Con thiên tử cũng chịu…án oan

(PLO) - Mệnh là Đông cung Thái tử, được chọn nối ngôi vua cha về sau, nhưng vị Thái tử ấy lại bị vu oan giá họa vào cái án không do mình gây ra. Vua cha cũng phải bất lực để con bị bắt và về nơi “cửu tuyền” trong oan ức. Đó là trường hợp của Thái tử Lê Duy Vỹ. 
Tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), Hoàng Thái tôn Lê Duy Khiêm (hay Duy Kỳ) ngồi ngai vàng thay ông nội là vua Lê Hiển Tông băng hà, được sử biết đến là Lê Chiêu Thống, còn gọi là Lê Xuất đế. Đầu năm Đinh Mùi (1787), vua Chiêu Thống phong cha là cố Thái tử Duy Vĩ đã mất từ năm Tân Mão (1771) làm Hựu Tông hoàng đế. 
Điều đáng nói ở đây, Thái tử Duy Vĩ cha của vua Lê Chiêu Thống lại chẳng chết theo lẽ thường, mà bị vu oan giá họa đến nỗi mất mạng. Sự thể cái họa từ trên trời rơi xuống ấy ra sao? 
Họa đến từ mâm cơm quân - thần
Đường đường là Đông cung Thái tử con vua, nhưng sống giữa thời Lê trung hưng (1533 - 1789), quyền lực vua Lê chỉ còn là hư vị, chính sự thuộc về chúa Trịnh. Cung vua chỉ là bình phong, phủ chúa mới là nơi tim não của nước dạo đó. Thế nên, ngay cả việc chi dùng trong cung vua cũng do phủ chúa quyết định. 
Việc ai được chọn lên ngai vàng nhà Lê, phần nhiều do chúa Trịnh ưng mắt mà duyệt. Còn ai, dù là hoàng thân quốc thích của vua, hay thậm chí là con thiên tử, mà ngược ý nhà chúa, thì cũng chịu họa sát thân. Cái họa nạn ấy, đã được chứng minh ngay trong trường hợp Thái tử Lê Duy Vỹ. 
Theo Lê triều ngọc phả, vua Lê Hiển Tông có 30 hoàng tử, 23 công chúa. Trai trưởng của vua là Duy Lưu, nhưng sau này mất sớm. Duy Vỹ (1745 - 1771) là con trai thứ tiếp sau của vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), vị vua trị vì tới 47 năm thời Lê trung hưng. Sử cũ cho hay “Giáp Thân, năm Cảnh Hưng 25 (1764). Sách lập hoàng tử Lê Duy Vĩ làm Hoàng Thái tử. 
Lời sách rằng: “Nối đức đời trước, mong giữ nghiệp lớn vô cùng; Noi phép đạo vương, sáng tỏ lẽ thường không đổi. Bèn ban sách dẹp; thực hợp ngày lành. Lê Duy Vỹ ngươi ở hàng con đích, giỏi làm văn, làm thơ. Đóng mở máy kiền khôn, nhờ Trịnh vương sửa sang đất nước. Sáng ngời vừng nhật nguyệt, ở Đông cung ngày một lớn khôn. Ngôi Thái tử đã cảm được tình; giữ trọng trách phải tuân lời phó thác. Ngươi nên: Kính nhận mệnh lớn; sáng nối nghiệp xưa. Tôn thống được trọng, lòng dân được hòa, hưởng phúc lành cả muôn nước. Ngôi vua được bền, nghiệp chúa được vững, có đạo đức hàng ức năm. Phải kính tuân tờ sách này” (Trích Lê quý dật sử).  
Tiếc thay, mệnh lớn được dự trao trong tương lai, nhưng mệnh hoàng đế của Thái tử  Duy Vỹ đã không kịp thực thi đức tốt như lời văn sách của vua cha răn dạy cũng chỉ vì một việc tai bay vạ gió. 
