong quá khứ của anh Lâm Quốc Hoàn. |
Rồi tai họa tiếp tục giáng xuống khi người vợ của Hoàn bị tai nạn giao thông, cộng với bị nhiễm căn bệnh thế kỷ khiến sức khỏe chị suy sụp hoàn toàn rồi qua đời ở tuổi 25.
Trong dòng nước mắt ân hận muộn màng và đau đớn, Hoàn kể lại, trong một lần đi chơi, nghe theo đám bạn rủ rê, Hoàn đã dùng thử “hàng trắng” rồi “dính” vào ma túy lúc nào không biết. Và sau những ngày lênh đênh trên biển, mỗi khi tàu cặp bến, Hoàn còn quan hệ với nhiều gái mại dâm mà không sử dụng các biện pháp an toàn. Vậy là con “ết” cứ thế thâm nhập vào người lúc nào chẳng hay, đến khi biết thì đã quá muộn.
Miền quê không yên tĩnh
Những năm gần đây, “cơn lốc trắng” đã trở thành nỗi ám ảnh ghê gớm với nhiều vùng quê yên bình, gây ra nhiều hệ lụy, hậu quả đáng buồn cho bao gia đình, dòng tộc. Thôn Vũ Đông, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là một trong nhiều miền quê trong tình trạng báo động đó.
Anh Vũ Văn Bửng - công an viên của thôn Vũ Đông lắc đầu ngán ngẩm và cho biết: “Trước kia, trong thôn nhà nhà không cần đóng cửa hay nuôi chó giữ nhà vì không có hiện tượng trộm cắp. Thế mà vài năm trở lại đây, tình hình trộm cắp xảy ra liên miên. Nhiều gia đình có người ở nhà vẫn phải cửa đóng then cài, đang đêm có tiếng gõ cửa, dẫu đã nhận ra người quen nhưng vẫn phải gặng hỏi xem có chuyện gì. Buồn lắm! “Cái chết trắng” đã vô hình quét qua và đang ngày ngày tàn phá ngôi làng vốn bình yên bên bờ biển này”.
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm trở lại đây, tại xóm nhỏ Vũ Đông đã xuất hiện gần 10 con nghiện. Trong số đó, đã có không ít những “đệ tử” của ma túy phải vĩnh viễn nằm dưới nấm mồ sâu khi tuổi đời mới vừa tròn mười tám, đôi mươi. Con số thống kê ấy dẫu chưa đầy đủ nhưng cũng đủ “gây áp lực”, làm xáo trộn cuộc sống của hàng ngàn người dân. Đành rằng hệ lụy của ma túy ai mà chẳng hiểu, và những cuộc đời trai trẻ “gán nợ” cho ma túy ở đất Thụy Trường này kể ra cũng chỉ thêm buồn.
Chẳng hạn như trường hợp của Nguyễn Văn Điệp (SN 1980), khi vừa học xong THCS được vài ngày, mới chưa tròn 16 tuổi, với ước vọng đổi đời, trong bộ quần áo chưa sạch vết mực, Điệp lên đường kiếm kế sinh nhai. Nay thì đất cảng Hải Phòng, mai lại Hà thành tráng lệ. Lúc đánh giày, bán báo; khi phục vụ quán cơm, chạy bàn cho hàng cà phê... Điệp đã nhanh chóng hấp thụ sự xô bồ của cuộc sống đô thị. Cũng chính từ những ngày tháng long đong đó, Điệp đã bập vào ma túy lúc nào không hay, trở về quê với thân tàn ma dại.
Quê hương yêu dấu vẫn mở rộng vòng tay đón Điệp. Chỉ có điều, gần hai năm nay, đi đến đâu Điệp cũng bị dân làng đề phòng. Chó, mèo, lợn, gà... trong xóm có thể bị mất bất cứ lúc nào nếu “đội quân nghiện” của Điệp đi qua. Trong một lần tham gia buôn bán ma túy để lấy tiền thỏa mãn những cơn nghiện, Điệp đã bị các cơ quan chức năng của huyện Thái Thụy bắt giữ và phải ngồi “đếm lịch” trong tù.
Ở ngay cạnh nhà Điệp còn có Nguyễn Văn Trường (SN 1975) cũng đang phải ngồi tù vì dính đến ma túy. Ngoài hai đối tượng trên, trong thôn Vũ Đông còn có 3-4 đối tượng khác cũng đang sống vật vờ như những cái bóng. Nhiều gia đình có con nghiện nặng đã phải ngậm ngùi nhìn những tài sản trong nhà “đội nón” ra đi.
Bố mẹ, họ hàng và làng xóm đã hết lời khuyên ngăn cũng không được, bởi cái chết trắng đã hút hồn những thanh niên này. Khi đã lấy hết tài sản của gia đình mang đi bán, các đối tượng này còn trộm cắp con gà, con chó của hàng xóm để mang đổi lấy ma túy.
… Rời thôn Vũ Đông trong một buổi chiều hè oi ả, lòng tôi không khỏi xót xa khi biết rằng, “cơn lốc trắng” đã và đang để lại nhiều hậu quả đau thương nơi miền quê nghèo ven biển này.