Con phố 'không rác' đầu tiên ở nước Pháp

(PLVN) - Con phố dài 500m không sạch bong như tên gọi “không rác”, vẫn còn đầu mẩu thuốc lá, vết kẹo cao su trên vỉa hè, nhưng mục tiêu của dự án là cùng giảm khối lượng rác thải...
Phố Rue de Paradis

Cứ mỗi giây lại có thêm 35 kg rác thải ở Paris. Như vậy, gần 2,2 triệu người dân thủ đô của Pháp thải ra mỗi ngày 3.000 tấn và mỗi năm khoảng 1,1 triệu tấn.  

Vào tháng 12/2018, lần đầu tiên “Tuyến phố không rác” được thí điểm ở phố Thiên Đường (Rue de Paradis, quận 10) nhộn nhịp, nằm giữa khu phố sầm uất gần nhà ga phía Đông, và thể hiện rõ sự đa dạng của Paris.

Con phố dài 500m không sạch bong như tên gọi “không rác”, vẫn còn đầu mẩu thuốc lá, vết kẹo cao su trên vỉa hè, nhưng mục tiêu của dự án là cùng giảm khối lượng rác thải, 10% trong năm 2019, của khoảng 6.000 người sống và làm việc ở phố Thiên Đường.

Bà Léa Vasa, trợ lý thị trưởng quận 10 Paris, giải thích về dự án cùng giảm rác thải: “Những người tình nguyện (vì chúng tôi không ép ai cả), sẽ được hội Zero Waste Paris hỗ trợ, tùy theo hoàn cảnh của họ, vì rác thải có nhiều loại khác nhau, như rác thải từ các nhà hàng, hộ dân… Chúng tôi sẽ đồng hành với họ.”.

Quán cà phê San Jose - “1 euro, rẻ nhất Paris” - của ông Patrice Pages, luôn tấp nập khách ra vào. Vừa luôn tay pha cà phê tại chỗ, vừa đóng gói cà phê rang xay cho khách mang về, ông Pages giải thích:

“Phố Thiên Đường được chọn vì ở đây có nhiều trường học, nhà hàng, hộ dân cư và văn phòng. Chương trình vừa mới bắt đầu. Hiện tại, chưa có ai ở thành phố Paris đến làm việc với cửa hàng tôi, mà chỉ có hiệp hội Zero Waste Paris đến dán logo tham gia chương trình, ghi vào danh mục các cửa hàng tham gia trên website để người dân trong khu phố biết rằng họ có thể mua cà phê và đựng trong cốc mà họ mang đến.

Nhưng như tôi giải thích với hiệp hội Zero Waste Paris, từ 10 - 12 năm nay, khi bắt đầu bán lẻ cà phê, tôi đã có rất nhiều khách hàng mang cốc riêng đến mua để tránh sử dụng cốc dùng một lần. Còn nếu uống tại chỗ, chúng tôi có tách sứ. Nhưng khi họ đến mua cà phê mang về văn phòng, họ thường mang cốc đến, với trà cũng như vậy”. 

Vẫn theo ông Pages, từ lâu, người dân sống xung quanh cửa hàng của ông đã ý thức được về việc giảm rác thải. Để khẳng định điều mình nói, ông mở cổng chính dẫn vào tòa nhà đối diện quán cà phê. Sau dãy hành lang dài là một khu sân chung và trong góc sân là một bình ủ phân hữu cơ lớn, đầy vỏ rau củ. 

Việc biến rác hữu cơ thành phân bón đã được thành phố Paris triển khai từ khá lâu. Tính đến giữa năm 2018, thành phố Paris đã tặng khoảng 500 bình ủ phân hữu cơ cho người dân. Bà Léa Vasa giải thích:

“Một phần tư thùng rác là chất thải hữu cơ và chúng ta có thể dễ dàng biến chúng thành phân bón ngay trong nhà hoặc dưới sân chung của khu nhà. Ngoài thiết bị làm phân bón có thể làm tại nhà, chúng tôi cũng rất muốn thử hệ thống tái chế rác thực vật cho cả khu phố.