Số là, Thái tử Duy Vỹ dù tuổi còn trẻ nhưng đã tỏ ra là người thông minh, chăm học, hiểu khắp kinh sử, ưu đãi kẻ sĩ. Thần dân trong nước rất khâm phục phong thái của vị vua tương lai, còn Minh đô vương Trịnh Doanh yêu quý, gả con gái là quận chúa Tiên Dung cho. Riêng Thái tử Duy Vỹ, trong lòng căm giận nhà Lê bị mất quyền, nên thâm tâm có chí muốn thu lại quyền bính sau khi lên ngôi. 
Lúc ấy, Trịnh Sâm (1739 - 1782) là Thế tử, con trưởng của Trịnh Doanh, thuộc dạng đồng trang lứa với Duy Vỹ, hơn Thái tử 6 tuổi. Thấy Duy Vỹ tài năng hơn mình, được nhiều người yêu quý thì tỏ ra ganh ghét đố kỵ. Nguồn cơn sâu xa cho hậu họa của Duy Vỹ từ ấy mà ra. 
Còn nguyên cớ trực tiếp cho sự yểu mệnh của Thái tử, được ghi lại trong Việt sử cương mục tiết yếu: “Một hôm, Thái tử và Sâm cùng ở phủ chúa Trịnh. Thức ăn đưa vào, Doanh cho hai người cùng ngồi. Vợ Doanh là Nguyễn Thị (người Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, mẹ của quận chúa Tiên Dung) ngăn lại và nói: “Thế tử với Thái tử, có quan hệ vua tôi, sao nên để ngồi cùng nhau”. 
Lời bà Nguyễn Thị tỏ ra là người biết lễ nghĩa quân thần, nhưng tiếc rằng Trịnh Sâm vốn đã sẵn ghét em rể, thấy mẹ nói thế thì tái mặt, biến sắc, buông đũa đứng phắt dậy rồi nói với người xung quanh: “Hai chúng tôi, phải có một sống, một chết, quyết không cùng tồn tại”. Nếu lời này không phải thời vua Lê - chúa Trịnh, thì kẻ lộng ngôn xúc phạm tới vị thế Thái tử, vua tương lai như thế nặng thì rơi đầu, nhẹ thì phạt trượng. 
Tiếc rằng, đây lại là thời quyền hành nằm trong tay chúa, số phận của tôn thất, hoàng tộc nhà vua yên lành hay biến động phụ thuộc vào ý chúa. Tiếng chuông báo tử cho Thái tử Lê Duy Vỹ đã điểm từ thời điểm này. Trịnh Sâm chỉ còn chờ cơ hội tốt là ra tay để thỏa sự ghen tức của bản thân. Thời điểm ấy rồi cũng đến khi Trịnh Sâm lên làm chúa.  
Án thông dâm biến không thành có
Trong Việt Nam phong sử, ở Chương tám mươi hai, có ghi đôi câu phú dưới đây: 
Dẫu xây chín tháp phù đồ,
Chi bằng làm phúc cứu cho một người. 
Lời phú này, để chỉ về mệnh bạc, án oan của Thái tử Lê Duy Vỹ khi bị Trịnh Sâm vu cáo và thắt cổ giết chết. 
Năm Đinh Hợi (1767) chúa Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm nối nghiệp, làm Tĩnh Đô vương. Quyền hành đã về hết tay mình, Trịnh Sâm liền thực thi kế hoạch nhổ cái gai trong mắt đã bấy lâu nay làm vướng bận tâm can. 
Theo Đại Việt sử ký tục biên, tháng 3 năm Kỷ Sửu (1769), Sâm mưu cùng với bọn nội thần Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Huy Đĩnh vu tội cho Thái tử Duy Vỹ thông dâm với cung nhân của Ân vương Trịnh Doanh. Tội ấy chỉ là lời vu cáo mà chẳng có chứng cứ nào, nhưng lẽ phải nằm trong tay kẻ có quyền, việc đổi trắng thay đen dễ mấy hồi. 
