Mấy ngày gần đây, truyền thông hai nước Canada và Việt Nam râm ran vì thảm kịch cô gái gốc Việt thuê sát thủ giết hại cha mẹ mình. Tội ác rất kinh hoàng, nhưng sự thật phía sau tội ác còn khiến nhiều người bàng hoàng hơn. Jennifer Pan (28 tuổi), người Canada gốc Việt sống ở thành phố Markham, phía bắc Toronto, từng được coi là cô con gái vàng của gia đình có mẹ là người Việt, bố người Việt gốc Hoa. Cô là sinh viên hạng A tại một trường Công giáo, sau đó giành được học bổng và sớm được nhận vào đại học.
Những thành tích trong suốt quá trình học tập của Pan luôn khiến cha mẹ cô - bà Bich Ha và ông Huei Hann Pan tự hào. Thế nhưng, tất cả những thành tích xán lạn mà Pan đạt được chỉ là kết quả của màn kịch dối trá chuyên nghiệp. Trên thực tế, Pan đã không hoàn thành chương trình trung học hay theo học Đại học Toronto như những lời đã nói với cha mẹ. Pan giả mạo mọi giấy tờ, từ báo cáo, thư từ, học bổng, bảng điểm đại học… để tạo ra hình ảnh đứa con hoàn hảo.
Động cơ khiến Pan làm việc này cũng như thuê sát thủ sát hại cha mẹ mình là vì cô đã được cha mẹ nuôi dạy trong môi trường đề cao tuyệt đối thành công trong học tập. Họ hạn chế mọi hoạt động vui chơi của con cái để tập trung cho việc học hành. Ngoài việc đến trường, Pan bị hạn chế mọi hoạt động vui chơi cùng bạn bè, không được phép hẹn hò.
Khi cha mẹ Pan phát hiện ra sự thật, họ quy chụp ngay rằng Pan là một đứa trẻ hư và áp dụng những cấm đoán nghiêm khắc hơn. Quá tù túng, Pan bắt đầu nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ tốt hơn biết bao nếu không có cha mẹ. Và bi kịch đã diễn ra…
Đây là câu chuyện ở Canada, còn ở Việt Nam thì sao? Liệu những đứa trẻ Việt Nam có bị mắc kẹt trong giấc mơ của cha mẹ như thế? Lời tâm sự của hai bà mẹ tại diễn đàn “Yêu con thế nào cho đúng cách” dưới đây sẽ phần nào trả lời được câu hỏi.
Mẹ sai lầm vì đã… quá yêu con
“Như nhiều người phụ nữ khác, tôi rất yêu con. Thậm chí tình yêu của tôi còn có phần hơn họ, bởi khó khăn lắm vợ chồng tôi mới có con sau bao nhiêu năm chữa chạy. Yêu con nên con chưa đau mẹ đã đau, con chưa khóc mẹ đã khóc. Yêu con nên tôi đặt hết hy vọng vào con, với mong muốn con sẽ làm được những gì mà vợ chồng tôi không làm được.
Ngày bé, mẹ tôi ước ao tôi trở thành bác sĩ. Tôi cũng nhiễm ước mơ của mẹ tự lúc nào khi lũ búp bê, gấu bông trong nhà nhằng nhịt những vết tiêm và băng dính. Nhưng khổ nỗi tôi lại học dốt toán nên ước mơ tiêu tan. Chồng tôi, anh có ông bố là giáo viên dạy nhạc nên cũng mơ ước anh theo nghề. Nhưng đôi tai thẩm âm nghe nhạc “như vịt nghe sấm”, “khả năng” nhìn nốt nhạc như nốt ruồi đã giết chết mơ ước của chồng tôi.
Và, giờ thì hai ước mơ đó của bố mẹ đổ dồn lên vai đứa con bé bỏng. Con tôi bộc lộ năng khiếu học văn từ nhỏ. Cô giáo chủ nhiệm đã năm lần bảy lượt đề nghị tôi cho con vào đội tuyển văn của trường nhưng tôi cứ lờ đi. Tôi ép con học toán ngày đêm để thực hiện giấc mơ bác sĩ. Một tuần tôi đăng ký cho con đến năm buổi toán. Lắm lúc tan trường con ngồi sau xe mẹ, vừa khóc vừa gặm bánh mỳ để đến lớp toán. Những con số, những công thức đối với con không khác gì cơn ác mộng. Chưa hết, một tuần con tôi còn 4 tiếng học đàn piano.
Thu nhập vợ chồng công chức ngặt nghèo nhưng chúng tôi cố dành dụm chắt bóp để mua cho con chiếc đàn piano thật xịn và thuê thầy về tận nhà dạy. Tan buổi học nào thầy cũng lắc đầu, trò thì nước mắt lưng tròng ôm hai bàn tay sưng đỏ. Ước mơ được học vẽ của con, vợ chồng tôi biết nhưng trong mắt vợ chồng tôi, thứ nghệ thuật đó sao sánh được với tiếng đàn piano cao quý.
Cứ thế, con vất vả với những môn học của bố mẹ, ước mơ của bố mẹ và cả những lời mắng mỏ, thậm chí là đòn roi của bố mẹ. Cho đến một ngày, chúng tôi nhận ra rằng con mình ngoài giờ ăn, còn lại luôn ở lì trong phòng riêng với thái độ buồn bã, cô độc. Người bạn là bác sĩ tâm thần nhi khoa đến chơi nhà biết chuyện đã lên lớp cho cả hai vợ chồng một bài học về sang chấn tâm thần ở trẻ nhỏ.
