Cán bộ tư pháp tư vấn pháp luật cho người dân. |
Trái đắng cuối đời
Sau khi lo liệu hoàn tất mọi việc an nghỉ cho người chồng không may mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, bà Hà cùng hai cô con gái vào sắp xếp lại phòng làm việc của chồng. Trong một ngăn tủ luôn đóng kín, họ đã phát hiện ra một sự thật mà bây lâu vẫn được niêm khóa cẩn thận. Đó là họ đang có một đứa con, đứa em trai cùng cha khác mẹ nay đã chín tuổi.
Qua xấp giấy tờ mà người chồng lưu giữ, bà Hà biết được chồng mình, một cán bộ lãnh đạo cũng vào loại có cỡ của một cơ quan nọ từ cách đây cả chục năm đã “ngoài luồng” với một người đàn bà và sinh ra thằng bé. Hẳn ông đã rất vui mừng trước sự kiện này nên làm thủ tục khai sinh cho thằng bé rất đàng hoàng, đủ tên bố mẹ.
Cũng ngay tối đó, một người đàn bà đã đưa một cậu bé tầm chín mười tuổi đến bấm chuông nhà mẹ con bà Hà. Qua lời nói của người đàn bà và tờ giấy khai sinh đưa ra giống hệt như tờ chồng bà Hà lưu giữ trong ngăn tủ bí mật, thì bà Hà hiểu rằng đây chính là đứa con trai ngoài giá thú của chồng mình. Và người đàn bà là mẹ thằng bé đưa thằng bé đến đây với mục đích đòi được hưởng tài sản thừa kế sau khi bố nó qua đời.
Là người từng trải thâm trầm nên thay vì giận dữ, bà Hà đã nhỏ nhẹ mời mẹ con người đàn bà kia quay lại vào một ngày khác vì việc tang gia vẫn chưa hoàn tất. Ngay sáng hôm sau, bà Hà đã tìm đến văn phòng luật sư xin tư vấn. Lắng nghe từng lời giải thích của luật sư, nét bà Hà dần nhăn lại như ăn phải quả đắng. Nhưng biết làm sao khi luật vẫn là luật và mẹ con bà vẫn phải sẻ chia tài sản là ngôi nhà đã từng là tổ ấm của gia đình họ cho mẹ con người đàn bà kia.
Bản thân đứa trẻ không có lỗi
Hoàn cảnh của bà Hà cũng là hoàn cảnh của rất nhiều người đang phải đối mặt với nỗi ám ảnh con ngoài giá thú hậu quả của những phút giây vui thú ngoài vợ ngoài chồng, hay từ những lỗi lầm thời trẻ…Có người rời vào tình thế giống như bà Hà đã từng cay đắng thốt lên: “Tôi rất bức xúc khi những đứa con ngoài giá thú lại được hưởng tài sản thừa kế ngang hàng như những đứa con trong giá thú. Nhiều người nói là đây là sự nhân đạo của luật pháp, nhưng tôi không cho là như thế. Đứa con đó có thể nhận trợ cấp của nguời cha cho đến khi trưởng thành đó là điều đúng, nhưng còn gia tài mà người vợ và những đứa con chính thức đã phải mất cả đời người xây dựng thì tại sao đứa con ngoài giá thú kia cũng được hưởng. Vô lí quá!”
Theo luật định, con ngoài giá thú là con được sinh ra khi cha, mẹ chúng không phải là vợ chồng hợp pháp, không được đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, hoặc là những đứa trẻ sinh ra do cha mẹ ngoại tình, vi phạm chế độ một vợ một chồng. Trẻ thuộc diện này phải chịu thiệt thòi khi sinh ra, chính vì thế nên pháp luật nước ta luôn có quan điểm đối xử công bằng và bình đẳng đối với trẻ là con ngoài giá thú.
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì: “Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú”.
Tại Điều 4 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định: “Trẻ em không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con chung, con riêng, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, ngay từ khi sinh ra, con ngoài giá thú được hưởng đầy đủ các quyền lợi như con trong giá thú, như quyền được khai sinh, quyền được mang quốc tịch. Ngoài ra con ngoài giá thú còn được hưởng đầy đủ các quyền khác về nhân thân được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự như quyền về cư trú, hộ tịch, giám hộ, các quyền về tài sản, thừa kế...
Ở đời có những chuyện dù trong lòng không muốn nhưng vẫn phải thực hiện vì luật là luật thì trường hợp con ngoài giá thú cũng vậy. Hay như người đời vẫn khuyên “tình cảm tổn thương thì lâu quên, nhưng lý-tình không nên khuyết thiếu”.
Thế nên cần phải hiểu khi quy định như vậy, luật pháp Việt Nam đã thể hiện tính nhân đạo ở chỗ: Bản thân đứa con ngòai giá thú không có lỗi trong việc được sinh ra, vì thế bố hoặc mẹ của đứa con này phải có trách nhiệm với nó như những đứa con trong giá thú. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, phần tài sản mà đứa con ngòai giá thú được hưởng tính trên di sản do người sinh ra đứa con này (bố hoặc mẹ) chứ không phải là tài sản của cả hai vợ chồng vì trong đó một người không phải là bố hoặc mẹ chúng.
Thừa kế theo pháp luật được xây dựng trên cơ sở xem xét ba mối quan hệ: Quan hệ hôn nhân; Quan hệ huyết thống; Quan hệ nuôi dưỡng. Diện những người thừa kế được pháp luật công nhận dựa trên ba mối quan hệ trên với người để lại di sản là: Quan hệ hôn nhân (xuất phát từ việc kết hôn giữa vợ và chồng); Quan hệ huyết thống (quan hệ giữa những người cùng dòng máu như cụ với ông, bà; ông, bà với cha mẹ; cha mẹ với các con; anh chị em ruột...); Quan hệ nuôi dưỡng (xuất phát từ sự quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau giữa những người không cùng huyết thống hay không có quan hệ hôn nhân như cha mẹ nhận nuôi con nuôi) |
(còn nữa)
Hạnh Quyên