Ngoài ra, trong một thùng rác ở Paris, trung bình một nửa là bao bì mà chúng ta có thể tránh được. Ví dụ, như vỏ chai dầu gội đầu, chúng ta có thể thay thế bằng xà phòng Marseilles chẳng hạn, hoặc tự chế ra sản phẩm tẩy rửa trong nhà. Đối với vỏ bọc sản phẩm chia thành phần nhỏ, hoặc đồ sử dụng một lần như cốc uống ở các nhà hàng, các tiểu thương hoàn toàn có thể thay đổi cách làm”.

Phương pháp này được ông Abdoulaye, chủ nhà hàng Le Tricycle, nhiệt tình ủng hộ từ khi dự án được khởi động: “Gần đây thành phố Paris khuyến khích người dân tự mang hộp cơm rỗng, dao dĩa hoặc mang túi đến mua đồ.

Điều này giúp chúng tôi tránh được vấn đề bao bì gây rác thải. Dù đó là bao bì bằng giấy, bìa tái chế, chúng tôi đều tìm cách tránh tối đa. Với đồ ăn mua mang đi, chúng tôi cố để chung nhiều món trong cùng một hộp, thay vì mỗi một món trong một hộp riêng, nhằm sử dụng ít bao bì nhất có thể.

Ví dụ trong tương lai, nếu nhiều người mang hộp rỗng đến, tôi chắc chắn là có thể giảm được rất nhiều rác. Chúng tôi áp dụng chương trình này cách đây chưa lâu, khoảng một tháng, đã có nhiều người chú ý mang hộp rỗng đến”.

Tầng hai nhỏ nhắn được dành cho khách hàng ăn tại chỗ. Ở nhà hàng Le Tricycle, không có bàn kê riêng, khách ngồi chung bàn và chia nhau bình nước uống. Đồ ăn được phục vụ trong bát gỗ, đồ uống trong cốc thủy tinh, không ống hút và giấy ăn làm từ giấy tái chế.

Ngoài món ăn sẵn mang đi, khách hàng còn có thể mua rau củ quả được bày bán ngay trong các kiện gỗ trước cửa hàng, cùng với dòng lưu ý: “Mang túi của bạn tới”.

Giảm lượng rác ngay từ gốc là mục tiêu chính mà thành phố Paris đề ra, vì cho dù bằng hình thức đốt hoặc tái chế, cả hai phương pháp đều tạo ra khí thải gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Để người dân thấy được nỗ lực của mình, chính quyền quận 10 sẽ thường xuyên cân rác thải từ các xe thu gom trên toàn tuyến phố. Mỗi hộ gia đình còn có thể nhận được cân riêng để tự theo dõi và so sánh từng thời điểm khối lượng rác mà họ thải ra.  

Hàng trăm chiếc gạt tàn bỏ túi sẽ được tặng cho những nhân viên hút thuốc lá làm việc trong phố để ngăn tình trạng đầu mẩu thuốc lá vẫn bị vất bừa bãi trên vỉa hè. Khoảng 26.000 đầu lọc thuốc lá được thu lượm chỉ trong vòng một ngày, vào tháng 6/2018, ở bên bờ kênh Saint - Martin là ví dụ mới nhất cho thấy thói quen xấu này của người Paris.

Ngoài đào tạo cho người dân trong khu phố về “Không rác thải” và phân loại rác, hội Zero Waste Paris, đơn vị phối hợp với thành phố Paris, sẽ tổ chức nhiều lớp học “tự làm” (do it yourself), như tự chế biến mỹ phẩm hoặc sản phẩm tẩy rửa, dạy nấu ăn từ thức ăn thừa, tự làm vải bọc tẩm sáp ong để thay giấy bạc bọc đồ ăn, dùng bình đựng nước thay vì uống nước đóng chai, sửa đồ thay vì vất bỏ hoặc mua mới… 

Trong trường hợp thành công, kinh nghiệm từ phố Thiên Đường sẽ được nhân rộng ra nhiều quận khác của thủ đô, theo giải thích của bà Léa Vasa, trợ lý thị trưởng quận 10: “Ý tưởng của chúng tôi là rút ra kinh nghiệm từ trải nghiệm này và từ từ phổ biến những gì mà chúng tôi đã thu lượm được, tiến hành những thử nghiệm mới và nếu cho kết quả tốt, chúng tôi sẽ nhân rộng hơn”.

Đọc thêm