Còn mãi giọng ca Thái Thanh trong lòng người hâm mộ

(PLVN) - “Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt ly” - trích lời bài hát “Giọt buồn không tên” của nhạc sĩ Anh Bằng. Danh ca Thái Thanh vừa lìa xa cõi thế, “biệt ly” những trái tim yêu âm nhạc. Nhưng giọng hát thiên phú ấy vẫn còn đầy sức mê hoặc, ghi dấu ấn sâu đậm trong nhịp sống đương đại. 

“Một giọng hát diễm tuyệt”

Danh ca Thái Thanh qua đời lúc 11h50 ngày 17/3 tại California, Mỹ (theo giờ địa phương), hưởng thọ 86 tuổi. Vẫn biết sinh tử là chuyện thường hằng của cuộc sống, nhưng sự ra đi của giọng ca được mệnh danh là “Tiếng hát vượt thời gian” vẫn khiến hàng triệu trái tim yêu âm nhạc nuối tiếc, bùi ngùi.

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật tại Hà Nội, từ năm 14 tuổi, Thái Thanh đã đi hát trong vùng kháng chiến. Tiếng hát của bà từ sớm đã được phát thanh khắp các cùng kháng chiến, nông thôn và thành thị, giúp công chúng được thỏa sức nghe những khúc ca tiếng Việt, chứ không phải nghe nhạc Pháp nữa. 

Năm 16 tuổi, Thái Thanh theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, bà tiếp tục đi hát tại khắp các phòng trà, vũ trường, đại nhạc hội và nổi lên như một ngôi sao sáng nhất trong nền âm nhạc ngày ấy. 

Tên tuổi của bà tỏa sáng rực rỡ nhất vào thập niên 50 và 60, như một diva thực thụ, đúng như lời danh ca Khánh Ly: “Tôi hiểu thế nào là diva nhưng tại sao tôi lại nghĩ đến làm gì cái điều sẽ chẳng bao giờ liên quan đến tôi. Kể ra, trên thế giới, diva không nhiều lắm đâu, còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là diva, đó là cô Thái Thanh”. Và, Khánh Ly gọi bà là “ngọn hải đăng” của đời mình.

Còn danh ca Lệ Thu - “giọng ca vàng mười” của tân nhạc, quả quyết: “Chúng tôi không là giọng ca vượt thời gian được, nếu nói vượt thời gian chỉ duy nhất dành cho danh ca Thái Thanh mà thôi”.

Nhiều ý kiến cho rằng, Thái Thanh hát không theo bất cứ một quy chuẩn thanh nhạc nào vì bà đã vượt qua cả những khuôn mẫu thông thường. Tiếng hát Thái Thanh là sự kết hợp của Đông Tây kim cổ, của những tinh tế, dân dã phương Đông, với những lộng lẫy, hào sảng phương Tây.

Dường như không một ca sĩ nào có biên độ âm nhạc trải dài và rộng như Thái Thanh, khi có thể hát đủ loại nhạc từ nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến, nhạc dân ca, nhạc bán cổ điển tới nhạc tình ca, nhạc xã hội, nhạc tôn giáo… Bà hát dòng nhạc nào cũng thành công rực rỡ và tạo được dấu ấn riêng một cách sâu sắc.

Danh ca Thái Thanh thời trẻ 

Danh ca Thái Thanh đóng đinh tên mình với nhiều ca khúc như: “Tình ca”, “Dòng sông xanh”, “Nửa hồn thương đau”, “Nghìn trùng xa cách”, “Tình hoài hương”, “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Con đường cái quan”, “Kiếp nào có yêu nhau”…

Sở hữu giọng soprano (nữ cao), ở những nốt cao, giọng Thái Thanh mảnh và nhỏ như sợi chỉ nhưng trải dài, không đứt. Bà có cách phát âm, nhả chữ riêng biệt và đẹp đến mê hồn khiến người nghe có cảm giác như mỗi âm mà nữ danh ca phát ra là sản phẩm của một quá trình chuyển động của toàn bộ khoang miệng.

Tiếng hát Thái Thanh gắn bó đặc biệt với nhạc của Phạm Duy, cũng là anh rể của bà. Bà được coi là người hát nhạc Phạm Duy hay nhất, với đầy đủ những tình tự của quê hương, tình yêu, số phận, kiếp người.

