Con nuôi nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking: Lời cha luôn sống mãi trong tim con

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nổi tiếng với cuốn sách “Lược sử thời gian” cùng nhiều công trình đóng góp cho ngành vật lý lý thuyết, vũ trụ học, Stephen William Hawking được thế giới tôn vinh là “ông hoàng vật lý”. Với Việt Nam, nhà vật lý Stephen Hawking còn có một điều đặc biệt nữa, đó là ông đã từng nhận đỡ đầu một trẻ mồ côi Việt Nam tại Làng SOS Hà Nội từ năm 1990.
Khoảnh khắc được ghi lại khi Thu Nhàn sang Anh thăm cha nuôi vào năm 2000.
Khoảnh khắc được ghi lại khi Thu Nhàn sang Anh thăm cha nuôi vào năm 2000.

Sự ngẫu nhiên của số phận

Nguyễn Thị Thu Nhàn sinh ra tại một gia đình nghèo tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Năm 1989, khi ấy Thu Nhàn mới 9 tuổi thì bất ngờ một tai họa giáng xuống, trong một lần chèo thuyền đánh cá, cha mẹ em bị lật thuyền và ra đi mãi mãi. Sau đó, Nhàn cùng 2 cô em gái được gửi vào Làng trẻ em SOS Hà Nội, còn anh trai em được gửi tại Làng Birla gần đó.

Tại Làng SOS, Thu Nhàn cùng 2 em về sống với mẹ Nguyễn Thị Hoa trong ngôi nhà mang tên Hoa Đào. Năm 2001 khi tôi lần đầu tiên tìm đến Làng SOS Hà Nội và được giới thiệu đến nhà Hoa Đào để gặp Nhàn viết bài, nhà có khoảng một chục trẻ có cùng hoàn cảnh và đều được mẹ Hoa yêu thương, chăm sóc chu đáo. Tuy vậy, là đứa trẻ bỗng dưng phải rời xa cha mẹ đột ngột, thời gian đầu về sinh hoạt tại đây, Nhàn và các em rất nhớ cha mẹ. Nhiều đêm Nhàn không ngủ được vì nhớ cảnh gia đình cùng 4 chị em quây quần. Dần dà được các mẹ động viên, Nhàn đã hòa nhập với cuộc sống nơi đây.

Thu Nhàn trong chiếc áo dài cha nuôi tặng.

Thu Nhàn trong chiếc áo dài cha nuôi tặng.

Rồi một niềm vui bất ngờ đến với Nhàn, khi mà một buổi sáng mẹ Hoa báo tin Nhàn được nhà khoa học nổi tiếng thế giới Stephen Hawking nhận làm cha đỡ đầu. Theo quy định của Tổ chức S.O.S quốc tế, mọi hồ sơ của những trẻ em được nhận vào làng sẽ phải gửi đến trụ sở chính ở thủ đô Vienna, nước Áo. Sau đó, hồ sơ của trẻ sẽ được gửi ngẫu nhiên đến các gia đình có mong muốn nhận con nuôi ở khắp nơi trên thế giới. Nếu được nhận nuôi, các em sẽ được gia đình nuôi hỗ trợ tài chính cho đến khi các em đủ 18 tuổi. Tình cờ, tập hồ sơ của Thu Nhàn được gửi đến gia đình của Stephen Hawking và vợ là Elaine Mason. Và Thu Nhàn đã trở thành con nuôi của nhà vật lý Stephen Hawking một cách ngẫu nhiên như vậy.

Sau khi được nhận nuôi, Thu Nhàn thường xuyên viết thư liên lạc với bố mẹ nuôi của mình. Dù rất bận rộn, Stephen Hawking cũng rất chăm viết thư cho cô con gái bé nhỏ. Ông và bà Elaine Mason cũng thường xuyên gửi những món quà nhỏ cho Nhàn vào các dịp Noel, tết, sinh nhật...Vào năm 1997, ông Stephen Hawking đã bí mật sang Việt Nam thăm con gái cùng với người vợ của mình. Lần đầu tiên, sau nhiều năm chỉ trao đổi qua những bức thư đầy yêu thương, cô bé Thu Nhàn cuối cùng cũng được gặp gỡ cha mẹ nuôi ngoài đời.

Hơi ấm gia đình ở nước Anh

Ngày gặp mặt, Thu Nhàn ngỡ ngàng dù trước đó qua ảnh đã biết rằng bố nuôi mình mắc căn bệnh khiến tứ chi hầu như không cử động được. Trực tiếp gặp bố nuôi, quá cảm phục trước nghị lực phi thường của bố, Nhàn ôm ông, đỡ đầu ông dậy để thể hiện tình cảm. Còn ông nói chuyện với con gái nuôi bằng tiếng nói giả phát ra từ máy tính và qua một người phiên dịch. Có lúc ông nhướn mày, dùng ánh mắt để giao tiếp. Với Stephen Hawking, dù trên giấy tờ, Nhàn là con đỡ đầu của ông, nhưng ông luôn âu yếm gọi em là con nuôi.

Trong chuyến thăm, vợ chồng ông dẫn Nhàn đi chơi Bờ Hồ, mua từ điển tiếng Anh. Ông chọn vải, chọn dáng cho chiếc áo dài đầu tiên của con gái nuôi ở một cửa hiệu nổi tiếng tại Hà Nội. Còn Nhàn tặng bố mẹ đỡ đầu món đồ trang trí tự tay làm từ những dải ruy băng.

