Hành trình tâm linh nhân văn
Hành trình tâm linh đầy nhân văn của các Đội quy tập cứ nối dài ra mãi. Công việc mà các anh đang làm không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhờ nguồn” của dân tộc ta, mà còn góp phần xây đắp thêm tình đoàn kết giữa ba nước Việt - Lào - Campuchia.
Quân khu 7 có 4 đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gồm Đội K70, K71, K72, K73. Mỗi năm, các đội tìm kiếm thường tìm kiếm vào mùa khô, được chia làm hai đợt. Đợt 1 bắt đầu mùa khô khoảng tháng 10 đến trước Tết âm lịch. Đợt 2 từ tháng 2 đến hết tháng 6.
Từ năm 2001 đến nay, bốn đội quy tập của Quân khu 7 đã tìm kiếm được 9.653 hài cốt liệt sĩ và chỉ có 516 trường hợp xác định được danh tính. Riêng giai đoạn mùa khô năm 2018-2019, các đội quy tập của Quân khu 7 đã tìm kiếm và đưa về nước 446 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia. Tất cả đều không xác định được danh tính.
Trong đợt 1, giai đoạn XIX, Đội K71 Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với lực lượng bảo vệ, chính quyền, nhân dân Campuchia làm tốt công tác khảo sát, tìm kiếm trên địa bàn 3 tỉnh: Siem Reap, Banteay Meanchey và Oddar Meanchey của Vương quốc Campuchia, kết quả đã tìm kiếm, cất bốc được 92 hài cốt liệt sĩ.
Trong đợt 2 giai đoạn XIX (mùa khô 2019 - 2020), Đội K71 tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn 3 tỉnh với 75 hài cốt liệt sĩ (tỉnh Siem Reap 26 hài cốt liệt sĩ, tỉnh Banteay Meanchey 26 hài cốt liệt sĩ, tỉnh Oddar Meanchey 23 hài cốt liệt sĩ).
Còn Đội K70 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia trên địa bàn tỉnh Kampong Cham và tỉnh Tbong Khmum. Đội K73 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia trên địa bàn các tỉnh Svay Rieng, Battambang và Pailin.
Với quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ trong vòng hơn chục năm tìm kiếm, Đội K52 Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đã tìm kiếm tại hơn 1.100 buôn làng, phum, sóc của 23 huyện; đào bới khoảng trên 80.000m3 đất đá, gần 150km đường hào; cơ động gần 1 triệu km... Từ nỗ lực đó, Đội K52 đã tìm kiếm, quy tập và hồi hương hơn 1.300 hài cốt liệt sĩ; trong đó có nhiều liệt sĩ xác định được họ, tên, quê quán. Và trên hành trình đi tìm đồng đội, một chiến sĩ trong đội đã anh dũng hy sinh, 6 người để lại một phần máu thịt của mình trong những chuyến công tác.
Chuyện trên đường quy tập
Trong điều kiện tài liệu, thông tin về nơi chôn cất các liệt sĩ của ta rất nghèo nàn, bản đồ thời chiến sai lệch với bản đồ hiện nay, công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Trước đây, hầu hết các vùng đất Campuchia còn rừng rậm, đường đi lại giữa tỉnh Tây Ninh và các tỉnh Kampong Cham, Siem Reap, Banteay Meanchey… còn vô vàn khó khăn. Mỗi lần qua làm nhiệm vụ, đội quy tập phải ngủ tạm trên võng, ghế xếp trong các tiểu khu quân sự của Campuchia.
Đường đi cũng hết sức gian nan vì toàn đường đất mấp mô, lầy lội về mùa mưa, bụi mù trời vào mùa khô, phương tiện di chuyển là xe tải. Có những đoạn chỉ hơn 20km nhưng phải đi mất cả buổi. Trong hành trình tìm kiếm, các đội quy tập đã đi qua những khu vực đầy rẫy bom mìn, chỉ cần sơ suất là phải trả giá bằng tính mạng của mình và đồng đội.
Đưa hài cốt liệt sĩ về nước. |
Tìm được mộ rồi, có khi đào lên, xương cốt liệt sĩ không còn bao nhiêu, chỉ vẻn vẹn hơn một vốc trong tay. Anh em cán bộ, chiến sĩ cố gắng gom nhặt, tìm những mẩu xương nhỏ nhất, đầy đủ nhất cho liệt sĩ. Có trường hợp không còn gì, chỉ còn đất đen hình người, đội quy tập vẫn lấy về.
Nhiệt độ trung bình từ 38 đến 40 độ C, nguồn nước khan hiếm, một trong những khó khăn lớn nhất mà anh em chiến sỹ trong các Đội quy tập phải đối mặt đó là khi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở các chiến trường bên nước bạn Lào và Campuchia là địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Phần lớn các địa bàn tìm kiếm đều ở xa khu dân cư, xa nguồn nước, vì thế nỗi lo thiếu nước sinh hoạt luôn thường trực.