Nói như Phạm Duy: “Giọng hát Thái Thanh - một giọng hát diễm tuyệt”, với tất cả hạnh phúc và khổ đau, trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng. Tiếng hát có mọi dư vị của đời người, có đủ hỷ nộ ái ố. Tiếng hát mà khi trầm khi bổng, khi cao khi thấp, khi buông khi nắm, khi rắn khi mềm đều có hấp lực đối với người nghe.

Trong khi đó, nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn bảo, có người cho rằng, Thái Thanh được cơ hội may mắn là có Phạm Duy viết nhạc để trình bày, thì ngược lại, giọng ca Thái Thanh cũng chính là giọng ca đã làm cho nhạc Phạm Duy lên cao và bay xa.

“Tình ca của một người đối với người yêu còn đó hay đã mất, gói kín trong những ca khúc này đã đốt ấm giọng ca Thái Thanh, làm cho nó trở nên có hơi thở, có da thịt của đời sống, chứ không phải chỉ có trí óc và tưởng tượng”, nhà văn Nguyễn Đình Toàn cho biết.

“Chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ”

Sinh thời, danh ca Thái Thanh từng cho biết: “Người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa, miền Trung, miền Nam, miền Bắc”.

Thật vậy, trong giọng hát của Thái Thanh có thể nhận ra những âm sắc rất Việt, được chắc lọc từ quan họ, chèo, ca trù và cả một số thể loại âm nhạc dân gian khác. Thái Thanh có cái e hiếm có của chèo, đôi khi có những đổ hột của ca trù và đặc biệt cũng thấp thoáng kỹ thuật “vàng, rền, nền, nảy” đặc trưng của quan họ miền Kinh Bắc. 

Hầu hết các tác phẩm qua giọng ca Thái Thanh đều thổn thức, nồng nàn hơn nguyên bản bởi sự cường điệu hóa trong cách biểu hiện tác phẩm. Thường sự “đi quá giới hạn” sẽ gặp ngay phản tác dụng và làm mất tinh thần tác phẩm, nhưng với Thái Thanh, khi bà “làm quá”, chính tác giả bài hát cũng giật mình, rơi lệ tâm đắc và phát hiện ra những chiều kích ẩn sâu trong tác phẩm của mình.

 Danh ca Thái Thanh (phải) cùng con gái - ca sĩ Ý Lan

Theo nhà phê bình Thụy Khuê, chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Đạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả 4 vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ. 

“Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ. Thái Thanh ngoài giọng hát điêu luyện phong phú mở rộng trên nhiều cung bậc, còn có nghệ thuật làm nổi bật lời ca trong nhạc khúc và tạo ra một khí hậu, một tâm cảnh chung quanh bài hát. Nghe Thái Thanh hát là thưởng thức một khúc nhạc, một bài thơ, trong một thế giới nghệ thuật trọn vẹn. Giọng hát xoắn sâu, xoáy mạnh vào tâm tư người nghe, khi lâng lâng, khi tê buốt, sai khiến tâm tư vươn lên, hay lắng xuống”, nhà phê bình Thụy Khuê cho biết.

Cũng theo nhà phê bình Thụy Khê, Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu trời xanh tiếng hát, hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang.

Danh ca Thái Thanh ra đi nhưng tiếng hát của bà như đóa hoa còn ở lại. Một tiếng hát của hạnh phúc và của cả những giận hờn khôn nguôi. Một tiếng hát vừa có những nhung nhớ của mảnh tình xa xôi vừa có những chân phương, gần gũi như tình hiện tại. Một tiếng hát của quá khứ và của cả những mộng đẹp ngày mai. Một tiếng hát “lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta”, sống mãi và còn mãi.

“Giữa những phôi pha của cuộc đời, tàn phai của năm tháng, giọng hát Thái Thanh vang vọng trong bầu trời thơ diễm tuyệt. Ở đó, đau thương và hạnh phúc quyện lẫn với nhau, người ta cho nhau cả 4 trùng dương và mặc tàn phai, mặc tháng năm, tiếng hát vẫn bay bổng ở chốn trần gian hoặc ở chốn vô hình”, nhà phê bình Thụy Khê cho biết.
   

Đọc thêm