Rất nhiều người nghiện ma túy cũng như gia đình của họ mong muốn có một nơi cai nghiện hiệu quả, chăm sóc tận tình, giúp đỡ người nghiện từ bỏ sự ám ảnh ma quái của ma túy. Thế nhưng, nhiều cá nhân đã lợi dụng nhu cầu đó, thành lập các cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân không y bác sĩ, sử dụng các loại thuốc không được cấp phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ để điều trị cắt cơn cho người nghiện, bất chấp những hệ lụy đến sức khỏe và tính mạng của họ.
Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, cả nước có khoảng hơn 10 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (gọi tắt là cơ sở) được cấp phép. Riêng ở Hà Nội, chỉ có một cơ sở (cơ sở Bạch Đằng) được cấp phép, còn hơn chục cơ sở chui đang tồn tại trôi nổi.
Trong vai người nhà một con nghiện, phóng viên đã đến tìm hiểu một cơ sở không phép tại Thanh Trì (Hà Nội). Không tường rào, không biển hiệu, cơ sở này là mấy gian nhà cấp bốn ẩm ướt, tường ngoài xanh lét rêu. Tổng số cả “cán bộ”, nhân viên và người đang cai trong cơ sở là… 5 người.
Nam, người tự xưng là “trưởng chi nhánh” thao thao bất tuyệt giảng về quá trình cai nghiện: “Người nghiện sẽ phải ở cơ sở này tối thiểu khoảng 8 ngày, uống thuốc nam, dùng các loại thuốc tây hỗ trợ cắt cơn, đặc biệt là phải… tắm thật nhiều. Sau mười ngày là sẽ hết “vật” thèm thuốc, nhưng sức khỏe còn yếu. Nếu muốn ở lại nghỉ ngơi dưỡng sức tiếp cũng được, mà chuyển về điều trị tại gia đình cũng được”.
Chi phí dành cho 8 ngày điều trị là 5 triệu đồng, còn người nghiện ở lại thêm ngày nào sẽ tính tiền ăn ngày đó. Trong tủ kính đặt ở phòng làm việc của Nam, một vài chai thuốc đựng dung dịch màu xanh không có nhãn mác, một vài loại thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ cai nghiện như Cedemex, Vinantadic…
Hỏi vị “trưởng chi nhánh” tên Nam về phần trăm người cai nghiện thành công ở trung tâm, anh trả lời tỉnh bơ: “Làm sao mà biết được! Cai nghiện xong ở đây, ra mà bị bạn bè xấu rủ rê thì tái nghiện ngay, nhưng được gia đình động viên, tìm được công ăn việc làm, không bị lôi kéo… thì tỉ lệ cai được có khi phải đến 90%”.
Ngoài mảnh sân gạch, 3 người nghiện đang “điều trị” nằm ngồi vật vờ, có người cởi trần, phô ra những mảng vai, lưng xăm trổ nhằng nhịt. Người viết kín đáo hỏi chuyện nhân viên duy nhất tại trung tâm, anh này thật thà: “Có người “có điều kiện”, vào đây chỉ để… dưỡng ven thôi. Nghĩa là chích nhiều quá, ven nó đã nát ra, họ vào đây dùng thuốc các loại uống khoảng chục ngày, coi như nghỉ dưỡng, rồi lại ra “chơi” tiếp. Chi phí chục ngày mà mất có bốn triệu, thì cũng chỉ bằng bốn ngày hút, chích ở ngoài. Như vậy gọi là… cai nghiện dưỡng ven”.
Nhiều gia đình tràn trề hi vọng khi đưa con em mình vào các cơ sở như thế này, chắc chắn không biết được mục đích thật của việc “đi cai”. Thế mới biết, khi các đệ tử “nàng tiên nâu” vẫn chưa đủ quyết tâm để từ bỏ ma túy, họ sẽ nghĩ ra trăm phương ngàn cách để che mắt gia đình.
Tìm kiếm trên internet, tại Bắc Ninh, Nam Định, Thái Nguyên… đều có các cơ sở điều trị bằng thuốc nam, bằng thảo dược. Nhiều tỉnh từ Nam ra Bắc đều có các cơ sở quảng cáo sử dụng bài thuốc của một người có tên Tiêu Vĩnh Ngọc.
Câu chuyện về việc “dị nhân” mới ngoài 40 tuổi này tìm ra bài thuốc giúp cắt cơn nghiện ma túy nhuốm màu “liêu trai”: Sinh ra tại Cẩm Phả (Quảng Ninh), do đông con, kinh tế khó khăn, gia đình phải vào Nam lập nghiệp. Quá trình bươn trải kiếm sống, va vấp tệ nạn đã khiến bốn em trai của người này nghiện ngập.