Vu cáo trắng trợn xong rồi, Trịnh Sâm sai người đem án ngụy tạo ấy tâu lên vua Lê Hiển Tông để xin bắt giam Thái tử. Sâm sai Phạm Huy Đĩnh đem thân binh vào điện bắt Thái tử. Trước đó, Thái tử Lê Duy Vỹ đã biết mình sẽ bị nạn, bởi ngài vốn tin thuật số, trước khi bị bắt giếng núi Tam Sơn ở sau cung điện bỗng vang lên một tiếng như sấm, ngài liền vào cung điện thưa với vua cha. 
Nghe con thưa, vua Hiển Tông cũng lấy làm lo lắng. Dù thân là thiên tử, nhưng không thể quyết được việc lành dữ cho gia tộc, nên vua chỉ còn cách làm lễ cầu cho Thái tử tai qua, nạn khỏi dù chưa biết là nạn gì. Trùng hợp làm sao, sau đó Huy Đĩnh dẫn quân tới, Thái tử biết tai họa đã kề sát vách, bèn trốn ở tẩm điện của vua cha. 
Đĩnh trước tiên vào Đông cung (nơi ở của Thái tử) không thấy, bèn đi thẳng đến cung vua kể tội Thái tử, rồi nói: “Tôi nghe nói Thái tử ẩn trong điện, xin hoàng thượng bắt giao cho tôi!”. Nhà vua biết không giấu được, ôm Thái tử không nỡ buông. Đĩnh quỳ dưới sân điện không về. Biết không thoát được, Thái tử khóc lạy cha rồi ra chịu trói để Duy Đĩnh đem về phủ chúa. 
Trịnh Sâm sai người giam Thái tử lại, kết án rồi bắt vua phải ký tên chứng nhận. Còn đau xót nào bằng khi cha phải ký lệnh xác nhận tội trạng của con mình, trong khi bản thân đường đường là một vị hoàng đế nhưng phải chịu bất lực trước sự ngang ngược của kẻ thân làm tôi thần như nhà chúa. Sau đó, Thái tử bị phế làm dân thường rồi giam vào ngục. 
Tưởng đâu việc chỉ dừng lại ở đây, nhưng hẳn sợ rằng sau này nếu Duy Vỹ ra khỏi ngục có phen sẽ trả thù mình, cuối năm Tân Mão (1771), Trịnh Sâm “giết Thái tử cũ là Lê Duy Vỹ và các người liên can là bọn Trần Trọng Lâm, Nguyễn Hữu Kỳ… gồm 14 người, thu kim sách mệnh của Hoàng hậu của mẹ Duy Vỹ là Trần Thị, bắt các con của Vỹ là Duy Khiêm, Duy Tụ, Duy Kỳ giam ở ngục sở Đề Lĩnh” (Trích Đại Việt sử ký tục biên).
Dù vị vua tương lai Duy Vỹ bị bắt thắt cổ chết oan ức, nhưng với Trịnh Sâm “gieo nhân nào gặp quả ấy”, cái di họa cũng không hề nhỏ. Trong Việt Nam phong sử còn dẫn lại rằng bởi chết oan, nên hồn Lê Duy Vỹ linh thiêng, thường hiện về đứng bên long sàng khi Trịnh Sâm ngủ, hoặc hiện lên nơi cửa phủ khi Trịnh Sâm đi… 
Lại trong việc chăn gối, Trịnh Sâm yêu mến rất mực Đặng Thị Huệ và có con là Trịnh Cán. Dân gian đồn rằng Trịnh Cán trông giống hệt Thái tử bị bức tử. Sau này Trịnh Cán bị bệnh liên miên, chỉ nhắm mắt  gãi đầu và lắc đầu giống như trạng thái của người bị thắt cổ vậy. 
Xét ra, dù thỏa mãn được sự đố kỵ nhất thời bởi tính nhỏ nhen, ích kỷ, nhưng hẳn Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm từ sau đó lòng luôn cuộn sóng bởi ám ảnh từ việc làm ngược đạo của mình. Án lương tâm suy ra còn day dứt hơn án chém nhiều…/. 

Đọc thêm