Ba ngày ngắn ngủi trôi qua, cuộc chia tay ở Làng SOS đẫm nước mắt, khi cả hai bố con cùng khóc, nắm tay, níu kéo mãi không rời, khiến nhiều người xung quanh không khỏi xúc động.

Sau lần gặp mặt đó, dường như những bức thư không thể nói hết được tình cảm của gia đình Hawking với cô con gái nuôi Thu Nhàn. Theo quy định Tổ chức SOS thế giới thì con nuôi không được phép đến thăm cha mẹ nuôi tại gia đình họ, nhưng nỗi nhớ đã thúc đẩy Stephen Hawking đề nghị Tổ chức SOS quốc tế cho phép Nhàn sang Anh thăm gia đình cha nuôi.

Vì trường hợp của Hawking quá đặc biệt nên lời đề nghị này được chấp thuận. Những công việc cần thiết đã được xúc tiến những công việc cần thiết để Thu Nhàn được đi thăm cha, mẹ nuôi. Mùa thu năm 2000, Thu Nhàn một mình xách va ly lên máy bay. Cả ngày hôm đó, Hawking nghỉ làm để đợi Nhàn.

Hai tháng sống trong gia đình của nhà vật lý vĩ đại, Thu Nhàn không hề cảm thấy lạ lẫm. Mỗi buổi sáng, Nhàn luôn cùng ăn sáng với Stephen và gia đình ông. Ông luôn cố gắng tạo ra bầu không khí gần gũi và ấm cúng, để em có thể cảm nhận được ông yêu thương cô nhiều như thế nàò. Với Thu Nhàn, Stephen Hawking là một người cha hết lòng yêu thương con gái.

Thu Nhàn cùng chồng và hai con tham dự buổi ra mắt The Theory of Everything (Thuyết Vạn Vật) - bộ phim kể về cuộc đời Stephen Hawking vào năm 2014.

Thu Nhàn cùng chồng và hai con tham dự buổi ra mắt The Theory of Everything (Thuyết Vạn Vật) - bộ phim kể về cuộc đời Stephen Hawking vào năm 2014.

Những ngày sống ở Anh, Thu Nhàn được cha mẹ đăng kí cho một khóa học tiếng Anh. Stephen luôn nhắc nhở con gái học hành vào mỗi tối. “Bố luôn nói với tôi rằng, con phải cố gắng học thật tốt, muốn thành công thì chỉ có con đường duy nhất là học. Con nên ý thức rằng, bản thân không được dựa dẫm vào điều gì. Con thấy đấy, bố mặc dù cơ thể không lành lặn nhưng chưa bao giờ bố ngừng cố gắng, ngừng học hỏi”, Nhàn kể.

Lời cha sống mãi trong tim con

Stephen Hawking là nhà khoa học nổi tiếng thế giới bởi những công trình nghiên cứu đột phá về vật lý lý thuyết, vũ trụ học, đồng thời cũng nổi tiếng vì có nghị lực phi thường. Ông sinh năm 1942, từng học tại Đại học Oxford, sau đó làm Chủ tịch Toán học của Đại học Cambridge danh tiếng. Khi mới ngoài 20 tuổi, Stephen Hawking mắc căn bệnh ALS quái ác. Nó khiến cho ông bị liệt toàn bộ cơ thể, chỉ vài ngón tay và bộ não của ông là còn hoạt động. Do đó, Stephen Hawking được trợ giúp bởi một chiếc ghế đặc biệt. Ông điều khiển mọi việc, từ đi lại viết lách đến giao tiếp bằng một chiếc máy tính, đặt trên xe lăn và gắn liền với những nút bấm ở hai ngón tay còn hoạt động được.

Stephen Hawking đặc biệt luôn vui vẻ lạc quan với sức khỏe của mình. Ông là người bệnh ALS sống lâu nhất thế giới. Ông từng nói, tôi bị bệnh từ năm 1963, vậy mà vẫn sống được thêm hơn 50 năm nữa. Và, “tôi có một lợi thế hơn mọi người là tôi không bị quên những điều tôi chuẩn bị nói ra”.

Khi trở lại Việt Nam, Thu Nhàn vẫn thường xuyên gửi thư từ và ảnh của mình cho bố. Bức thư gần nhất Nhàn gửi cho ông là khi em đã trưởng thành, học tập, tách khỏi làng ra ở riêng và thành lập gia đình. Nhàn gửi thư và kèm theo ảnh cưới. Trả lời con gái nuôi, ông Hawking bày tỏ sự hạnh phúc vì thấy con gái mình đã trưởng thành và chúc con ấm êm bên gia đình nhỏ.

Năm 2014, khi biết tin bộ phim “The Theory of Everything” (Thuyết vạn vật) kể về cuộc đời của Hawking được công chiếu tại Việt Nam, chị Nhàn đã đưa chồng và hai con đi xem. Ngồi trong rạp mà nước mắt Thu Nhàn không ngừng rơi khi những hình ảnh trong phim gợi trong tâm trí ký ức về người cha, về những kỷ niệm êm đềm của hai cha con trong những tháng ngày hạnh phúc ở nước Anh năm nào.

Ngày 14/3/2018, Stephen Hawking qua đời. Nhàn không thể có mặt để đưa tiễn cha nuôi lần cuối. Từ nơi xa cô con gái nuôi chỉ biết thì thầm gửi vào gió lời nhớ thương đau buồn và lời hứa sẽ luôn nhớ những lời ông căn dặn để có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống...

Đọc thêm