Trong suốt 6 tháng, các chiến sĩ đều phải lên rừng, lội suối, ăn uống tại chỗ. Rắn độc, bọ cạp… bò vào doanh trại đóng quân, chui vào chăn, màn, ba lô quần áo là chuyện thường tình.
Với những nơi trú quân gần sông, suối, anh em tự đào giếng, lọc nước lấy nước dùng. Những khi trú quân nơi không thể đào giếng, các chiến sỹ phải thay nhau gánh nước từ các nguồn nước có khi xa tới cả cây số mang về tích trữ cho sinh hoạt.
Thiếu tá Phan Việt Phương, Đội trưởng Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước cho biết: “Trong những ngày nắng gắt, anh em phải chuyển sang làm việc từ 3 giờ sáng và từ 4 giờ chiều tối để tránh tiết trời nắng như đổ lửa. Những chiến sỹ phải tận dụng từng bóng mát của những cây mồ côi trên nương rẫy để nghỉ ngơi”.
Vào năm 2002, trong một lần tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ tại huyện Trảng Bàng, một thành viên trong Đội K71 Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh thử dùng một cây sắt để rọi xuống đất, hy vọng tìm được những phần mộ nằm sâu bên dưới. Và đúng như các anh nghĩ, khi rút cây sắt lên, dính theo mảnh tăng được dùng liệm người đã mất. Ngay sau đó, đơn vị đã đặt làm 30 cây xom với phần mũi có ngạnh nhỏ để tiện cho việc phát hiện hài cốt. Nhờ có cây xom, ngay đợt đó, đội đã tìm thấy hơn 100 hài cốt liệt sĩ.
Thời điểm 2010-2011, cả nước rộ lên phong trào tìm mộ liệt sĩ thông qua nhà ngoại cảm. Nhiều gia đình phía Bắc đã tốn hàng trăm triệu đồng để đưa “nhà ngoại cảm” đi tìm mộ liệt sĩ ở các tỉnh phía Nam, thậm chí theo đoàn sang tận Campuchia.
Tuy nhiên, những thông tin họ đưa ra hầu như không chính xác. Đội K71 đã gửi đi 200 mẫu sinh phẩm do “nhà ngoại cảm” chỉ cho gia đình cất bốc ra Hà Nội để xác định ADN thì chỉ có 1 trường hợp là xương người.
Được biết, khi tham gia các đợt quy tập hài cốt, mọi người đều được hưởng lương và hệ số cao gấp 2, cùng với đó, anh em còn được hỗ trợ tiền ăn gấp đôi, phụ cấp công việc hằng ngày 220 ngàn đồng.
Giúp dân và “dựa vào dân nước bạn”
Không chỉ làm công việc quy tập, tìm kiếm và hồi hương các liệt sĩ, trong nhiều năm qua, các Đội quy tập còn làm nhiều việc giúp thắt chặt mối quan hệ hữu hảo giữa các dân tộc. Bằng những hành động, việc làm thiết thực như tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc, sơ cứu những ca bệnh nặng và tai nạn giao thông, cứu đói cho người dân…, các chiến sỹ đã để lại hình ảnh đẹp, khó phai của người lính Quân đội nhân dân Việt Nam đối với chính quyền, nhân dân Lào và Campuchia. Còn người dân địa phương cũng nhiệt tình giúp đỡ các Đội quy tập.
Có đợt, tại tỉnh Siem Reap, Đội K71 được thông tin có 5 hài cốt tại một khu vực, nhưng đào suốt 2 ngày liền vẫn không tìm thấy gì. Tình cờ có một cụ già đi ngang qua hỏi thăm, khi biết được đơn vị đang tìm hài cốt liệt sĩ, cụ đã nhiệt tình chỉ một ở vị trí khác cách đó khoảng 50m. Không những tìm được đúng 5 hài cốt liệt sĩ cho các gia đình đi theo đoàn mà còn tìm thêm được 2 liệt sĩ nữa.
Mìn ở Pailin có tới 3-4 lớp chứ không phải 1. Khi chúng tôi đi khảo sát, vật liệu nổ sau chiến tranh ở Pailin còn lại rất nhiều. Nhiều người dân ở đó bị cụt tay, cụt chân khi làm ruộng, làm rẫy.
Đại tá Lê Văn Mỹ, Chính trị viên Đội K71 kể, chuyến đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở tỉnh Oddor Meanchey giai đoạn mùa khô năm 2012-2013, có một cụ già người Campuchia cho biết trên núi Tapen Tasat ở Oddor Meanchey có hai mộ liệt sĩ bộ đội Việt Nam. Họ cung cấp thông tin rất cụ thể: đó là lính trinh sát, bị Pol Pot bắt rồi tra tấn, giết chết năm 1981 hoặc 1982.
Dù đường đi đầy mìn nhưng bà con vẫn cử hai người dẫn đường đi tìm mộ hai liệt sĩ.