Đang lúc tìm mọi cách để cứu lấy các em khỏi tệ nạn ma túy thì người này nghe được câu chuyện của hai người đàn ông trong một quán cơm, kể và cho nhau xem một loại thuốc có thể giúp họ vượt qua được cơn ghiền ma túy. Ly kỳ hơn là khi ra về, họ tình cờ bỏ quên túi thuốc, người này mang túi thuốc đó về tìm hiểu và đã “phát hiện” ra công thức chế biến loại “thần dược” giúp cai nghiện mang tên ông hiện nay.
Từ năm 2007, thuốc cai nghiện mang tên người này trở nên “nổi như cồn”, có người còn “thổi phồng” là “thần dược”. Điều đặc biệt là nhiều người ghi nhận loại thuốc này giúp người nghiện “cắt cơn”, tuy có chút mệt mỏi nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều so với các loại thuốc cắt cơn khác, thời gian cai nghiện rất ngắn, chỉ từ 36 - 42 tiếng đồng hồ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi một số tờ báo đề cập, hơn 10 cơ sở sử dụng loại thuốc này xuất hiện rầm rộ trong cả nước.
Chỉ một thời gian sau, cơ sở chính tại Cẩm Phả bị đình chỉ hoạt động vì chưa có giấy phép, bài thuốc chưa được Bộ Y tế kiểm nghiệm, các cơ sở còn lại cũng rút vào “hoạt động bí mật”. Cho đến thời điểm này, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ, TB&XH) cho biết, vẫn chưa có cơ sở nào sử dụng bài thuốc nêu trên được cấp phép, bài thuốc cũng chưa được Bộ Y tế thẩm định.
Nhận xét về hiện tượng “cai nghiện chui” như các trung tâm nêu trên, vị Cục phó cho biết: “Uống một chai thuốc nam xanh xanh như thế mà cai được nghiện thì giỏi quá. Tôi không tin. Cá nhân tôi thấy rằng việc cai nghiện ở các trung tâm mà thuốc thì chưa được kiểm nghiệm, không có y bác sĩ, là rất nguy hiểm. Trường hợp các hội chứng cai trầm trọng, gây giãn đồng tử, trụy tim mạch mà không có bác sĩ thì ai là người xử lý?”.
Một cán bộ tại Trung tâm điều trị người nghiện ma túy Hồng Phúc (Nam Định) đồng ý kiến, không bao giờ có một loại “thần dược” nào giúp người nghiện cai thành công. Thành công hay không, phụ thuộc vào chính quyết tâm của con nghiện, sự quan tâm, động viên của gia đình.
Vị cán bộ này phân tích: “Một số con nghiện ma túy ở các trung tâm nêu trên có thể cai được là vì sao?. Thuốc đó chưa được kiểm nghiệm, chưa chắc đã giúp giảm nhẹ cơn “vật” thuốc, nhưng những nhân viên trong các cơ sở thường là những người trước đây cũng nghiện, đã quyết tâm cai và thành công. Những người đồng cảnh với nhau rất dễ chia sẻ, dễ động viên nhau… vì thế có nhiều người, nghiện oặt rồi mà vẫn cai được. Nhưng đấy là lúc ở chỗ cai thôi, còn ra ngoài đời thì lại phụ thuộc nhiều yếu tố”.
Mặc dù tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nhưng không ít cơ sở vẫn đang lén lút hoạt động, với đủ mức giá, đủ loại thuốc, hình thức cai. Trong khi các địa phương còn quá lơ là để các cơ sở chui tự tung tự tác, mà các Trung tâm lao động xã hội, nơi cai nghiện tập trung cho người nghiện do Nhà nước lập ra vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người cai nghiện, thì người nghiện ma túy, cũng như gia đình những người trót dính vào “cái chết trắng” sẽ còn bị mất tiền oan vì các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện không phép.
Rất cần “nghe nghiện trình bày” Ông Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm Lao động – Xã hội Gia Minh (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), một địa chỉ cho người cai nghiện ma túy, chia sẻ kinh nghiệm: “Người ta cứ bảo ‘không nghe cave kể chuyện, không nghe nghiện trình bày", nhưng tôi quan điểm ngược lại: Phải lắng nghe, đồng cảm và tôn trọng người nghiện. Trung tâm Gia Minh của chúng tôi không có hàng rào, không có công cụ hỗ trợ, nhưng chúng tôi chưa từng có một học viên cai nghiện bỏ trốn. Người nghiện ma túy cần phải được coi như những người bệnh, họ bị một căn bệnh mãn tính, trường diễn, tái diễn. Phải chăm sóc họ về mặt y tế, đồng thời giúp đỡ họ về mặt tâm lý, giáo dục về kỹ năng sống. Sau khi cắt cơn nghiện, phục hồi sức khỏe, phải giúp họ tái hòa nhập cộng đồng: Học nghề, tìm kiếm công việc cho họ, thậm chí có trường hợp tôi còn lấy uy tín của mình để bảo lãnh cho họ vào làm ở các doanh nghiệp. Khi người nghiện đã quyết tâm từ bỏ ma túy thì cộng đồng nên đón nhận, đừng nên kỳ thị với họ”. |
Trần Quý