“Ai cũng biết mẹ là người yêu con nhất, nhưng cũng chính là người gây bạo hành với con nhiều nhất - bạn tôi đã nói thế - Bằng chứng là theo điều tra người ta thấy trong nhà mẹ mắng chửi con nhiều hơn cả (chiếm tới 66,2%) trong khi bố mắng chửi con chỉ là 53,8%. Mẹ đánh con chiếm 16.9, bố đánh con là 9,2%. Tình yêu như thế đã khiến trẻ phải gánh chịu bạo hành trong chính ngôi nhà của mình, đã khiến trẻ biến thành cái nụ thui chột khi chưa kịp nở thành hoa”.
Giờ thì tôi đã hiểu vì sao con lại ở lì trong phòng như thế. Giờ thì tôi đã hiểu mình đã phạm phải sai lầm gì. Đúng là yêu con như thế bằng mười hại con!”
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
“Trị” chồng để cứu con
“Chồng tôi là người rất cầu toàn về con cái. Trong mắt anh, con chỉ có quyền tiến lên chứ tuyệt đối không được thụt lùi. Con gái vào tiểu học, những câu hỏi của bố khi đón con cuối ngày chủ yếu xoay quanh chuyện điểm số và thứ bậc. Hôm nào thấy anh dẫn con về nhà với nét mặt không vui là biết ngay hôm đó con gái được điểm dưới 9 hoặc không được cô giáo xướng tên cuối ngày trong danh sách bạn ngoan.
Tôi đã nhiều lần nói với chồng rằng, nếu anh cứ như thế không những tạo áp lực cho con mà còn tập cho con tính nói dối để cha mẹ hài lòng. Nhưng anh bỏ ngoài tai tất, thậm chí hôm vừa rồi đi họp phụ huynh cho con, anh còn đứng dậy phản ứng với cô giáo về chủ trương của ngành giáo dục bỏ chấm điểm đối với bậc tiểu học. Vì theo anh, làm như thế là “nhụt chí phấn đấu” của đứa trẻ, khiến sau này nó sẽ không tồn tại được với cuộc đời.
Sở dĩ chồng tôi có cách dạy con như vậy vì anh học theo gương của một gia đình mà anh quen biết. Gia đình này cũng có một cô con gái ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, xinh đẹp, hát hay. Với tất cả thế mạnh của mình, cô gái đó đã dễ dàng được học bổng du học Mỹ trong sự ngưỡng mộ của bạn bè. Thế nhưng, cứ ngỡ con đường tương lai của cô gái trẻ thênh thang, nào ngờ hai năm sau, gia đình bạn chồng tôi ngỡ ngàng nhận được tin con gái mình bị nhà trường trả về. Lý do là khi hòa nhập môi trường quốc tế, nhận thấy có nhiều bạn bè giỏi hơn mình, vốn quen với vị trí đứng nhất xưa nay nên cô gái đã không thể chấp nhận được, đầu óc luôn căng thẳng. Cộng với việc bị người yêu bỏ vì tính khí hiếu thắng nên con gái bạn chồng tôi đã rơi vào trầm cảm nặng. Quay về nước điều trị bệnh, sau sự cố đó, cô con gái cũng trở thành một con người khác hẳn, tự ti và mặc cảm.
Khi biết tin về con gái bạn mình, chồng tôi hoang mang lắm và có vẻ suy nghĩ nhiều. Nhân cơ hội này tôi đã nhờ một người bạn là nhà giáo nói chuyện với chồng mình. “Dạy con là đôi khi để chúng nếm mùi thất bại” - bạn tôi đã nói với chồng tôi như vậy. Vì khi con trẻ thất bại và nhận được sự quan tâm, khích lệ kịp thời của cha mẹ sẽ mạnh mẽ hơn và xem đó như là thử thách để trui rèn ý chí bản thân, biết nỗ lực vượt qua mà không nản lòng. Điều đó có một giá trị vô cùng to lớn trong việc tạo dựng lòng tự tin, ý chí bản lĩnh ở con trẻ...
Chiều qua, con gái tôi đi học về nhảy chân sáo khoe với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay con được 10 điểm tập viết nhưng bố không hỏi. Bố chỉ hỏi con đi học có vui không?”
Kết
Quay lại với câu chuyện của cô gái Canada gốc Việt, nhiều người nhập cư gốc Á đồng cảnh ngộ dù không tán thành hành động tàn ác của Pan nhưng vẫn chia sẻ với cô. Bởi họ ít nhiều thấy hoàn cảnh của cô giống mình, đã từng “tuyệt vọng vẫy vùng” trong kỳ vọng khắc nghiệt của cha mẹ. Giáo sư Jennifer Lee, chuyên gia về đời sống người Mỹ gốc Á tại Trường Đại học California Irvine (Mỹ) cho rằng sẽ là sai lầm nếu đổ toàn bộ tội lỗi cho cha mẹ của Pan, nhưng cũng không thể không thừa nhận cha mẹ cô chắc chắn có vai trò trong việc khiến con gái mắc kẹt trong giấc mơ của họ…
Hy vọng rằng sau khi đọc bài báo này, những bậc làm cha, làm mẹ sẽ có đôi chút nghĩ suy về những gì đã, đang và sẽ “làm cho con” của mình.